Các trường đại học đang thu không đủ bù chi
(VOV) -Nguyên do là mức học phí quá thấp so với chi phí đào tạo thực tế, nhất là học phí đào tạo sau đại học.
Theo Bộ Tài chính: Tổng chi cho giáo dục đại học 4 năm qua là một trong những nhóm chi tăng cao nhất trong các nhóm chi ngân sách nhà nước. Tổng số tiền ngân sách nhà nước chi cho các trường năm 2011 là 1.246 tỷ đồng. Số tiền các trường tự thu từ học phí và tiền chuyển giao công nghệ khoảng 2.760 tỷ đồng.
Sau một thời gian thực hiện thí điểm tự chủ tài chính ở một số trường đại học, một thực tế sễ thấy là các đơn vị này thu không đủ bù chi. Lý do là “Trần học phí bị khống chế, chỉ tiêu tuyển sinh cũng bị giới hạn nên các trường không thể tăng thu thêm”.- TS Vũ Trường Giang- Vụ hành chính sự nghiệp (Bộ tài chính) cho biết tại hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học” do Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức.
Tự chủ nửa vời
Sau khi thực hiện thí điểm tự chủ tài chính ở một số trường đại học, các đơn vị này đã đạt được những thành công nhất định. Các đơn vị đã chủ động cân đối tài chính cho hoạt động, chi tiêu tiết kiệm, tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những bất cập vì mới tạo ra cho các trường tự chủ về chi mà chưa tạo ra cho các đơn vị tự chủ về nguồn thu nên các trường chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động, hiệu quả và hiệu lực quản lý không cao.
Cụ thể, chưa có cơ chế cho phép các trường tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên được chủ động xây dựng mức thu học phí để đảm bảo thu đủ bù chi, từ đó dẫn đến tình trạng không bình đẳng giữa các trường thực hiện tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động với các trường công lập khác vẫn được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên hàng năm.
Theo phản ánh của bà Phan Thị Bích Nguyệt – Phó hiệu trưởng trường ĐH kinh tế TP HCM thì nguồn thu chủ là học phí. Các trường chưa được chủ động trong xác định nguồn thu. Ngoài ra, nguồn ngân sách lại không đáng kể chỉ chi một phần rất nhỏ cho chi không thường xuyên để sửa chữa cơ sở vật chất.
Theo Bộ Tài chính, do bị khống chế về trần học phí nên để có thêm nguồn thu, các cơ sở giáo dục ĐH công lập buộc phải tăng số lượng và quy mô học sinh đào tạo không chính quy, liên kết nhưng việc mở rộng này không tương xứng với năng lực đào tạo của nhà trường.
Chia sẻ thực tế này, GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Đại học kinh tế Quốc dân cho hay: Toàn bộ các nguồn thu từ đào tạo ngay cả khi áp dụng mức thu tối đa theo dự thảo khung học phí của Chính phủ cũng không thể đủ cân đối cho một bộ phận lớn của chi thường xuyên phục vụ đào tạo là lương, bảo hiểm, khen thưởng, phúc lợi.
GS Đạt cũng khuyến cáo, với mức lương như hiện nay, 2,55 triệu đồng/tháng và dự kiến 5,1 triệu đồng/tháng vào năm 2015 thì tới năm 2015, giảng viên giỏi có thể sẽ chuyển nghề hoặc chuyển sang các trường tư thục, trường có đầu tư nước ngoài.
Và bình quân…
Về cơ chế quản lý và phân bổ ngân sách, theo đánh giá của các chuyên gia vẫn còn mang tính bình quân, chưa khuyến khích tính năng động, tích cực và chưa tạo động lực cạnh tranh cho các trường đại học…
Theo quan điểm của ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội: “Phải cơ cấu lại phân bổ ngân sách đầu tư theo hướng những nghề nào xã hội có nhu cầu, người học theo nhiều, có thể xã hội hóa được thì nhà nước sẽ giảm chi phí. Bên cạnh đó, tăng đầu tư hỗ trợ cho ngành nghề quan trọng của đất nước nhưng ít học sinh theo học bằng cách nhà nước phải đặt hàng với các cơ sở giáo dục đào tạo để phát triển”.
Cách làm này cũng đang được Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét. Ông Nguyễn Trường Giang (Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính), cho biết: Bộ này đang cùng một số trường ĐH nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm việc tự chủ tài chính cho một số ngành đào tạo, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt vào quý IV/2012 và sẽ thực hiện ngay trong năm 2013. Theo đó, một số ngành học sẽ phải đóng học phí cao.
Cũng theo ông Giang, cơ chế phân bổ NSNN cũng sẽ thay đổi theo các tiêu chí đầu vào sang phân bổ theo tiêu chí đầu ra, gắn với các định mức kinh tế, kỹ thuật trong đào tạo, định mức phân bổ chi phí đào tạo, có sự phân biệt giữa cơ sở đào tạo có chất lượng, hiệu quả với cơ sở kém chất lượng; thực hiện phân bổ kinh phí gắn với các kết quả đánh giá, kiểm định độc lập chất lượng đào tạo.
Đồng tình với cách làm này, ông Phùng Xuân Nhạ, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, cần chọn thí điểm các trường được quyền tự chủ theo hướng đầu tư có chiều sâu. Bên cạnh đó, các trường nên chủ động lựa chọn ngành, chuyên ngành phù hợp với yêu cầu thực tế để thực hiện thí điểm. Để cơ chế này thực sự hiệu quả, người đứng đầu nhà trường phải có nhiệm vụ giải trình minh bạch hoạt động của đơn vị.
"Toàn bộ kết quả trên sẽ là cơ sở để ra quyết định có nên lựa chọn thí điểm những năm tiếp theo" – ông Phùng Xuân Nhạ nói.
Quan điểm chung của các chuyên gia, để tăng cường tính tự chủ cho các trường, song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học, cần từng bước tính đủ chi phí đào tạo trong học phí; gắn đổi mới cơ chế tài chính với nâng cao chất lượng đào tạo; áp dụng triệt để nguyên tắc gắn với sản phẩm đầu ra trong quản lý, phân bổ nguồn lực tài chính; đề xuất cơ chế tài chính để đào tạo chất lượng cao và đào tạo nhân tài. Việc cần làm trước mắt là trao thêm quyền tự chủ cho các trường đại học và cơ cấu lại việc phân bổ ngân sách đầu tư cho giáo dục để tăng tính cạnh tranh cho các trường./.