Cần nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế khu vực biên giới

VOV.VN - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của Việt Nam và các tỉnh biên giới chậm lại trong suốt hơn một năm qua, song, 6 tháng đầu năm 2021, tất cả các địa phương biên giới đều có mức tăng trưởng dương.

Đã có 20 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (5,64%), trong đó, có 4 tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc, 9 tỉnh có biên giới giáp với Lào, 7 tỉnh có biên giới giáp với Campuchia - đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về phát triển kinh tế khu vực biên giới do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì kết nối với 25 tỉnh biên giới diễn ra sáng nay (16/8).

Mặc dù vậy, việc phát triển kinh tế khu vực biên giới cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, bên cạnh những khó khăn nội tại (như quy hoạch còn thiếu tính dự báo, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư và cơ sở hạ tầng thương mại chưa theo kịp sự phát triển...) còn là những diễn biến mới phát sinh từ dịch bệnh Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 4.924 km tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia đi qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam (435 xã, phường, thị trấn biên giới thuộc 103 huyện, thị xã, thành phố biên giới của Việt Nam), 2 tỉnh/khu tự trị của Trung Quốc, 10 tỉnh của Lào và 10 tỉnh của Campuchia.

Tuyến biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia được đánh giá là cửa ngõ quan trọng trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương biên giới của Việt Nam với các địa phương biên giới của nước láng giềng; giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới và các nước trong khu vực.

Năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của Việt Nam và các tỉnh biên giới chậm lại. Tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất trên thế giới cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, lũ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng và đời sống nhân dân.

6 tháng đầu năm nay, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi sau khi nhiều nước thành công trong triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, khống chế dịch. Tuy nhiên, nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát do các biến chủng mới xuất hiện vẫn hiện hữu và tiếp tục đe dọa người dân các nước, đặc biệt là khu vực châu Á.

Trong bối cảnh đầy khó khăn, các tỉnh biên giới, đặc biệt là các khu vực biên giới đã chủ động, tích cực khắc phục, vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng tại khu vực biên giới, phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ đó, tất cả các địa phương biên giới tăng trưởng dương, hầu hết các địa phương tăng vượt mức bình quân của cả nước trong 6 tháng đầu năm. Song, vẫn còn 5 tỉnh tăng trưởng dưới mức bình quân cả nước, bao gồm Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Đồng Tháp, Kiên Giang.

Ông Trần Việt Thế - PGĐ Sở Công Thương Hà Giang cho biết về những khó khăn cụ thể của địa phương: "Trong 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì tỉnh Hà Giang và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đều tăng cường chống dịch nên hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Hà Giang bị đình trệ. Hiện nay hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu diễn ra tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, còn qua các cửa khẩu phụ khác thì hiện nay đang bị tạm dừng hoạt động, bị đình trệ nên rất mong muốn các bộ và các bộ, ngành hỗ trợ trong thời gian tới…".

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy còn khá nhiều tồn tại cần phải được quan tâm đầu tư cho các tỉnh khu vực biên giới, đáng kể như: Độ che phủ điện lưới quốc gia khu vực biên giới còn thấp (đến nay, vẫn còn 10,52% số thôn tại khu vực biên giới chưa có lưới điện quốc gia); Nguồn vốn đầu tư phát triển cho các hạ tầng quan trọng ở khu vực biên giới còn hạn chế (23/25 tỉnh vẫn phải phụ thuộc vào ngân sách trung ương. Mới chỉ có 2 tỉnh tự chủ ngân sách là Quảng Ninh và Quảng Nam); Hạ tầng thương mại biên giới còn thiếu và yếu... Cùng với đó, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn ra phức tạp…

Theo ông Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, có 3 bất cập lớn cần làm tốt hơn để nâng cao hoạt động, phát triển kinh tế khu vực biên giới: "Thứ nhất, đến nay chúng ta vẫn chưa có quy hoạch tổng thể về phát triển hệ thống cửa khẩu. Trên thực tế chúng ta chưa có nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, một cách căn cơ các vấn đề liên quan đến sự phát triển của cửa khẩu. Vấn đề phát triển kinh tế xã hội ở khu vực cửa khẩu liên quan đến rất nhiều các loại quy hoạch khác nhau…

Thứ hai là quy trình mở và nâng cấp cửa khẩu của Việt Nam với các nước còn nhiều khác biệt… Thứ ba là chúng tôi thấy cũng có một bất cập nữa là mức độ đầu tư về phát triển cửa khẩu của chúng ta với các nước láng giềng khác nhau…".

233695580_815430835827263_8611389505290803487_n.jpg

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều khó khăn, song, đến nay, đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 3 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các tỉnh biên giới, khu vực biên giới đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động với tổng diện tích là 8.799 ha; tương ứng chiếm 36,6% số lượng và 39,4% diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước.

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới vẫn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế-xã hội các vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới nói riêng và của cả nước nói chung. Cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ.

Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu. Kim ngạch thương mại biên giới năm 2020 đạt 30 tỷ USD, chỉ chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước nói chung và trong tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia nói riêng (21,5%). Hạ tầng thương mại biên giới hiện chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá cao tham luận của đại diện các tỉnh biên giới, các Bộ Nông nghiệp, Kế hoạch-Đầu tư, Giao thông vận tải… đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, thách thức trong phát triển kinh tế khu vực biên giới thời gian qua.

Cơ hội phát triển kinh tế khu vực biên giới là rất lớn, để khai thác tốt các tiềm năng này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh 8 nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, cần tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp - thương mại trong giai đoạn 2021-2030, khẩn trương tích hợp Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh. Đồng thời, triển khai Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển công nghiệp – thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu… tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực và tương thích với quy hoạch, đầu tư phát triển của nước bạn.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ: "Cần nghiên cứu đề xuất chính sách hoặc ban hành chính sách địa phương đủ sức hấp dẫn, đồng bộ, khả thi để thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội nhất là đô thị và công nghiệp thương mại nhất là đầu tư tư nhân. Huy động nguồn lực xã hội và khai thác quỹ đất, lợi thế kinh doanh thương mại tại vùng biên giới; Cần ưu tiên bố trí phân bổ vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng về giao thông, điện, nước, viễn thông và hạ tầng thương mại dịch vụ…

Chủ trương của chúng ta là sử dụng một cách hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách rất nhỏ thôi, nhưng mà chúng ta làm vốn mồi trong khâu giải phóng mặt bằng, chúng ta làm vốn mồi trong khâu đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông kết nối từ đất liền ra cửa khẩu…".

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng nhấn mạnh việc cần tận dụng tốt quan hệ qua biên giới và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các nước để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… phục vụ nhu cầu xuất khẩu; Kịp thời, chủ động trong việc đề xuất nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, doanh nghiệp các nước chung biên giới.

Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch trong thương mại khu vực biên giới; Có cơ chế, chính sách thật hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn cả trong và ngoài nước, đầu tư vào khu vực biên giới để tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới của đất nước; Và, chú trọng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Diễn biến kinh tế Trung Quốc gây “bão” trên thị trường thế giới
Diễn biến kinh tế Trung Quốc gây “bão” trên thị trường thế giới

VOV.VN - Những biến động của nền kinh tế Trung Quốc đang tác động mạnh đến hàng loạt các thị trường chứng khoán, tiền tệ quy mô toàn cầu.

Diễn biến kinh tế Trung Quốc gây “bão” trên thị trường thế giới

Diễn biến kinh tế Trung Quốc gây “bão” trên thị trường thế giới

VOV.VN - Những biến động của nền kinh tế Trung Quốc đang tác động mạnh đến hàng loạt các thị trường chứng khoán, tiền tệ quy mô toàn cầu.

Kinh tế hộ góp phần làm đổi thay bản làng biên giới ở Lai Châu
Kinh tế hộ góp phần làm đổi thay bản làng biên giới ở Lai Châu

VOV.VN - Hiện nay, bà con vùng biên giới Phong Thổ (Lai Châu) đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình. 

Kinh tế hộ góp phần làm đổi thay bản làng biên giới ở Lai Châu

Kinh tế hộ góp phần làm đổi thay bản làng biên giới ở Lai Châu

VOV.VN - Hiện nay, bà con vùng biên giới Phong Thổ (Lai Châu) đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình. 

Việt Nam và chính sách ứng phó biến động kinh tế thế giới
Việt Nam và chính sách ứng phó biến động kinh tế thế giới

Theo nhiều chuyên gia, trước mắt Việt Nam cần đảm bảo kinh tế vĩ mô, nỗ lực phát triển lĩnh vực tài chính để đối phó với biến động kinh tế thế giới hiện nay.

Việt Nam và chính sách ứng phó biến động kinh tế thế giới

Việt Nam và chính sách ứng phó biến động kinh tế thế giới

Theo nhiều chuyên gia, trước mắt Việt Nam cần đảm bảo kinh tế vĩ mô, nỗ lực phát triển lĩnh vực tài chính để đối phó với biến động kinh tế thế giới hiện nay.

Đẩy nhanh xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Trung-Việt
Đẩy nhanh xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Trung-Việt

Với việc xây dựng ba khu hành lang kinh tế: Đông Hưng-Móng Cái, Bằng Tường- Đồng Đăng và Hà Khẩu-Lào Cai, hợp tác biên giới Việt-Trung về cơ bản đã chín muồi.

Đẩy nhanh xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Trung-Việt

Đẩy nhanh xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Trung-Việt

Với việc xây dựng ba khu hành lang kinh tế: Đông Hưng-Móng Cái, Bằng Tường- Đồng Đăng và Hà Khẩu-Lào Cai, hợp tác biên giới Việt-Trung về cơ bản đã chín muồi.