Chăn nuôi an toàn để đảm bảo xuất khẩu
VOV.VN - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chăn nuôi trên thế giới đang có nhiều biến động và được dự báo tiếp tục phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Điều này mang lại nhiều cơ hội cho ngành chăn nuôi lợn trong nước nếu tiếp cận được với những xu thế mới của ngành chăn nuôi thế giới.
Đến nay, tổng đàn lợn của cả nước khoảng 25,5 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chăn nuôi lợn phát triển trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang chăn nuôi bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp, chăn nuôi trang trại theo chuỗi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chính những kết quả này đã giúp đưa ngành chăn nuôi của Việt Nam trở thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 trên thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng đến xuất khẩu việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là yêu cầu hết sức cấp thiết cho chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Bên cạnh việc áp dụng an toàn sinh học ở các khâu của chuỗi như: vật tư đầu vào, thức ăn, giống, giết mổ, chế biến, bảo quản và phân phối cần tăng cường nghiên cứu mở rộng thêm các thị trường ngách để gia tăng cơ hội xuất khẩu.
"Việt Nam có lợi thế về chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn cũng như sản xuất thức ăn chăn nuôi không chỉ cho gia súc mà còn cho ngành thủy sản. Nếu tận dụng tốt các được nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi sẽ đem lại hiệu quả lớn, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới. Bên cạnh đó cũng phải nghiên cứu thêm thị trường ngách để gia tăng xuất khẩu, điều này có nghĩa phải đầu tư sâu hơn vào các khâu chế biến đối với các sản phẩm động vật như: xúc xích, thịt hun khói, các sản phẩm thịt lợn xử lý qua nhiệt"-ông Lê Thanh Hòa cho biết.