Chống độc quyền thời 4.0: Loay hoay tìm cách quản lý
VOV.VN - Dữ liệu thông tin - nguồn "dầu mỏ" mới hiện do một vài "gã khổng lồ" nắm giữ trong khi chính phủ các nước vẫn hoang mang tìm cách quản lý.
Năm công ty có giá trị lớn nhất toàn cầu hiện nay đều là các "đại gia" trong lĩnh vực công nghệ hoặc sử dụng công nghệ làm trụ cột phát triển hoạt động kinh doanh của mình, gồm Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple, Facebook và Microsoft.
Các nguyên liệu hóa thạch như vàng, dầu mỏ dường như đã không còn là tâm điểm của dư luận và mất dần tính chất quyết định ngôi vị trên thương trường. Dữ liệu thông tin mới là "nguồn dầu mỏ" của con người và yếu tố quyết định giá trị thương hiệu trên thị trường.
Dữ liệu thông tin là "nguồn dầu mỏ" và yếu tố quyết định giá trị thương hiệu trên thị trường. (Ảnh minh họa: KT). |
Theo giới chuyên gia, trong thời đại "nền kinh tế dữ liệu" hay kinh tế số, cần có một cách tiếp cận mới vể chống độc quyền.
"Điện thoại thông minh và internet đã làm cho dữ liệu phong phú, phổ biến và có giá trị hơn rất nhiều. Cho dù đang xem truyền hình, ngồi trên xe hơi, hoặc thậm chí đang chạy bộ, bạn cũng góp phần vào việc tạo ra thông tin - nguyên liệu thô cho các "nhà máy chưng cất" dữ liệu", ông Mikko Hypponen Giám đốc Nghiên cứu của Tập đoàn bảo mật F-Secure cho biết.
Thực tế, dòng chảy thông tin đã biến các tập đoàn công nghiệp truyền thống như GE và Siemens trở thành bên bán dữ liệu khổng lồ. Sự phong phú của dữ liệu làm thay đổi bản chất của cạnh tranh.
Ông Thomas Dougherty, luật sư - cố vấn pháp luật về các vấn đề tội phạm mạng tại Mỹ đánh giá, các công ty công nghệ được hưởng lợi lớn từ hiệu ứng mạng.
Càng nhiều người sử dụng Facebook, thì việc đăng ký trở thành Facebooker càng hấp dẫn hơn đối với những người còn đang ngập ngừng trước ngưỡng cửa "đế chế" này. Ông Thomas Dougherty nhận định, "nhờ kho dữ liệu lớn của người dùng và phương tiện kết nối mạng, Facebook đã tạo ra nhiều sản phẩm, thu hút thêm người dùng. Từ đó lại tạo ra nhiều dữ liệu hơn".
Ông Thomas Dougherty, luật sư - cố vấn pháp luật về các vấn đề tội phạm mạng tại Mỹ. |
Thu thập, phân tích dữ liệu từ những chiếc xe tự lái do chính mình sản xuất, Tesla có cơ sở để hoàn thiện sản phẩm của mình tốt nhất. Nhờ đó, dù chỉ bán được 25.000 xe trong một quý, Tesla có giá trị vốn hóa cao hơn cả GM - bán được tới 2,3 triệu chiếc xe trong cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, sở hữu kho dữ liệu lớn, các công ty dễ dàng chiếm thế thượng phong trong các cuộc cạnh tranh.
"Doanh nghiệp Việt Nam cần có khả năng phân tích được dữ liệu lớn. Dữ liệu đó tuy không có danh tính, nhưng nó quyết định lớn đến sự thành bại của mỗi doanh nghiệp trong nền kinh tế số", ông Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng nêu ví dụ, để biết mỗi năm người Việt mua bao nhiêu túi xách Hemes là dữ liệu rất quan trọng nếu muốn mở cửa hàng kinh doanh tại Việt Nam. Nếu khả năng chỉ mua được 5.000 túi mà lại nhập về 100.000 chiếc thì thua là chắc.
Trước tốc độ phát triển kinh tế số hiện nay, các biện pháp chống độc quyền trong quá khứ không còn hữu hiệu. Với hiệu ứng mạng, các công ty công nghệ như Google, Facebook dù không có văn phòng đại diện tại Việt Nam vẫn tạo thành một đế chế hùng mạnh. Vì lẽ đó, các cơ quan chống độc quyền cần phải tự đổi mới nhận thức và cách thức hoạt động cho phù hợp với kỷ nguyên số.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo cơ chế cởi mở rõ ràng để hỗ trợ cho các công ty công nghệ Việt vươn lên tạo ra những phần mềm, ứng dụng có thể thay thế hay giãn bớt sự phụ thuộc của người dùng vào những ứng dụng ngoại như Google, Facebook...
Việc chống độc quyền trong thời đại công nghệ thông tin không dễ dàng, tuy nhiên nếu các quốc gia không muốn nền kinh tế bị một vài "gã khổng lồ" thống trị, cần phải nghĩ cách và hành động sớm./. Dữ liệu lớn - nguồn “dầu mỏ” mới của loài người