Cần thể chế, chính sách đột phá cho đặc khu
VOV.VN - Dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt là dự án luật lớn, phức tạp, chưa có tiền lệ nên khối lượng công việc để hoàn thiện còn rất lớn.
Trong 2 ngày 27 và 28/9, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban Pháp luật Quốc hội tiến hành họp phiên toàn thể lần thứ 8 để tiếp tục góp ý, chỉnh lý, làm cơ sở xây dựng báo cáo thẩm tra chính thức về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Tại phiên họp, nhiều vấn đề đặt ra từ cơ sở khi đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đã có chủ trương hình thành.
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt gồm 6 chương với 92 điều và 4 phụ lục kèm theo, đây là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gồm: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Qua đó, hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới, có môi trường sống hiện đại; tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển các ngành nghề du lịch, dịch vụ, thương mại, tài chính…
Tỉnh Khánh Hòa đang nghiên cứu xây dựng phương án thành lập đặc khu Bắc Vân Phong. (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Nguyễn Tấn Thoại, Chủ tịch HĐND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi có thông tin chuẩn bị thành lập đặc khu, nhiều người dân rất băn khoăn. Việc thành lập đặc khu sẽ tác động đến đời sống cả trăm ngàn người dân địa phương, vì vậy đề nghị cần đánh giá tác động toàn diện của mô hình cũng như Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
“Nhiều người chưa biết trong đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì cán bộ, Đảng viên làm ở đâu? Chỗ ở, sản xuất, kinh doanh, đời sống, các lĩnh vực dân sinh sẽ như thế nào… Đây là tâm tư, nguyện vọng rất chính đáng của nhân dân nên cần có nghiên cứu, khảo sát kỹ hơn đến văn hóa đặc thù Bắc Vân Phong”, ông Thoại cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Vân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết, việc thành lập đặc khu cũng sẽ tạo động lực cho khu vực phía Nam, tỉnh Phú Yên giáp ranh đặc khu Bắc Vân Phong.
Tuy nhiên, theo dự thảo Luật, mọi người khi ra vào đặc khu đều phải có thị thực, vì vậy sẽ gặp vướng mắc đến việc đi lại hằng ngày của người dân khi qua vùng đặc khu, người dân muốn vào đặc khu thăm người thân, muốn về quê tảo mộ, nhất là khu vực Bắc Vân Phong. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến mối quan hệ, phong tục, tập quán, văn hóa của người dân địa phương cũng như vùng phụ cận cũng cần phải được tính đến.
“Ở nước ta có những khu vực cho nước ngoài thuê đến 99 năm nên việc đi lại qua khu vực này có nhiều trở ngại. Do vậy, cần phải suy nghĩ thêm những tác động của khu kinh tế - hành chính đặc biệt đối với người dân”, ông Vân cho biết.
Cũng có rất nhiều ý kiến băn khoăn trong việc giải quyết đối với dân cư đang sinh sống tại huyện Vạn Ninh, khi thành lập đặc khu thì sẽ giữ lại người dân đang sinh sống hay giải tỏa, đội ngũ cán bộ, công chức hệ thống chính trị từ huyện đến xã sẽ ra sao…
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, với những chính sách đặc thù, vượt trội, việc hình thành đặc khu sẽ giúp nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Tỉnh Khánh Hòa đề nghị phải có cư dân tại chỗ của đặc khu, đồng thời tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách trình Trung ương để giải quyết các vấn đề về cư dân, cán bộ hiện tại khi thành lập, hoạt động theo mô hình đặc khu.
Đối với cán bộ hiện tại, đòi hỏi phải có trình độ tốt hơn để làm việc trong đặc khu. Tỉnh Khánh Hòa sẽ vận động, làm công tác tư tưởng để giải quyết chế độ chính sách số còn lại, đảm bảo ổn định.
“Với những chính sách ưu đãi chắc chắn đời sống cư dân trong đặc khu sẽ tốt hơn. Khi hình thành đặc khu chắc chắn bộ máy của đặc khu sẽ yêu cầu chuyên môn cao hơn, trình độ cao hơn nên phải chọn lựa một mức độ nhất định cho phù hợp. Số cán bộ còn lại thì sẽ phải giải quyết các chế độ, chính sách cho phù hợp”, ông Vinh cho biết.
Được biết, đến năm 2016 trên thế giới có khoảng 4.500 đặc khu thuộc 140 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại châu Á, nhiều đặc khu đã có những thành công vượt trội như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE...
Phó Chủ tich Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt là dự án luật lớn, phức tạp, chưa có tiền lệ lập pháp ở Việt Nam nên khối lượng công việc để hoàn thiện còn rất lớn. Vì vậy, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, cơ quan soạn thảo, cùng các cơ quan khác sớm hoàn thành để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Quan điểm dự án luật này cần xây dựng thể chế, chính sách đột phá, đặc biệt và vượt trội trên các mặt kinh tế - xã hội, hành chính và tư pháp, phù hợp với Hiến pháp, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Mục tiêu là để đặc khu có sức cạnh tranh quốc tế, có sức lan tỏa, trở thành cực tăng trưởng của cả nước.
Muốn vậy, phải tạo ra thể chế vượt trội với các chính sách đặc thù, trong đó có chính sách bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh bình đẳng, mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
“Đây là 1 luật để tạo ra một khuôn khổ pháp lý, tạo ra động lực thu hút các nhà đầu tư vào một nơi, tạo ra sự bứt phá phát triển kinh tế xã hội. Cần phải có cơ chế, tổ chức, chính sách, chế độ đặc thù, đặc biệt mới khác các đơn vị hành chính bình thường, bảo đảm không trái và phù hợp với Hiến pháp Việt Nam nhưng được phép vượt trội lên tất cả những quy định của pháp luật hiện hành”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh./.
Đặc khu kinh tế sẽ có ưu đãi vượt trội