Chú trọng liên kết vùng kinh tế từ thế mạnh của mỗi địa phương
VOV.VN - Cần xem lại lợi thế của từng địa phương trong mạng lưới khu công nghiệp để hiệu chỉnh quy hoạch cũng như tăng cường tính liên kết vùng kinh tế.
Theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ: Khu vực ĐBSCL sẽ “ưu tiên đầu tư phát triển và khai thác tối đa các khu công nghiệp đã được thành lập đến năm 2030, trong đó tăng cường các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ nông nghiệp”.
Thực tế thời gian qua, để các doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) ở ĐBSCL không dễ vì nhiều nguyên nhân. Theo ông Nguyễn Văn Ngại, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế An Giang, cần có hai điều kiện rất quan trọng. Thứ nhất là chính sách thu hút đầu tư, và thứ hai là yêu cầu về hạ tầng.
Dẫn chứng tại An Giang, ông Ngại cho biết, cũng như các tỉnh trong vùng, An Giang đã và đang nỗ lực cải cách hành chính, nhất là giải quyết tốt hơn nữa các thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường theo cơ chế “mở”. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông thì nhiều địa phương không thể đáp ứng nhu cầu phát triển chung và yêu cầu của nhà đầu tư.
Trong phát triển KCN tại ĐBSCL cần ưu tiên công nghệ chế biến các mặt hành nông nghiệp, thủy sản. |
“Ban Quản lý Khu kinh tế cũng đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương cần quan tâm tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng như cầu, đường, bến cảng,... tạo điều kiện thuận lợi đi lại, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời kết nối từ các Trung tâm thành phố lớn dẫn đến các KCN, KKTCK của tỉnh, đặc biệt là cần sớm đầu tư hoàn thành cầu Vàm Cống, đường tránh Long Xuyên”, ông Ngại nêu rõ.
Thời gian qua, các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi tốt nhất có thể để cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa phương mình. Tuy nhiên, ông Lê Văn Trấn, Giám đốc Trung tâm Xây dựng Hạ tầng KCN Thốt Nốt (TP Cần Thơ) lại cho biết, đối với doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN thì khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ chế, chính sách còn nhiều chỗ chưa hợp lý.
Ông Trấn nêu ví dụ, để đạt tiêu chuẩn về môi trường, nhà đầu tư hạ tầng trong KCN phải đầu tư nhà máy xử lý nước thải rất tốn kém. Trong KCN Thốt Nốt, giai đoạn 1 của nhà máy xử lý nước thải tốn 50 tỷ đồng, với giá xử lý nước hiện nay thì mỗi năm đơn vị ông thu được 1,8 tỷ đồng.
Trong khi, theo quy định, phải khấu hao trong vòng 10 năm, mỗi năm 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, để vận hành nhà máy xử lý nước thải còn nhiều chi phí khác, nhà đầu tư hạ tầng không đáp ứng được. Rõ ràng, vấn đề tính chi phí xử lý nước thải chưa phù hợp.
Đặc biệt, chi phí giải phóng mặt bằng trong các KCN tại Cần Thơ rất cao so với các địa phương khác, cộng các chi phí khác dẫn đến giá cho thuê đất cao. Đây chính là “rào cản” để mời gọi các doanh nghiệp.
Trước đây, chính sách hỗ trợ tài chính của nhà nước trong thực hiện KCN Trà Nóc 1 và 2 giúp giá đất cho thuê thấp, thu hút được nhiều doanh nghiệp và 2 KCN này được lấp đầy. Còn hiện nay, nhà đầu tư không mời gọi được doanh nghiệp vào KCN thì rõ ràng lợi nhuận không khả thi. Từ những khó khăn này, ông Trấn cho rằng, cần có cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế hơn.
Với những những tồn tại trong phát triển KCN tại vùng ĐBSCL thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL phân tích, KCN có vai trò rất quan trọng, giúp thay đổi cấu trúc kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp. Đặc biệt, nhiều năm qua các tỉnh trong vùng vẫn đang phải đau đầu với việc di dân, giải quyết lao động vùng nông thôn. Từ đó, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL tập trung phát triển các KCN hướng tới giải những bài toán này.
Tuy nhiên, khi phát triển nóng, “mạnh ai nấy làm” và làm thiếu một số nguyên tắc như: chính sách thu hút; điều kiện cơ sở hạ tầng; điều kiện cung ứng sản phẩm đầu vào. Hệ quả là, nhiều KCN tại ĐBSCL không lấp đầy được, nhà đầu tư không vào, trở thành KCN “treo”, gây lãng phí lớn về tài nguyên đất.
Để giải bài toán này, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh, trước tiên cần có chính sách đền bù, giải tỏa và tái định cư thỏa đáng cho người dân trong quy hoạch KCN. Ngoài ra, ĐBSCL là vùng đất nông nghiệp không có thế mạnh về công nghiệp nên khi phát triển công nghiệp cần phải ưu tiên công nghiệp chế biến, nhất là các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, trái cây, lúa gạo và sản phẩm bản địa khác.
Đồng thời, cần phát huy tối đa lợi thế so sánh của từng địa phương trong phát triển công nghiệp, phải nằm trong bối cảnh liên kết vùng để giải quyêt các nguyên tắc và bất cập về phát triển KCN. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh, để từng bước khắc phục những bất cập hiện nay của các khu công nghiệp ở ĐBSCL, thì chính quyền từng tỉnh không thể nào giải quyết được mà cần các Bộ, ngành liên quan và tầm nhìn liên kết vùng để giải quyết.
“Việc đầu tiên phải làm là liên kết vùng công nghiệp ĐBSCL trong đó xác định trọng tâm là cần phát triển công nghiệp như làm gia tăng giá trị của nông sản hay thủy sản. Cần xem lại lợi thế của từng địa phương trong mạng lưới KCN trong vùng, xem có đáp ứng được các nguyên tắc để kêu gọi đầu tư hay không từ đó mới bắt đầu hiệu chỉnh lại”, PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh chỉ rõ.
Phân tích từ góc độ thế mạnh và sự lựa chọn vùng quy hoạch, Chuyên gia Kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng, các nước phát triển hàng đầu châu Á hiện nay như Nhật Bản, Hàn Quốc,... trước khi được biết đến là cường quốc công nghiệp đều xuất phát từ nông nghiệp. Việt Nam đang là đất nước nông nghiệp trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc hình thành các KCN rất cần thiết. Tuy nhiên, thực tế tại vùng ĐBSCL, quá trình làm, cách thức làm phải rút kinh nghiệm.
PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh cho rằng phải bỏ tư duy "mạnh ai nấy làm" thì mới tháo được những tồn tại trong KCN đang vướng. |
Một điểm đáng lưu ý nữa Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng, thị trường có sự dịch chuyển chứ không đứng yên, nên vấn đề đặt ra là chọn lựa thu hút đầu tư như thế nào phù hợp với xu hướng.
“Đầu tiên cần phải rà soát, đánh giá lại quy hoạch trong đó có xác định lại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế theo cách tiếp cận theo vùng, không chỉ của từng địa phương. Thứ hai là phải xác định cho được chức năng và mối liên hệ của các khu, cụm công nghiệp trong vùng, không có chuyện mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm. Quy hoạch rồi không phải để đó, phải có lộ trình bố trí nguồn lực thu hút đầu tư… Khi không giải quyết được những vấn đề đó thì những bất cập từ thực trạng, cũng như những bài học đặt ra từ bao nhiêu năm hình thành khu công nghiệp vẫn chưa có câu trả lời”, ông Hiệp phân tích.
Từ thực trạng quy hoạch xây dựng các KCN toàn vùng ĐBSCL hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: “Hạn chế mở rộng phát triển thêm các KCN khi chưa đạt tỷ lệ lấp đầy cao tại các KCN hiện hữu. Rà soát, đánh giá lại các KCN đã thành lập nhưng chưa được đầu tư xây dựng để có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đảm bảo sử dụng đất hiệu quả”.
Rõ ràng, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề quy hoạch và phát triển các KCN là cần thiết. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, do phát triển nóng, “mạnh ai nấy làm” và thiếu những nguyên tắc cơ bản để kêu gọi đầu tư,... mà công tác quy hoạch, phát triển KCN tại ĐBSCL đã để lại những hệ lụy về kinh tế - xã hội và gây lãng phí lớn về đất đai.
Trong rất nhiều giải pháp, không chỉ rất cần sự vào cuộc quyết liệt của mỗi địa phương mà còn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương mới có thể giải “bài toán” tại các KCN hiện nay./.
Cùng loạt bài: