Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang thi công cầm chừng vì mặt bằng "xôi đỗ"
VOV.VN - Nhiều đoạn trên tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (đoạn qua tỉnh Tuyên Quang) đang vướng mắc do mặt bằng bàn giao dạng “xôi đỗ” khiến nhà thầu chỉ thi công cầm chừng, gây ảnh hưởng tiến độ dự án.
Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 77km, được chia thành 6 gói thầu xây lắp (từ gói XL19-XL24). Đây là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng nâng cao kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung. Trong đó, gói thầu XL24 bao gồm 22 công trình cầu trên toàn tuyến.
Tại gói thầu XL24 thuộc dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đang gặp trở ngại tiến độ thi công khi nhiều hạng mục cầu vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Dù đã huy động tối đa nhân lực, thiết bị, nhưng việc bàn giao mặt bằng chưa đồng bộ, đặc biệt tại cầu vượt Quốc lộ 2, đang ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai. Ban Điều hành và các bên liên quan đang tích cực phối hợp để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Theo báo cáo từ Ban Điều hành gói thầu XL24, ngay từ khi khởi công, Liên danh nhà thầu đã huy động nguồn lực con người, máy móc thiết bị, tập trung triển khai theo tiến độ chủ đầu tư đề ra. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn còn nhiều vướng mắc cản trở tiến độ thi công.
Hiện tại, công tác bàn giao mặt bằng vẫn chưa hoàn tất. 19/20 điểm cầu được bàn giao GPMB một phần hoặc toàn bộ, vị trí cầu vượt Km54+175.83 chưa được bàn giao, ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai các hạng mục quan trọng.
Bên cạnh đó, công tác GPMB tại các mỏ vật liệu và bãi thải cũng gặp nhiều trở ngại khi một số hộ dân yêu cầu mức bồi thường cao hơn khung giá địa phương, dẫn đến việc chậm trễ trong khai thác vật liệu phục vụ thi công.
Ban Điều hành gói thầu đã huy động 152 máy móc thiết bị, 230 cán bộ, kỹ sư và công nhân để tổ chức thi công tại 19/19 điểm cầu được bàn giao. Tổng sản lượng thực hiện đến nay đạt khoảng 174,5/626 tỷ đồng, tương đương 30,66% kế hoạch. Liên danh nhà thầu cũng đang triển khai các hạng mục như cọc khoan nhồi tại các cầu lớn, phát quang dọn dẹp mặt bằng, đào bỏ vật liệu không thích hợp, đào và đắp đất nền đường, thi công đường công vụ…
Ông Lê Đức Tranh – Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL24 cho biết, trong những tháng cuối năm, Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang cùng với chính quyền các huyện cũng đã rất quyết tâm để hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho dự án. Thực tế đến thời điểm này là tháng 2/2025, vẫn còn một số vị trí đường găng chưa bàn giao mặt bằng.
Theo kế hoạch, đến 31/12/2025 toàn bộ tuyến Hà Giang – Tuyên Quang sẽ hoàn thành, nghĩa là chỉ còn 10 tháng nữa là phải hoàn thành các công trình trên tuyến. Mặc dù vậy, đến nay còn các đường găng như vị trí cầu vượt quốc lộ 2, vẫn đang vướng mắc vị trí của cả 4 mấu trụ dẫn đến chưa triển khai thi công được. Nhà thầu thi công đã triển khai các công tác đúc dầm, tuy nhiên để triển khai được mấu trụ và các dầm thì cần sự vào cuộc của địa phương để tháo gỡ về mặt bằng phần còn lại.
“Cầu km54 là vị trí có nút giao lớn nhưng đến nay cũng chưa được bàn giao mặt bằng cho nhà thầu dẫn tới việc huy động máy móc và con người để thi công đang bị chậm lại. Chúng tôi kiến nghị tỉnh Tuyên Quang cùng với chính quyền các huyện, Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang sớm bang giao mặt bằng để dự án về đích vào cuối năm nay”, ông Thanh kiến nghị.
Trước thực trạng này, Ban Điều hành gói thầu đã trực tiếp làm việc với các nhà thầu phụ xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết và đôn đốc thực hiện,tổ chức kiểm đếm tiến độ hàng tuần và đưa ra các giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo kế hoạch đề ra.
“Ban Điều hành cũng đang phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và các cơ quan chức năng để đẩy nhanh bàn giao mặt bằng, đặc biệt tại các hạng mục trọng điểm như cầu vượt Quốc lộ 2. Các đơn vị thi công cũng điều chỉnh kế hoạch triển khai, huy động thêm nhân lực và thiết bị ngay khi mặt bằng sạch được bàn giao, nỗ lực bù tiến độ”, ông Tranh nói.
Đại diện Ban Điều hành gói thầu nhấn mạnh, việc đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp chính quyền và cơ quan chức năng để giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn còn tồn tại.
Mục tiêu đặt ra trong năm 2025 là hoàn thành đúng tiến độ gói thầu, đảm bảo chất lượng thi công, an toàn lao động và tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật của dự án, góp phần đưa toàn dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang về đích đúng hẹn, đáp ứng mục tiêu của Chính phủ thông tuyến 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025.
Tại kết luận trong buổi kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu, các sở, ban ngành, lãnh đạo địa phương cần giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các khu tái định cư, tổ chức giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ tái định cư đã nhận tiền bồi thường.
Không chỉ gặp vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, các nhà thầu thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hiện còn đang gặp khó khăn trong vấn đề đổ thải. Hiện các nhà thầu đang phải tạm thời tập kết đất, đá thải ra khu vực mặt bằng của dự án (giai đoạn 2).
Đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang đã vượt tiến độ đã đề ra, giá trị xây lắp đạt trên 1 nghìn tỷ đồng, đạt 46% giá trị hợp đồng.
Còn tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công gần 64km, đạt trên 92% (trong đó huyện Yên Sơn còn 0,6km, Hàm Yên còn hơn 5,4km); tổng sản lượng giải ngân đạt 1.234,6/4.789,7 tỷ đồng, đạt gần 26%.