BOT Uông Bí - Hạ Long: Tươi rói vạch sơn, nền đường xuống cấp
VOV.VN - Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long với nền đường xuống cấp nghiêm trọng cùng nhiều bất cập ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Dù mới được đưa vào sử dụng và thu phí chưa đầy 1 năm, tuy nhiên Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh được đầu tư theo hình thức BOT đã có những dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.
Ngay từ khi đưa vào sử dụng, đoạn đường này đã xuất hiện nhiều những bất cập ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân hai bên đường. Thời gian gần đây, nhiều đoạn trên tuyến lại xuất hiện tình trạng lún sâu, hằn vết bánh xe, có những vị trí mặt đường lún sâu tới 6-7 cm, gây mất an toàn giao thông trên tuyến…
Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long dài 32 km được cải tạo và nâng cấp theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư trên 2.800 tỷ đồng, quy mô cấp 3 đồng bằng, với 4 làn xe do Công ty cổ phần BOT Đại Dương làm chủ đầu tư.
Dự án được khởi công từ tháng 10/2011 và thông xe từ tháng 5/2014. Tuy nhiên, ngay sau đó, do phát hiện hư hỏng, nhiều đoạn hằn lún sâu vệt bánh xe, tạo những sống trâu, ổ gà… buộc Bộ GTVT yêu cầu Công ty cổ phần BOT Đại Dương khẩn trương khắc phục và việc tổ chức thu phí dự án chỉ được triển khai sau khi tuyến đường đảm bảo chất lượng và an toàn giao thông.
Có những vị trí mặt đường xuất hiện hằn lún vệt bánh xe sâu 6-7 cm. |
Đặc biệt có những đoạn kéo dài hàng km phần đường hướng từ Hạ Long – Uông Bí, rõ rệt nhất là khu vực phường Trưng Vương, TP Uông Bí, khu vực trường Đại học Hạ Long. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông trong những ngày vừa qua.
Hàng ngày, anh Nguyễn Minh Tiến, là lái xe thuộc Công ty vận tải Duy Phương thường xuyên lái xe qua tuyến Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Uông Bí. Theo anh Tiến, mặc dù đường mới được nâng cấp và đưa vào sử dụng nhưng nhiều đoạn đã xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Hơn nữa, mới mức thu 30.000/lượt đối với xe du lịch 5 chỗ và xe trên 5 tấn có giá 160.000/lượt lại là mức không hề nhỏ đối với các nhà xe trên địa bàn.
“Trước đây Bộ GTVT đã yêu cầu sửa lại đường nhưng đến giờ vẫn bị lồi lõm và sống trâu, xe đi vào những đoạn này bị láng tay lái rất nguy hiểm. Trong khi đó, phí đường bộ trên tuyến đang được thu rất cao, nếu đã thu phí cao như thế chủ đầu tư cần nhanh chóng sửa lại đường để các phương tiện lưu thông an toàn”, anh Tiến cho biết.
Còn theo anh Nguyễn Anh Tuấn, lái xe quê ở Hải Dương thường xuyên đi qua đoạn đường này, dù thời gian gần đây nền đường đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng đơn vị quản lý vẫn không chịu cho bảo dưỡng mặc dù lệ phí thì thu quá cao.
“Tình trạng đường hỏng, xuống cấp đã kéo dài cách đây 3-4 tháng, nhất là khi thời tiết nắng nóng hiện tượng hằn lún xuất hiện nhiều hơn. Nói chung tất cả những người tham gia giao thông đều nguy hiểm khi đi gặp đường sống trâu như thế này. Cũng muốn chủ đầu tư BOT tu sửa lại đường cho an toàn, bởi người tham gia giao thông đã phải đóng tất cả các loại phí nhưng lại đang được sử dụng một tuyến đường chất lượng kém”, anh Tuấn nói.
Người dân thi nhau vượt qua dải phân cách giữa - nơi các tấm bê tông đã "bốc hơi". |
Như vậy, hàng ngày để qua được bên kia đường, những người dân ở đây phải đi khoảng 1km - 2 km. Đặc biệt là những khu vực nông nghiệp, người dân phải dắt trâu bò băng qua quốc lộ ra đồng cày cấy, chuyện ma chay khi đến khu vực nghĩa trang lại phải đi vòng qua cổng, trái với tập tục địa phương….và cả trăm thứ bất tiện khác từ khi nâng cấp đường.
Anh Lại Văn Lý, người dân sống tại phường Đại Yên, TP Hạ Long băn khoăn: “Nếu như nhà thầu làm hẳn tuyến đường mới, ai muốn đi đường tốt phải bỏ thêm tiền mua vé. Đây vẫn là nền đường cũ được nâng cấp nhưng đã làm đảo lộn việc đi lại của người dân. Cả xóm thì một nửa xóm ở phía đường bên trên, việc đi làm đồng của người dân cùng các phương tiện sản xuất gặp rất nhiều khó khăn”.
Chính vì những bất cập này, người dân và chính quyền các phường có đường 18 đi qua đã gửi nhiều đơn thư yêu cầu Công ty cổ phần BOT Đại Dương cho mở một số lối ngang nơi có nhiều khu dân cư sinh sống. Đơn cứ gửi, than mãi hóa nhàm, BOT phớt lờ mọi thỉnh cầu nên nhiều người dân sống hai bên đường đã tự ý tháo những tấm chống chói, thậm chí còn tập trung dỡ cả khối bê tông nặng hàng tấn để sang đường.
Theo ông Đinh Xuân Bền, Phó Chủ tịch UBND Phường Đại Yên, trước đây con đường này là đường 2 chiều không có dải phân các cứng ở giữa, tuy nhiên từ khi cải tạo nâng cấp thì mới có dải phân cách này.
“Tại sao chỉ một cây xăng thì cho phép mở đến hai lối ra vào, trong khi nhu cầu dân sinh qua đường là rất thiết thực. Địa phương đã kiến nghị rất nhiều tới các cấp nhưng vẫn không được mở đường ngang mà không hiểu lý do vì sao? Thực ra để mở một lối như thế này, chúng tôi nghĩ là không có gì khó khăn cả”, ông Đinh Xuân Bền cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại tất cả các khu vực có cây xăng hay các nhà hàng, cứ khoảng 50 mét có đến 2 lối mở sang đường, nhưng lối cho dân sinh lại bịt chặt. Đặc biệt, dù đã khai thác và thu phí nhưng nhiều hạng mục trên tuyến đường này không được chủ đầu tư hoàn thiện như trạm đón – trả khách cho xe buýt, các biển báo hiệu giao thông tại các điểm đấu nối đường dân sinh vào đường Quốc lộ, trường học vẫn trống trơn cột báo.
Việc đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT góp phần không nhỏ trong việc giảm tải về vốn cho nhà nước. Bên cạnh đó còn tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp sớm được sử dụng những công trình giao thông hiện đại với vốn đầu tư lớn.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những tồn tại hiện hữu trên những công trình này, bởi đơn vị quản lý, khai thác trực tiếp có quá nhiều quyền quyết định trong khi địa phương nơi có tuyến đường đi qua thì lại chỉ có thể “góp ý”./.