Chống hàng giả, hàng nhái - mặt trận vô cùng gian nan
VOV.VN - Do vậy, nhiều năm nay, Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo công tác này.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến tháng 10/2014, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã thực hiện gần 120.000 lượt kiểm tra (tăng khoảng 10.000 lượt so với cùng kỳ năm 2013), trong đó đã xử lý gần 64.000 vi phạm, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2013; xử phạt vi phạm hành chính hơn 187 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ; trị giá hàng tịch thu chưa bán khoảng 140 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy khoảng 40 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2013.
Kết quả này thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389, nỗ lực của Bộ Công Thương và các lực lượng QLTT cũng như của các tổ chức xã hội và cộng đồng.
Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, mẫu mã phong phú
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết, những năm qua việc sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi trình độ phát triển của công nghệ cao, hiện đại với tốc độ nhanh đã gây thiệt hại lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển doanh nghiệp nói riêng cũng như của nền kinh tế đất nước nói chung.
Tình hình hàng giả, hàng nhái hiện nay hết sức nghiêm trọng, rộng khắp từ vùng sâu, vùng xa, nông thôn đến các khu đô thị, các khu chợ, siêu thị sầm uất cũng như trên các vỉa hè, lòng đường ở thành phố đều xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Các mặt hàng làm giả cũng đa dạng từ các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đến các hàng điện tử, điện lạnh, hàng may mặc, vật liệu xây dựng, mũ bảo hiểm...
Sản phẩm nào nếu làm giả có lợi nhuận cao lập tức sẽ có hàng giả ngay trên thị trường, tốc độ làm giả ngày càng nhanh và rẻ, thủ đoạn tinh vi hơn nhiều so với trước đây. Một số doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đặt hàng rồi gắn nhãn mác Việt Nam và nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của các nước đem về Việt Nam tiêu thụ, nguyên vật liệu làm ra sản phẩm này đều do nước ngoài cung cấp, nhưng lại ghi nhãn hiệu "Made in Việt Nam" hoặc không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định. Công tác chống hàng giả, hàng nhái là một mặt trận thực sự gian nan. Do vậy, nhiều năm nay, Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo công tác này.
Toàn xã hội đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái
Tại lễ kỷ niệm "Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11)" diễn ra ngày 28/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nêu rõ: “Thủ đoạn sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là nhãn mác bao bì càng ngày càng tinh vi. Trong bối cảnh đó, nếu chỉ dựa vào bốn lực lượng chức năng là Hải quan, Quản lý thị trường, Công an và Thanh tra Khoa học và Công nghệ không đủ. Cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái cần phải là công việc của toàn xã hội, không chỉ của riêng một lực lượng hay doanh nghiệp nào”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong mọi công tác, phải đổi mới, cải tiến cách làm mới có thể thành công. Ở Việt Nam, hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn ra ở khắp mọi nơi, mọi lúc, với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Những loại hàng hóa này có tính nguy hại cao (như mỹ phẩm, quần áo, giày dép, phân bón, dược phẩm, thức ăn gia súc…), không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sản xuất, kinh doanh, đến toàn xã hội mà còn ảnh hướng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái còn đi liền với vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín của các lực lượng quản lý.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái gia tăng, chưa thể kiểm soát là do các quy định pháp luật chưa chặt chẽ, chưa nghiêm; đa số người dân chưa có ý thức bảo vệ chính mình, chưa nhận thức rõ tác hại của hàng giả, hàng nhái đối với sức khỏe cũng như đối với toàn cộng đồng; các lực lượng quản lý chưa nghiêm, một bộ phận cán bộ còn làm ngơ, tiếp tay cho kẻ xấu… Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái chưa tạo thành làn sóng mạnh mẽ trong toàn xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Chúng ta phải dựa vào dân, vào pháp luật và hệ thống chính trị để phát huy tổng lực các lực lượng “Không bao che, không tiếp tay, không mua bán, không sử dụng” hàng giả, hàng nhái. Các lực lượng công an, quản lý thị trường, biên phòng, thuế, cảnh sát biển, hải quan cần phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, có sự trang bị tốt các công cụ để kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái. Chúng ta cần đánh mạnh, đánh trúng, đánh liên tục vào các “ổ” hàng giả, hàng nhái; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước, nâng cao chất lượng, mẫu mã, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của hàng nội. Bên cạnh đó, chúng ta phối hợp rà soát các văn bản pháp luật, tạo nên hành lang pháp lý hiệu quả hơn; sáu là, các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền tốt hơn, bảo vệ tối đa cho người tiêu dùng, lên án mạnh mẽ các tổ chức, cá nhân vi phạm…
Phó Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến Tết Nguyên đán, các lực lượng cần mở đợt tổng lực truy quét hàng giả, hàng nhái; toàn dân chung tay với các lực lượng để xây dựng môi trường sống, môi trường kinh doanh Việt Nam lành mạnh, văn minh hơn.
Đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái là một nhiệm vụ quan trọng
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) và các lực lượng thực thi đã tổ chức thực hiện rất kiên quyết. VATAP và các hội viên đã tích cực đóng góp công sức vào cuộc đấu tranh này. Tuy nhiên, vai trò của doanh nghiệp, vai trò của người mua hàng chưa phát huy hết tác dụng của mình, nhận thức về cuộc đấu tranh này của cộng đồng còn nhiều hạn chế.
Xác định đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái là một nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31 và năm 2008 ban hành Chỉ thị số 28 về một số biện pháp cấp bách nhằm chống hàng giả, hàng nhái. Trong đó, các văn bản đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn còn xuất hiện nhiều trong xã hội và yêu cầu cần có các giải pháp đồng bộ để xử lý và ngăn chặn một cách có hiệu quả tình trạng này.
Thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đồng thời có nhiều biện pháp quản lý, ngăn chặn, hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng lậu cũng như hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Triệt tiêu vấn nạn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đưa ra giải pháp, cần đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm hoàn thiện hơn nữa khung khổ pháp luật, nâng cao năng lực thực thi và nhất là tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật với các hiệp hội, các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, góp phần đẩy lùi, tiến tới triệt tiêu vấn nạn hàng giả, hàng nhái, qua đó bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng cũng như giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới.
Còn ông Lê Vũ Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa sen nhấn mạnh: nếu chiến dịch phòng chống hàng giả, hàng nhái không được cải thiện, những doanh nghiệp chân chính sẽ phải thu hẹp quy mô, không thể phát triển được. Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa sen đề xuất ý kiến, hàng hóa khi được bán ra bắt buộc phải xuất hóa đơn chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đây là cách tốt nhất để người tiêu dùng được bảo vệ và chống thất thu ngân sách nhà nước./.