BOT Uông Bí - Hạ Long: Phớt lờ chỉ đạo?
VOV.VN - Thái độ thờ ơ, phớt lờ chỉ đạo của nhà đầu tư BOT Uông Bí - Hạ Long đang gây bức xúc cho người dân, đặc biệt là những lái xe thường xuyên đi qua đây.
Trước tình trạng nền đường sụt lún, nhiều lối mở ngang không hợp lý, người dân bẻ rào vượt dải phân cách, thiếu biển báo chỉ dẫn… trên Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí – Hạ Long gây mất ATGT nghiêm trọng, hàng chục lá đơn của địa phương, văn bản yêu cầu phối hợp của Sở GTVT Quảng Ninh đã được gửi đi, cuối cùng là công văn chỉ đạo của Tổng cục đường bộ, Bộ GTVT gửi về, nhưng cho đến nay, nhà đầu tư là công ty BOT Đại Dương vẫn “làm ngơ” trước những bất cập và chỉ triệt để thu phí…
Dự án nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long theo hình thức BOT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã bộc lộ hàng loạt những bất cập, ngay từ khi bắt đầu thông xe ngày 18/5/2014 cho đến nay.
Trong đó, gây bức xúc nhất là việc hằn lún lòng đường tới 6cm - 7cm và tình trạng các lối mở ngang bất thường không tuân theo nhu cầu dân sinh, dẫn đến việc người dân tự ý bẻ hàng chục tấm chống chói, di dời các tấm bê tông dải phân cách cứng dọc tuyến đường trên 30km đang gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Người dân tự ý bẻ tấm chống chói để sang đường gây mất ATGT. |
“Phường Đại Yên đã nhiều lần làm văn bản kiến nghị với Bộ, với UBND tỉnh, thành phố, Ban ATGT tỉnh,… đề nghị mở một số điểm cần thiết nhưng tới nay vẫn chưa được mở”, ông Bền cho biết.
Phường Đại Yên đã hỗ trợ nhà đầu tư lắp lại dải phân cách và tấm chống chói. Tuy nhiên, theo thống kê, dù đã nhiều tháng qua, nhưng trong tổng số gần 70 tấm chống chói và dải phân cách cứng bị gỡ bỏ, mới chỉ có 37 tấm được lắp lại.
Với những “lỗ thủng” còn lại, ông Nguyễn Văn Duật - Trưởng Ban quản lý, khai thác và bảo trì Quốc lộ 18 giải thích: Để lắp đặt lại những vị trí bị tháo, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, được biết mỗi ngày, trạm thu phí Đại Yên trên tuyến thu được hàng tỷ đồng.
“Những điểm cần lắp lại đã được Ban quản lý lắp lại để đảm bảo an toàn giao thông, chi phí lắp lại lên đến hàng trăm triệu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện tại có một vài điểm nóng chưa lắp đặt được, nên ban đang phối hợp với chính quyền địa phương để điều tra làm rõ các đối tượng thường xuyên vi phạm, sau đó sẽ tiếp tục lắp đặt lại”, ông Duật nói.
Ông Duật cũng cho biết, đơn vị đã cập nhật các điểm mở theo yêu cầu của địa phương và đang hoàn tất hồ sơ để trình Bộ GTVT cho phép mở, trong đó có một số lối đã điều chỉnh xong như lối vào Bệnh viện Sản nhi, UBND phường...
Mặc dù vậy, qua khảo sát thực tế, các điểm mở “nhỏ giọt” này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đơn cử tại một trong những điểm nóng nhất là Km99+700 đoạn qua chợ Đại Yên, phía nhà đầu tư cho rằng không thể mở lối ngang với lý do có quá nhiều người dân thường xuyên đi lại, không đảm bảo an toàn giao thông, qua đó đề xuất xây cầu vượt.
Nhưng trên thực tế, khu vực này lại có đường sắt chạy song song đường bộ, muốn an toàn thì chiều cao tĩnh không của cầu vượt ít nhất phải đạt 7m, “không biết có trâu bò nào leo nổi không”, nhiều người dân than thở.
Để xử lý dứt điểm vấn đề này, ngày 10/4 vừa qua, Tổng cục Đường bộ đã có buổi làm việc với Công ty CP BOT Đại Dương và các bên liên quan, sau đó ra công văn số 1823/TCĐBVN–ATGT “V/v điều chỉnh tổ chức giao thông trên QL18 đoạn Uông Bí – Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh” vào ngày 14/4.
Ông Nguyễn Văn Duật. Trưởng ban quản lý, vận hành và bảo trì Quốc lộ 18 trả lời phóng viên về bất cập trong các lối mở ngang trên tuyến đường. |
Trong đó nổi bật là việc không chấp thuận cho nhà đầu tư xây cầu vượt tại Km99+700 (chợ Đại Yên), thống nhất mở dải phân cách giữa tại đây và yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương tổ chức lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông tại điểm mở này.
Bức thiết hơn cả, khi tình trạng các “sống trâu”, “con lươn” hằn vệt bánh xe xuất hiện hàng km dọc tuyến hơn một tháng trở lại đây, sau khi kiểm tra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Xuân Cường đã gửi công văn yêu cầu công ty CP BOT Đại Dương “khẩn trương rà soát các vị trí lún võng thuộc phạm vi Dự án và có biện pháp xử lý khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến”.
Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, gần 3 tháng sau công văn yêu cầu mở lối ngang và 1 tháng sau công văn yêu cầu khắc phục đường lún, các phương tiện vẫn đang phải đi trên tuyến quốc lộ “nghìn tỷ” gập ghềnh như ruộng bậc thang, vẫn nộp phí qua trạm, lối ngang vẫn chưa mở, hàng rào tấm chống chói vẫn thủng lỗ chỗ, người dân vẫn trèo rào, xe đạp, xe máy vẫn thản nhiên lao qua dải phân cách cứng đã bốc đi, ngay trước mũi các phương tiện đang lưu thông.
Mới đây, trong cuộc trả lời báo chí, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã cho biết: Tất cả điểm hằn lún trên đường quốc lộ sâu trên 2,5 cm phải sửa chữa ngay. Với dự án đầu tư bằng hình thức BOT, nhà đầu tư bỏ tiền ra sửa chữa suốt đời dự án; nếu không sửa chữa, nhà đầu tư phải dừng thu phí (và bị trừ thời gian thu phí trong tổng thời gian được thu phí).
Thái độ thờ ơ của nhà đầu tư BOT đang gây bức xúc cho những người dân sinh sống dọc tuyến, những lái xe thường xuyên đi qua đây. Còn với cơ quan quản lý Nhà nước, ngành giao thông tại địa phương, nơi có tuyến đường BOT chạy qua, sự bức xúc lại theo một chiều hướng khác. Nhà đầu tư BOT đã phối hợp với chính quyền địa phương như thế nào, tích cực hay cũng “ngó lơ”?./.