Cần tăng năng suất của từng khu vực trong nền kinh tế
VOV.VN - Theo ILO năm 2013, năng suất lao động của người Việt Nam kém người Singapore 15 lần, kém người Malaysia 5 lần…
“Làm thế nào để nâng cao năng suất lao động” luôn là bài toán khó cho các nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Mặc dù, các lao động Việt Nam luôn đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi tay nghề nhưng năng suất lao động của Việt Nam lại thấp nhất khu vực. Nguồn nhân công giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh gia nhập thị trường chung ASEAN vào năm tới, lao động Việt Nam sẽ tự đào thải mình ngay trên sân nhà.
Theo các số liệu trong một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2013, năng suất lao động của người Việt Nam kém người Singapore 15 lần, kém người Malaysia 5 lần và chỉ bằng 1/5 năng suất lao động khi so sánh với người Thái Lan.
Nghề Rô-bốt di động rất cần kỹ năng làm việc nhóm.
Ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng: chất lượng nguồn nhân lực thấp là do tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ có gần 20% công nghệ lạc hậu. Ông Lân nói: “Năng suất lao động do 2 yếu tố tạo thành, đó là công nghệ và lao động có kỹ năng. Chúng ta cần cả 2 yếu tố đó, công nghệ tiên tiến và kỹ năng nghề cao. Hai yếu tố này kết hợp lại sẽ tạo ra năng suất lao động. Hiện nay, tiền quyết định mọi việc, có tiền là có công nghệ. Còn người có kỹ năng nghề không phải ngày một, ngày hai là có được mà chúng ta phải đào tạo lâu dài”.
Hiện, công tác đào tạo nguồn nhân lực tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều doanh nghiệp, chưa có sự phối hợp giữa các trường nghề và các doanh nghiệp dẫn đến việc đào tạo lao động cung ứng cho thị trường lao động thường bị “lệch pha”. Để phát triển mạnh và toàn diện nguồn nhân lực, các chuyên gia đề nghị cần đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề theo cơ chế thị trường, gắn với nhu cầu xã hội.
Theo đó, có chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động và hợp tác đào tạo với cơ sở đào tạo nghề. Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội nêu ý kiến: “Các doanh nghiệp chưa thực sự vào cuộc cùng các trường đào tạo. Nói cách khác, họ có chiến lược sử dụng con người trong năm nay hay năm sau hoặc lâu dài. Họ chưa đưa nội dung hoặc nhu cầu để họ chọn một trường nào đó đủ năng lực để đào tạo. Vì vậy, chương trình đào tạo của các trường, kể cả trường tôi thường cố gắng làm thế nào để đưa ra chương trình có thể áp dụng cho nhiều doanh nghiệp sử dụng để cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên nhiều hơn. Chúng tôi thường phải chủ động tìm đến doanh nghiệp. Nếu hỏi doanh nghiệp chủ động tìm đến trường chưa? Câu trả lời là có nhưng rất ít”.
Từ năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai chương trình quốc gia nâng cao năng suất hàng hóa và sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, trong đó tập trung thúc đẩy các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng tại doanh nghiệp; Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ cao và nghiên cứu phát triển; Thu hút mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho biết: Đối với các Dự án của Bộ Khoa học-Công nghệ, trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã xây dựng được khoảng 200 mô hình điểm về việc doanh nghiệp áp dụng các giải pháp quản lý tiên tiến để giúp nâng cao năng suất, giảm thời gian thực hiện một công đoạn, giảm chi phí và đặc biệt là giảm lãng phí. Thông qua các giải pháp này, những dự án cải tiến tại các doanh nghiệp đều có thể đạt tăng năng suất khoảng 15 đến 20% hoặc là hơn. Ngoài ra chúng tôi cũng hỗ trợ để nhân rộng kết quả này cho khoảng 500 doanh nghiệp khác.
Năng suất lao động của một quốc gia là tổng hợp năng suất lao động của tất cả các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, muốn tăng năng suất lao động của cả nền kinh tế, trước hết phải tăng năng suất của từng khu vực trong nền kinh tế: Nông nghiệp; Công nghiệp - xây dựng và Dịch vụ. Do đó, cần tập trung tháo gỡ các nút thắt đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, tăng thu nhập và năng suất lao động của người nông dân.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi cho biết: năng suất lao động phụ thuộc vào chiến lược phát triển quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định quy hoạch phát triển 45 trường chất lượng cao và có nhiều chính sách đầu tư ngành trọng điểm, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ.
Ông Nguyễn Ngọc Phi nhấn mạnh: Chính sách phát triển các ngành kinh tế trọng điểm như: công nghiệp ô tô, điện tử, phần mềm, công nghiệp cơ khí, khai khoáng, đặc biệt là không nghiệp hóa dầu, điện hạt nhân. Để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp đòi hỏi đào tạo nguồn nhân lực để 1 người lao động làm ra sản phẩm năng suất lao động cao. Một người làm bằng chục người. Tự động hóa là công nghệ cao. Cho nên việc xây dựng các trường chất lượng cao phải tập trung vào các nghề trọng điểm như: 26 nghề trọng điểm quốc tế, 49 nghề khu vực và 120 nghề trọng điểm quốc gia trong nền kinh tế đang làm tất cả những điều đấy để chúng ta hướng tới.
Rõ ràng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cần song hành với việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đổi mới khoa học công nghệ. Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn để chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động nông nghiệp. Đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển mạnh kinh tế tư nhân, coi đây là động lực để khẩn trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực. Đây là những việc cần làm ngay để lao động Việt Nam hướng tới hội nhập thị trường chung ASEAN./.