Bịt lỗ hổng quản lý, ngăn né thuế
Số thu thuế bị mất do chuyển lợi nhuận ra nước ngoài ước tính khoảng 100-240 tỷ USD hàng năm.
Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, số thuế thu bị mất do các hành vi làm xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (BEPS) sẽ tác động lớn đến ngân sách do phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh TLinh) |
Tại Hội thảo Kế hoạch hành động BEPS - Thực tiễn quốc tế và phương hướng triển khai tại Việt Nam tổ chức ngày 7/7, OECD cho biết, số thu thuế bị mất do BEPS ít nhất vào khoảng 100-240 tỷ USD hàng năm, tương đương 4-10% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm.
Đối với các nước phát triển như Việt Nam, là những nước phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, tác động của BEPS là đặc biệt lớn. Bởi vậy, hiện nay, mối quan tâm chung của hầu hết các nước phát triển và nước đang phát triển như Việt Nam là chống xói mòn nguồn thu và chuyển lợi nhuận.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, qua tổng kết thực tiễn, các hành vi làm xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển nhượng lợi nhuận ra nước ngoài thường do các Công ty đa quốc gia thực hiện thông qua các phương thức tránh thuế bằng việc khai thác các khoảng trống và quy định thiếu đồng bộ trong các chính sách, quy định về thuế để làm giảm lợi nhuận chịu thuế hoặc chuyển lợi nhuận sang các quốc gia, lãnh thổ có ít hoặc không có hoạt động kinh tế thực chất nhưng là nơi có mức thuế thấp hoặc miễn thuế nhằm giảm thiểu số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của một tập đoàn.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong nhiều năm qua, Việt Nam cũng đã có nhiều bước tiến quan trọng trong hoàn thiện chính sách pháp luật thuế nhằm đảm bảo thu hút nguồn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hội nhập cũng như đảm bảo nguồn thu vững chắc để phát triển đất nước. Trong đó, hệ thống thuế của Việt Nam đã từng bước được cải cách, hiện đại hóa nhằm đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế, thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp và ngày càng phù hợp với các thông lệ quốc tế.
"Để chuẩn bị cho việc thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP và các Hiệp định tự do hóa thương mại thế hệ mới như Hiệp định tự do hóa thương mại Việt Nam - EU, tiếp nhận nguồn đầu tư mới từ nước ngoài hỗ trợ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi pháp luật và cơ chế quản lý, từng bước đưa các chuẩn mực và thông lệ quản lý quốc tế vào áp dụng tại Việt Nam. Trong đó, chính sách pháp luật thuế là một nội dung quan trọng, nhằm tận dụng và phát huy có hiệu quả các lợi thế của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới, tiếp tục duy trì Việt Nam là trọng điểm đến đầu tư trong khu vực đối với các công ty đa quốc gia", ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết. Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15 - 17%
Việc tham gia các Hội nghị quan trọng về BEPS của OECD cũng thể hiện nỗ lực lớn của Việt Nam trong công tác chống xói mòn nguồn thu và chuyển lợi nhuận. Các chương trình hành động BEPS đưa ra là các giải pháp giúp các nước thu hẹp các lỗ hổng hiện nay trong quy định về quản lý thuế quốc tế dẫn đến việc lợi nhuận của các công ty hoặc “biến mất” hoặc được chuyển một cách nhân tạo đến những quốc gia, vùng lãnh thổ có thuế suất thấp hoặc được miễn thuế, trong khi các quốc gia vùng lãnh thổ đó chỉ có ít hoặc không có các hoạt động kinh tế trên thực tế.
Thời gian tới, G20/OECD sẽ chuyển trọng tâm các hoạt động về BEPS sang thiết lập và đưa vào triển khai một khuôn khổ các biện pháp giám sát thực hiện BEPS và hỗ trợ thực thi BEPS, trong đó tất cả các nước có quan tâm như Việt Nam, điểm đến của đầu tư quốc tế đều được mời tham gia một cách bình đẳng. Việc triển khai thực hiện nhanh chóng của các nước sẽ đảm bảo một môi trường thuế quốc tế chắc chắn và bền vững hơn vì lợi ích của tất cả các quốc gia.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, từ năm 2015, Tổng cục Thuế đã phối hợp với chuyên gia quốc tế để rà soát sơ bộ các nội dung trong chương trình hành động BEPS, kết quả bước đầu xác định 4 vấn đề có rủi ro cao về BEPS và cấp bách nhất của Việt Nam gồm: Chính sách cho phép hạch toán chi phí lãi tiền vay quá cao của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam; lạm dụng chuyển giá; quy định hồ sơ giá chuyển nhượng; cơ sở thường trú và lợi dụng áp dụng Hiệp định thuế.
Để tiếp cận, đánh giá và triển khai các chương trình hành động BEPS, Tổng cục Thuế đã thành lập ban chỉ đạo và 3 tổ công tác tập trung nghiên cứu cơ chế chính sách trong nước theo tiêu chuẩn và thông lệ quản lý theo BEPS, các quy định về giá chuyển nhượng và các quy định về Hiệp định thuế và hợp tác hành chính thuế theo Hiệp định thế hệ mới của OECD/UN.
Thời gian tới, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để xác định các ưu tiên, phương hướng và lộ trình thực hiện kế hoạch hành động BEPS tại Việt Nam./.
Ngành thuế nói gì về việc truy thu thuế?