Cần quy rõ trách nhiệm trong việc chậm tiến độ tuyến đường Hồ Chí Minh
VOV.VN - Đến nay, tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn còn khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện. Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần làm rõ những vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ công trình này cũng như quy rõ trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên quan.
Bộ Giao thông- Vận tải cho biết, theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 đến năm 2020 tuyến đường Hồ Chí Minh hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km. Đến nay, đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh, đang triển khai 211 km, còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.
Về phương hướng, mục tiêu trong thời gian tới, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, giai đoạn đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai; cân đối bố trí nguồn lực để đầu tư 02 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến chưa đầu tư, tận dụng QL.32, QL.21 để nối thông đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe. Tập trung nguồn lực hoàn thành khoảng 287 km thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại các Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022.
Giai đoạn sau năm 2025, trên cơ sở nhu cầu, hiệu quả đầu tư, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khả năng cân đối nguồn lực của từng thời kỳ, đầu tư khoảng 634 km đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc.
Nói về dự án đường Hồ Chí Minh, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng, đến cuối năm 2021, dự án vẫn đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại 171 km cần tiếp tục cân đối bố trí vốn để triển khai, nối thông toàn tuyến, trong 5 năm (2017 - 2021), dự án chỉ triển khai được khoảng 7% tổng khối lượng. Như vậy, dự án không bảo đảm đúng tiến độ, đến năm 2021 mục tiêu thông toàn tuyến vẫn chưa hoàn thành, không bảo đảm phân kỳ đầu tư đã quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.
Bà Phạm Thị Hồng Yến cho rằng, cần làm rõ vướng mắc, khó khăn cũng như nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới việc chậm trễ 171 km vẫn chưa triển khai thực hiện của tuyến đường Hồ Chí Minh cũng như làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan để xử lý dứt điểm, đẩy mạnh tiến độ, sớm hoàn thiện toàn bộ dự án. Ngoài ra, đề nghị làm rõ hơn về thay đổi chiều dài tuyến chính của dự án, từ 2.499 km (theo Nghị quyết 66/2012/QH13) lên 2.744 km.
Theo bà Yến, việc chưa bảo đảm phân bổ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2020 như yêu cầu là vấn đề cần được quan tâm, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến cho rằng, tiến độ triển khai một dự án thành phần, công tác phối hợp, bàn giao mặt bằng của một số địa phương còn chậm, công tác quản lý quy hoạch, quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ chưa tốt, có tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi an toàn (xây dựng nhà ở, lều quán, công trình… trên đất vườn thuộc hành lang an toàn đường bộ), gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cần báo cáo thêm về công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa khi nhiều đoạn tuyến theo phản ánh chưa được sửa chữa đúng thời hạn quy định, rạn nứt, ổ gà, lún võng, nguy cơ mất an toàn giao thông; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và hướng xử lý với một số đoạn tuyến sau khi hoàn thành thi công vẫn gắn biển đoạn đường chờ lún.
Đặc biệt, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến cũng đề nghị bổ sung báo cáo, làm rõ lý do dự án thành phần đoạn Đoan Hùng – Chợ Bến - kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT không thể triển khai được. Hay một số dự án mở rộng qua Tây Nguyên, quốc lộ 14 cũ, đầu tư theo hình thức BOT trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo cũng hạn chế sự lựa chọn của người dân, báo cáo bổ sung phương án, giải pháp xử lý đối với các đoạn tuyến đi trùng của đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với đường Hồ Chí Minh.
"Theo khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 66/2013/QH13, dự án đường Hồ Chí Minh được chuyển tiếp triển khai đầu tư sau năm 2020, tuy nhiên, hiện nay chưa được bố trí đầy đủ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, trong khi đó nhiều dự án mới lại được đưa vào danh mục và bố trí vốn thực hiện, dẫn tới tình trạng kéo dài, dở dang và lãng phí.
Do đó, đề nghị Chính phủ giải trình rõ lý do, đồng thời kiến nghị tiếp tục rà soát, cân đối, sắp xếp đủ nguồn lực, quyết tâm hoàn thành thông toàn tuyến trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trong trường hợp nguồn vốn không đáp ứng được, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để bảo đảm đủ vốn cho việc triển khai các đoạn tuyến. Đối với những dự án Chính phủ đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công, đề nghị cần làm rõ lý do chuyển đổi, dự kiến nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trong bối cảnh nhu cầu vốn là rất lớn, nguồn lực có hạn", đại biểu Phạm Thị Hồng Yến kiến nghị./.