Năng suất lao động thấp, lãnh đạo ngành Lao động nói gì?
VOV.VN -Với trình độ công nghệ, với vốn đầu tư theo chiều rộng như hiện nay thì năng suất lao động tất nhiên không cao
Theo công bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương; thấp hơn Singapore 15 lần; thấp hơn Nhật Bản 11 lần; thấp hơn Hàn Quốc 10 lần; chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.
Xung quanh việc Việt Nam thuộc nhóm nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực ASEAN, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nói: “4 nước là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar kém phát triển hơn so với các nước kia nên năng suất lao động có thấp hơn cũng đúng thôi”.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, con số về năng suất lao động của Việt Nam thấp không phải do bất kỳ cơ quan nào ở Việt Nam đưa ra mà theo báo cáo kỹ thuật tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp APEC đưa ra. Năng suất lao động ở đây tính một cách rất đơn giản là lấy GDP/số người đang làm việc. Thực ra con số này không phản ánh chính xác năng suất lao động của người trong độ tuổi lao động. Lí do chính là GDP ít nhất phải có 3 thành tố: Chỉ số lao động, vốn đầu tư và trình độ công nghệ. Cho nên có cách tính thứ hai là xem đóng góp của người lao động trong việc tạo ra GDP. Nếu tính được cái đó thì năng suất lao động sẽ chính xác hơn.
“Tôi cũng phải nói rằng người Việt Nam lao động trong các doanh nghiệp Hàn Quốc thì năng suất lao động không thua gì năng suất lao động Hàn Quốc cả” – Thứ trưởng nói.
Cũng theo vị lãnh đạo ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ LĐTB&XH phối hợp với các bộ, ngành theo dõi chính xác xem năng suất lao động của lao động Việt Nam như thế nào. Nhưng muốn hay không, chúng ta phải thừa nhận là với trình độ công nghệ, với vốn đầu tư theo chiều rộng như hiện nay thì năng suất lao động đúng là thấp. Chính vì thế, chúng ta mới đang tái cơ cấu nền kinh tế từ chiều rộng theo chiều sâu, đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ người lao động. “Hy vọng chỉ số này sẽ được cải thiện” – ông Doãn Mậu Diệp nói.
Nói về con số 1,84% người lao động thất nghiệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp giải thích rõ hơn: Trong Bộ luật Lao động có quy định là bất kỳ công việc nào không bị pháp luật ngăn cấm và được trả công và tạo ra thu nhập thì được coi là công việc làm.
Trở lại với kết quả điều tra của ILO, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Cuộc điều tra do Tổng cục Thống kê tiến hành. Tất cả các định nghĩa về việc làm hay thất nghiệp đều tuân thủ theo định nghĩa quốc tế và của cơ quan chức năng. Ngoài ra, khuyến cáo của quốc tế có nói: Trong tuần trước khi làm việc hợp pháp nếu có làm một số công việc nào đó thì được xem như thời gian làm việc. Chính vì khái niệm đó mà tỷ lệ thất nghiệp khác nhau. Có nước thì quy định là 1 giờ theo đúng khuyến cáo quốc tế, có nước nói là 2 giờ, 3 giờ, 8 giờ và có thể khác nhau.
Ngoài ra, để đo "sức khỏe" của thị trường lao động thì không chỉ dựa vào tỷ lệ thất nghiệp. Tổ chức Lao động Quốc tế có kiến nghị 18 chỉ tiêu chính để đo thị trường lao động, tức là ngoài tỷ lệ thất nghiệp còn có thời gian làm việc, khu vực làm việc, việc làm dễ bị tổn thương hay không, đóng bảo hiểm xã hội hay không…
“Chúng ta rất vui với chỉ số 1,84% tỷ lệ thất nghiệp nhưng chúng ta cũng nhớ rằng là 2/3 lao động Việt Nam đang làm việc ở khu vực dễ tổn thương, làm việc gia đình, không được đóng bảo hiểm” – Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh – Xã hội nói.
Trong những chỉ tiêu của thị trường lao động còn có vấn đề làm việc không đúng ngành nghề đào tạo. Trong báo cáo thị trường lao động Việt Nam có công bố một loạt chỉ tiêu, không riêng chỉ tiêu thất nghiệp. Vì thế, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng: “Chúng ta đừng lạc quan hóa câu chuyện 1,84%. Nó cũng giống như khi khám sức khỏe, chúng ta không chỉ đo chiều cao, cân nặng, huyết áp rồi nhịp đập, vòng ngực mà còn có các chỉ số khác nữa. Nếu mà chỉ nhìn vào mỗi chỉ tiêu 1,84% thì nhiều khi lại lạc quan thái quá”.
Cũng liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chúng ta không tô hồng bất cứ một số liệu nào, làm được tới đâu nói tới đó. Nhưng chúng ta cũng phải có báo cáo xác đáng bởi vì nó là công lao của sự lãnh đạo, của người dân, của doanh nghiệp. Tránh tình trạng vì lý do này, lý do khác chúng ta làm được mà nói không đúng. Hoặc chúng ta nói quá đi, làm ít mà nói nhiều cũng không được./.
Theo ILO, 80% nhân viên văn phòng ở Việt Nam thiếu kỹ năng; tỷ lệ này ở lao động kỹ thuật, lao động phổ thông là 83% và 40%. |