Các kênh chuyển tiền cần nhanh chóng, thuận lợi để thu hút kiều hối
VOV.VN - Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, 5 năm trở lại đây, nguồn kiều hối gửi về TP luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước, trong đó, năm 2021 đạt cao nhất với 7,1 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Riêng năm 2022, con số tuyệt đối tương đối cao, đat mức 6,6 tỷ USD, chỉ giảm 7% so với năm 2021.
Chiều 22/5, tại TP.HCM, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Đề án “Chính sách thu hút và phát huy nguồn kiều hối trên địa bàn TP”. Tham gia góp ý có các chuyên gia ngành tài chính thuộc các viện, trường, ngân hàng lớn, các quỹ tài chính trong nước và quốc tế.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, 5 năm trở lại đây, nguồn kiều hối gửi về TP luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước, trong đó, năm 2021 đạt cao nhất với 7,1 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Riêng năm 2022, con số tuyệt đối tương đối cao, đat mức 6,6 tỷ USD, chỉ giảm 7% so với năm 2021.
5 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM luôn chiếm tỷ trọng tương đối cao, từ 38% đến 53%, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP, có 4 yếu tố dẫn tới thành công này, đó là chủ trương chính sách của Đảng luôn duy trì các ưu đãi tốt nhất để thu hút kiều hối; thân nhân nhận kiều hối không phải trả phí thu nhập, không phải đóng thuế; họ có thể nhận bằng tiền đồng hay ngoại tệ; có thể nhận trực tiếp, chuyển khoản hoặc các phương tiện hiện đại, như ví điện tử, Internet Banking…
TP.HCM cũng có hệ thống mạng lưới gần 2.500 điểm phòng giao dịch, chi nhánh, trụ sở của tổ chức tín dụng, cùng 89 đại lý chi trả kiều hối và 16 tổ chức hoạt động chi trả, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn và hiệu quả.
Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TP.HCM có môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn vốn nói chung và nguồn lực kiều hối nói riêng. Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, TP cần tiếp tục bám sát định hướng giải pháp lớn, quan trọng là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đây cũng là giải pháp chiến lược, cần được thực hiện thường xuyên.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh: "Chúng ta tiếp tục kích kích thích lòng yêu nước, bản chất ở đây là tiếp tục phát triển TP.HCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình; người dân TP tự hào về TP của mình. Tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, khuyến khích kiều bào, những người Việt Nam đã đang học tập, lao động ở nước ngoài, chia sẻ nguồn tiền tích lũy, thu nhập để cho, tặng người thân ở Việt Nam".
Các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, để tăng lượng kiều hối gửi về cần tăng cường xuất khẩu lao động, nhất là lĩnh vực y tế và công nghệ thông tin, chú trọng lao động có tay nghề cao. Ở các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Australia, Hoa Kỳ…, cần đẩy mạnh ứng dụng mạng xã hội giúp cho những người tham gia xuất khẩu lao động tăng kết nối, chia sẻ thông tin, giúp đỡ lẫn nhau, đó là một trong các nguồn cơ bản để tạo ra kiều hối lâu dài.
Về tài chính, để tạo thuận lợi cho việc chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam, các ngân hàng thương mại cần đầu tư tốt hơn cho Internet Banking để cung cấp nguồn thông tin “sạch”, dễ sử dụng; cần phải giảm chi phí chuyển tiền qua các kênh chính thức, từ đó tăng doanh thu cho ngân hàng thương mại và tăng lượng tiền chuyển về Việt Nam./.