Chủ tịch WEF Philipp Rösler: Lớp trẻ là tài sản lớn nhất của Việt Nam
VOV.VN - Hợp tác công-tư cần tập trung vào việc nâng cao tay nghề của lớp trẻ- “khối tài sản lớn nhất” của Việt Nam.
Đây là khuyến nghị của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Philipp Rösler trong bài phát biểu của ông tại phiên Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, ngày 7/11.
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Philipp Rösler.
Mở đầu, ông Philipp Rösler bày tỏ tin tưởng rằng, Việt Nam chắc chắn sẽ cải thiện được năng lực cạnh tranh tạo ra một môi trường kinh doanh và đầu tư tuyệt vời hướng tới một tương lai tươi sáng.
Theo ông Philipp Rösler, đây không chỉ là đánh giá của cá nhân ông mà còn là đánh giá chung từ rất nhiều nghiên cứu của các tổ chức quốc tế uy tín như Ngân hàng Thế giới (WB) hay OECD.
Chủ tịch WEF dẫn Báo cáo về Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới 2017, trong đó nêu rõ Việt Nam đã tăng 5 bậc so với năm 2016 và trong vòng 5 năm qua, Việt Nam cũng đã tăng được 20 bậc.
Ông Philipp Rösler nhấn mạnh sự tăng trưởng ấn tượng này có sự đóng góp rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực tuân thủ pháp luật, chống tham nhũng và tạo ra những khuôn khổ pháp lý đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và đầy tính cạnh tranh.
Chủ tịch WEF khuyến nghị, sau khi Chính phủ đã tạo dựng được môi trường kinh doanh lành mạnh, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy việc đưa những khuôn khổ pháp lý này vào đời sống thông qua việc khuyến khích người dân làm ăn kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng lãi suất và giảm thua lỗ.
Ông Philipp Rösler đánh giá, trong 5 năm qua, hợp tác công-tư tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Điều này cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng để phát triển kinh doanh trong tương lai.
“Tài sản nào được coi là lớn nhất của Việt Nam. Đó chắc chắn không phải là dầu khí, không phải là công nghệ và thậm chí không phải là cơ sở hạ tầng. Đó phải là chính con người Việt Nam mà cụ thể là lớp trẻ”, ông Philipp Rösler nhấn mạnh.
Ông Philipp Rösler chia sẻ: “Trước khi trở thành Giám đốc WEF, tôi từng là Bộ trưởng Kinh tế Đức đảm trách việc đào tạo nghề trong nước. Tại Đức, công tác đào tạo nghề diễn ra rất thành công. Đây cũng là một trong những ví dụ tiêu biểu về hợp tác công tư tại Đức”.
Theo ông Philipp Rösler, Đức là quốc gia rất đề cao việc tuân thủ pháp luật. Tất cả các quy định về nghề nghiệp, tiêu chí tuyển dụng đều được mô tả kỹ lưỡng trong luật Liên bang. Trong khi đó, doanh nghiệp được tự do thực hiện việc mô tả về nghề nghiệp và thậm chí là đặt tên cho các ngành nghề khác nhau.
Các doanh nghiệp luôn trao đổi thẳng thắn với các cơ quan chức năng về nhu cầu tuyển dụng cũng như các vấn đề khác liên quan đến lao động. Sự hợp tác chặt chẽ của cả hai bên giúp định hình rõ ràng những công việc cụ thể, tiêu chí nghề nghiệp và nhu cầu tuyển dụng để các cơ quan chức năng có thể thiết lập một khuôn khổ pháp lý cụ thể.
Sự hợp tác này được thể hiện rõ thông qua việc, những người tham gia vào đào tạo nghề được trả tiền cho 5 ngày làm việc trong tuần nhưng họ sẽ chỉ phải làm việc trong 3 ngày, 2 ngày còn lại họ sẽ ngồi bàn thảo với các cơ quan chức năng về những điều chỉnh cần thiết trong quá trình đào tạo nghề. Quá trình này diễn ra trong vòng 3 năm, trong năm cuối cùng, họ sẽ chỉ bàn thảo về những điều chỉnh trong 1 ngày.
Ý tưởng của việc này không phải là nhằm tạo ra tới 350 hồ sơ mô tả chi tiết công việc khác nhau mà nhằm thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa khối tư nhân và nhà nước nhằm đạt được những thành công chung.
Việc cải thiện kỹ năng làm việc cho các lao động trẻ chính là cách tốt nhất để Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động. Chính vì vậy, khối tư nhân tại Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Đúng là Việt Nam có nguồn tài nguyên đa dạng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, về lâu dài, hợp tác công-tư cần được đẩy mạnh hướng tới giới trẻ- “khối tài sản lớn nhất” của đất nước các bạn”, ông Philipp Rösler khuyến nghị./.
Toàn văn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị VBS