Bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp ở Đắk Nông
VOV.VN - Năm 2004 khi tách lập tỉnh, từ nền sản xuất nhỏ, manh mún, canh tác lạc hậu, năng suất thấp, đến nay ngành nông nghiệp Đắk Nông đã phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất.
Năm vừa qua, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh này đạt hơn 34.300 tỷ đồng, tăng gấp 14 lần, giá trị canh tác trung bình đạt 103 triệu đồng/1 ha, tăng 90 triệu đồng so với năm 2004.
Nông nghiệp phát triển đã giúp Đắk Nông thoát khỏi diện tỉnh nghèo và đang phấn đấu thành tỉnh khá của vùng Tây Nguyên. Phóng viên Minh Huệ thường trú tại khu vực Tây Nguyên có bài viết "Bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp ở Đắk Nông".
Trong căn nhà xây khang trang, anh Y Huốt, ở bon Đăk Gân, xã Đăk Gằn, huyện Đăk Mil, phấn khởi, năm vừa qua thời tiết thuận lợi cho việc làm lúa, làm cà phê. Chăm chỉ học hỏi cách làm ăn, gia đình anh đã có thu nhập ổn định, sắm sửa một số phương tiện máy móc phục vụ sinh hoạt, sản xuất và cho các con ăn học đầy đủ.
“Gia đình làm ruộng có 3 sào, thu được 40 bao lúa thì cũng đủ gạo ăn. Cà phê thì có 2 ha, làm không năng suất như địa bàn khác vì đất không tốt mấy nhưng cũng thu được 5 tấn nhân. Hồ tiêu thì cũng có vài cây. Nói chung là mình trồng kín đất rồi, bây giờ thì làm bằng cách ghép giống mới để có năng suất hơn" - anh Y Huốt chia sẻ.
Từ chỗ làm nông nghiệp đủ ăn, nông dân tỉnh Đắk Nông đang hướng đến làm giàu bằng việc sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị. Giữa cái nắng mùa khô, nhưng vườn hồ tiêu của gia đình anh Nguyễn Văn Tú, ở xã Trường Xuân, huyện Đăk Song vẫn xanh mướt. Anh cho biết, canh tác hữu cơ không chỉ giúp vườn cây bền vững mà còn đảm bảo sức khỏe và cho hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Theo anh Tú: “Hồi trước làm sử dụng nhiều thuốc sâu nên rất độc hại. Khi chuyển qua canh tác sinh học thì tôi không xịt thuốc sâu thuốc cỏ, mà chỉ dùng phân chuồng, phân vi sinh thôi. Sau đó theo HTX Trường Xuân làm tiêu hữu cơ và liên doanh với bên Hoàng Nguyên nữa, thì sản phẩm giờ đã xuất khẩu sang các nước Nhật, Mỹ, châu Âu. Giá bán luôn cao hơn thị trường, hiện nay luôn trên 120.000 đồng/kg”.
Là đơn vị liên kết 200 nông dân canh tác gần 1.000 ha hồ tiêu hữu cơ phục vụ xuất khẩu, bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Hoàng Nguyên, ở xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, chia sẻ kinh nghiệm, đó là cần phải đặt mục tiêu rõ ràng và tập trung nguồn lực thực hiện.
“Thứ nhất, chúng tôi chủ động vùng nguyên liệu để làm chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai, chủ động nguồn vốn để cùng với bà con nông dân giữ lại nguồn hàng. Thứ ba, chúng tôi tìm khách hàng và ký kết các hợp đồng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Tôi nghĩ là uy tín quyết định quan trọng đến việc giao thương cùng các đối tác” - bà Thu cho biết thêm.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, đến nay toàn tỉnh đã có 65 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với khoảng 10.000 hộ dân tham gia. Hơn 25.000 ha cây trồng các loại được tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận như VietGAP, hữu cơ, HACCP, 4C, UTZ…
Tỉnh đã hình thành một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (quy mô 120 héc ta); 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về cà phê, hồ tiêu, lúa nước (tổng diện tích gần 2.500 ha); trên 85.000 ha các loại cây trồng ứng dụng một phần công nghệ cao. Đắk Nông đã có 94 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đang đề nghị Trung ương đánh giá phân hạng 5 sao. Nông sản của tỉnh đã xuất khẩu đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ, với kim ngạch tăng khá, giá trị đạt khoảng 800 triệu USD mỗi năm.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, tỉnh tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn là giải pháp Đắk Nông đang thực hiện để phát triển nông nghiệp bền vững.
“Chúng tôi sẽ hình thành các vùng nguyên liệu trên cơ sở liên kết bà con nông dân, các hộ cá thể thông qua các tổ chức hợp tác, hợp tác xã. Qua hợp tác xã thì chúng ta mới có điều kiện để kêu gọi đầu tư, tổ chức sản xuất có chứng nhận, để được cấp mã vùng trồng và các giải pháp có liên quan.
Ngành nông nghiệp chúng tôi cũng đang tham mưu UBND tỉnh có các giải pháp để đến 2025 tất cả các ngành hàng phải hình thành được các vùng sản xuất tập trung thông qua các hợp tác xã và kết nối được với các doanh nghiệp thu mua, chế biến phục vụ xuất khẩu” - ông Phạm Tuấn Anh bày tỏ.
Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, sản xuất nông nghiệp phát triển đã góp phần đưa Đắk Nông thoát khỏi diện tỉnh nghèo từ năm 2020, và đang phấn đấu thành tỉnh khá của vùng Tây Nguyên. Hiện, tỉnh đang xây dựng các cơ chế chính sách mới để tập trung thu hút nguồn lực đầu tư, phát huy tiềm năng, lợi thế lớn về đất đai, khí hậu, phát triển kinh tế nông nghiệp.
Theo ông Yên: “Thay đổi tư duy canh tác truyền thống sang canh tác tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ khâu giống đến phân bón cũng như khâu sản xuất khâu tiêu thụ. Và chúng ta phải xây dựng các sản phẩm OCOP đảm bảo các tiêu chí để đáp ứng được thị trường.
Đặc biệt là xây dựng các chuỗi giá trị, các ngành hàng chủ lực để làm sao chế biến sâu, tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”; xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù thu hút về nông nghiệp để có các doanh nghiệp uy tín làm trụ đỡ trong việc hỗ trợ cho hợp tác xã và nông dân”.
Hiện, Đắk Nông đã có 4 ngành hàng chủ lực về cây công nghiệp, trong đó cà phê (diện tích 140.000 ha, sản lượng trên 360.000 tấn) và hồ tiêu (diện tích 34.000 ha, sản lượng trên 60.000 tấn) có diện tích, sản lượng hàng đầu cả nước. Bên cạnh đó là những sản phẩm tiềm năng và lợi thế về các loại cây ăn trái (khoảng 15.000 ha gồm sầu riêng, bơ, mắc ca, xoài), các loại rau, củ (hơn 15.000 ha).
Cùng với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, Đắk Nông cũng đang phát triển nông nghiệp đa giá trị, với những mô hình cà phê, cây ăn trái kết hợp du lịch trải nghiệm… Đây là những bước đi đúng đắn góp phần để Đắk Nông thực hiện mục tiêu phát triển thành tỉnh khá của vùng Tây Nguyên theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đã đặt ra cho giai đoạn tới.