Cán bộ “đóng băng” công việc trong khi doanh nghiệp sợ bị “vạ lây”
VOV.VN - Cán bộ không dám mạnh dạn giải quyết công việc thuộc chức năng nhiệm vụ của mình, trong khi DN chỉ hoạt động cầm chừng, cẩn trọng với những lĩnh vực có liên quan đến khu vực công vì sợ sẽ bị “vạ lây”.
Tại phiên thảo luận tại tổ sáng 25/5, các ĐBQH đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2023. Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đánh giá, trong bối cảnh khó khăn về dịch bệnh, thu NSNN vẫn tăng là kết quả rất đáng ghi nhận. Đặc biệt trong năm 2021 và năm 2022 khi kinh tế giảm sút, thị trường đất đai, bất động sản khởi sắc đã khiến nguồn thu từ đất đai tăng lên đã giúp nguồn thu ngân sách tốt hơn.
“Trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, việc giảm thuế VAT 2% sẽ khuyến khích cho việc tăng cầu tiêu dùng của mỗi người dân, tạo cơ sở cho các DN phục hồi phát triển, bù đắp cho nguồn ngân sách thiếu hụt. Trong dự thảo Nghị quyết phát triển KTXH lần này, chính sách về hoãn, giãn các khoản như thuế, tiền thuê đất…trong năm 2022 chưa có tính gợi mở, nên cần căn cứ tùy theo tình hình thực tế để Chính phủ đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm hay tăng các khoản thu”, Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.
Liên quan đến tình hình KTXH đầu năm 2023, Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong Quý I/2023 tăng trưởng kinh tế hết sức đáng lo ngại bởi đang từ mức 8,02% rơi xuống chỉ còn 3,2% mặc dù đây là thời điểm không quá khó khăn khi tăng trưởng tiêu dùng khá cao. “Thực tế trong Quý I nhiều tỉnh, thành phố được coi là trọng điểm, là đầu tàu kinh tế đều sụt giảm tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm điển hình như TP.HCM chỉ tăng trưởng 0,67%, những chỉ số này chứng tỏ rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế rất đáng lo ngại. Ngay cả quy mô đầu tư công của năm 2023 dù có tăng hơn rất nhiều, nhưng trong Quý I cũng chỉ tăng 15,6% mặc dù Chính phủ đã rất quyết liệt trong giải ngân”, ông Cường chỉ ra.
Đánh giá cao các giải pháp tích cực của Chính phủ ngay từ đầu năm 2023, khi triển khai loạt các Nghị quyết hướng đến việc giải quyết khó khăn cho DN, như việc thành lập các Tổ công tác xử lý; Nghị quyết tháo gỡ thị trường BĐS; giảm lãi suất điều hành… là động thái táo bạo và quyết liệt trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nêu thực tế, hiện nay ở nhiều nơi có tình trạng “đóng băng” trong hành động. Nhiều cán bộ trong khu vực hành chính công mặc dù được thúc đẩy rất quyết liệt, nhưng không dám mạnh dạn giải quyết công việc thuộc chức năng nhiệm vụ của mình. Nhiều cán bộ có tâm lý e ngại, không dám quyết liệt xử lý bởi vướng những quy định hiện hành khiến nhiều thủ tục ách tắc, vận hành của khu vực hành chính công bị đình trệ.
“Nhiều DN cũng rơi vào tình trạng khó khăn khi một phần hoạt động của họ phải phụ thuộc vào các quyết định hành chính. Thậm chí có DN thẳng thắn bày tỏ, họ chỉ hoạt động cầm chừng và phải cẩn trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan đến khu vực công, nhất là khu vực công có vấn đề dễ khiến DN sẽ bị “vạ lây”, đại biểu Hoàng Văn Cường phản ánh.
Cũng theo ông Hoàng Văn Cường, hiện vẫn còn một loạt các vấn đề KTXH cũng chưa được khơi thông. Ngay như lĩnh vực du lịch, dù là một quốc gia được đánh giá khá thành công và sớm mở trở lại hoạt động, nhưng cho đến nay lượng khách đến Việt Nam vẫn rất thấp so với trước và thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Trong khi theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, khi nền kinh tế gặp khó khăn từ bên ngoài, các quốc gia cần khơi thông nguồn lực từ nội tại, nhưng hiện tại cơ chế chính sách còn khá nhiều rào cản.
Tương tự, Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn TP. Hà Nội) nhận xét, dù Chính phủ đã rất cố gằng nỗ lực nhưng kết quả đạt được lại không mấy khả quan. Từ đầu năm 2023, nhiều khó khăn đã lộ diện. Những DN dù cố cầm cự sản xuất, nhưng sản phẩm sản xuất ra cũng không bán được vì lượng tồn kho quá lớn, trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn xuất phát từ lượng cầu giảm thấp.
Phân tích thực trạng này, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, lúc này động lực tăng trưởng kinh tế phải xuất phát từ trong nước, nên giải pháp lớn nhất lúc này là chi tiêu được ngân sách cũng như tăng chi tiêu đầu tư công. Nhưng đầu tư công thực tế chỉ tăng 15.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2022 và trên thực tế tỷ lệ chưa đạt được 16% là chưa đạt so với kỳ vọng.
Ngoài ra, theo đại biểu Phạm Đức Ấn, hiện nay dù lãi suất có giảm và nguồn tín dụng của nền kinh tế khá dồi dào, nhưng nhu cầu vốn hiện nay rất thấp. Các ngân hàng muốn giải ngân cũng không được vì DN sản xuất không bán được cho nên có khuyến khích DN cũng không muốn vay là bế tắc nhất của nền kinh tế cho thấy không phải vì lãi suất mà nền kinh tế không tăng trưởng được./.