Việc cắt giảm chi tiêu công hiện nay là đề tài được cả Chính phủ và Quốc hội quan tâm, đặc biệt là siết chặt chi tiêu thường xuyên liên quan đến mua sắm xe công cho cán bộ. Bộ Tài chính năm 2005 đã có chủ trương khoán chi phí đi lại, nhưng cho đến nay chưa thực hiện được.
“Sắp tới, Chính phủ có chủ trương thực hiện việc khoán phí đi lại này không? Chi phí chiếm bao nhiêu phần trăm ngân sách?” – phóng viên đặt câu hỏi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam tại họp báo thường kỳ chiều 26/10.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói rằng: Chúng ta là một nước vẫn còn nghèo, sắp tới đây sẽ đón công dân thứ 90 triệu. Đứng về dân số, chúng ta đứng hàng thứ 14 thế giới, nhưng quy mô kinh tế vẫn còn rất nhỏ, vẫn còn nghèo. Đương nhiên chúng ta phải tiết kiệm.
Bộ trưởng chia sẻ: Như tuổi chúng tôi ở nông thôn ngày xưa, được dạy 1 hạt cơm rơi xuống đất cũng phải nhặt lên và bố mẹ hay nói “nếu không thì quỷ thần hai vai mà biết sau này sẽ phạt”. Lớn một chút thì được dạy: “Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện”.
Tinh thần chung của Chính phủ là triệt để tiết kiệm, đặc biệt trong tình hình thu ngân sách khó khăn và xin Quốc hội nâng trần bội chi từ 4,8-5,3%, đầu tiên phải tiết kiệm. Đầu tư công trình vẫn cần đầu tư, nhưng vốn đó phải sử dụng sao cho tiết kiệm nhất. Lãng phí không phải chỉ do thất thoát trực tiếp mà còn ở chủ trương đầu tư. Đầu tư đúng là tiết kiệm; đầu tư không đúng, để dàn trải, kéo dài, là lãng phí. Trong chi tiêu thường xuyên đương nhiên càng cần tiết kiệm, vì đầu tư có những thứ không thể đừng.
Bộ trưởng ước tính: Chi tiêu, lấy số tròn là trên 60% tổng chi ngân sách dành cho chi sự nghiệp. Trong chi sự nghiệp, hơn 1/2 cho lương. Ở đây chúng ta vừa nói tới y tế, trong đội ngũ y tế có 400.000 cán bộ, công nhân viên chức, nhân viên. Giáo dục thì mấy năm vừa rồi, riêng số tăng thêm là 500.000 giáo viên, nói số tròn là gấp khoảng 2 số lượng công chức của cả hệ thống chính trị từ huyện lên Trung ương.
"Chúng ta phải cắt giảm chi tiêu, nhưng lương thì ai cũng đều muốn tăng, nhưng Nhà nước sau khi xem xét, có lộ trình tăng lương ở mức hợp lý trong khả năng. Còn lại chi dành cho hệ thống hành chính thì chiếm một tỷ trọng trong chi thường xuyên, so với lương là rất thấp. Trong đó mua xe công từ nhiều năm đã được thắt chặt rất nghiêm ngặt. Sau nhiều năm hạn chế mua xe công, năm ngoái Bộ Tài chính có mở ra cho mua, nhưng tinh thần chung là hết sức tiết kiệm”.
Còn chủ trương khoán xe công, trước đây đã làm, cũng có những đồng chí lãnh đạo nhận tiền khoán để đi taxi, thậm chí xe ôm.
Tinh thần của Chính phủ là bất kỳ giải pháp nào dù tiết kiệm nhỏ tới mấy cũng rất hoan nghênh khuyến khích. Bộ Tài chính đang nghiên cứu phân tích câu chuyện khoán. Một giải pháp đề ra và tồn tại nhiều năm, bao giờ cũng có mặt được và không, nó có lý của sự tồn tại. Giải pháp khoán cũng có mặt lợi, nhưng không phải không có hạn chế.
Bộ Tài chính cùng các bộ đang phân tích đánh giá kỹ để trình Chính phủ. Còn Chính phủ, tinh thần thì bất cứ việc gì tiết kiệm dù nhỏ nhất cũng đều khuyến khích.
Trong phiên họp hôm nay, Chính phủ ra quyết nghị, trước đây nói nhiều tới tiết kiệm, giảm đi nước ngoài, giảm hội họp. Bây giờ, Chính phủ yêu cầu từng bộ lên rõ kế hoạch cắt những khoản nào, cụ thể bao nhiêu.
”Nhưng tôi cũng xin nhắc lại, vấn đề lớn nhất của tiết kiệm là phải làm sao có đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách xứng tầm, để chủ trương chính sách, không chỉ là việc chi tiêu bình thường, mà kể cả đầu tư sao cho sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực, kể cả nguồn tài nguyên hay nguồn nhân lực hay những nguồn lực mang tính vô hình như thương quyền của hàng không hay tần số của bưu điện. Làm sao cho chính sách đưa ra chúng ta sử dụng hiệu quả nhất thì đấy chính là tiết kiệm nhất” – Bộ trưởng chia sẻ./.