Cơ hội lớn cho ĐBSCL tăng tốc phát triển
VOV.VN - Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ĐBSCL.
Ngày 15/9, tại Cần Thơ, Viện Kinh tế, xã hội TP. Cần Thơ tổ chức diễn đàn kinh tế thường niên thành phố Cần Thơ năm 2023 với chủ đề “Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL”. Diễn đàn thu hút 150 đại biểu đến từ Bộ NN&PTNT; Bộ Công Thương; các chuyên gia, nhà khoa học, các viện, trường, DN, nhà đầu tư tham dự.
Tại diễn đàn, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, vùng ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và trong giao thương với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiểu vùng sông Me Kong. Năm 2020 quy mô kinh tế của vùng đạt 970.000 tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng sản phẩm (GDP) cả nước. Khu vực này cũng là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước và đóng góp lớn vào xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn về quy mô nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp; nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước. Ngoài ra, hạ tầng giao thông nội và liên vùng vẫn thiếu và yếu, giao thông kết nối yếu kém dẫn đến tăng chi phí vận chuyển trong các chuỗi giá trị sản xuất, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng hóa; biến đổi khí hậu vẫn đang tác động lớn đến vùng.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, Nghị quyết số 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ được thông qua vào đầu năm 2022. Trong đó quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ. Trung tâm được xây dựng với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ĐBSCL. Việc hình thành Trung tâm với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”, có vai trò gắn kết 3 nhà: Nhà nông - Nhà sản xuất - Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
“Việc hình thành Trung tâm sẽ tập hợp các nguồn lực có khả năng tham gia giải quyết những bài toán lớn của vùng, như chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vấn đề logistics hậu cần, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trung tâm đóng góp quan trọng vào việc tạo ra thế và lực để TP Cần Thơ thực hiện vai trò là cực kết nối giữa các tỉnh vùng ĐBSCL với TP. HCM, kết nối với các nước tiểu vùng sông Mekong, đây là một hướng đi mới cho thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL”, ông Trường nêu đột phá.
Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế, xã hội TP Cần Thơ, vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm về nông nghiệp của cả nước khi đóng góp khoảng 95% lượng gạo, gần 65% lượng thuỷ sản nuôi trồng và gần 70% các loại trái cây xuất khẩu. Tuy nhiên, chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản chủ lực của vùng. Một vấn đề đáng quan tâm là liên kết chuỗi ngành hàng vẫn chưa được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, rào cản lớn nhất mà ĐBSCL gặp phải chính là giao thông kết nối nội vùng, với vùng TP.HCM và quốc tế là một trong những điểm yếu của vùng hiện nay.
Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, hiện tại vùng ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để tăng tốc phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc hình thành trung tâm liên kết vùng ĐBSCL sẽ gắn kết các nhà lại với nhau, khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm:
“Dự án Trung tâm liên kết này có 10 chức năng chính, đó là đầu tư vào phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, cung cấp các dịch vụ công về hải quan, chiếu container, cung cấp, hỗ trợ văn phòng cho thuê, kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu, tổ chức hội chợ triển lãm; các dịch về logistics, khu phi thuế quan, sản xuất chế biến nông sản và dịch vụ tư vấn, cuối cùng là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đây là 10 chức năng chính”, ôn Tùng cho biết.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, trong bối cảnh khó khăn nông nghiệp luôn có sự phát triển. Thời gian dịch bệnh vừa qua đã chứng minh nông nghiệp giúp cho kinh tế của ĐBSCL ổn định. Trong 3 ngành chính ở vùng ĐBSCL là lúa gạo, trái cây, thủy sản đang có những lợi thế và bất lợi, có ngành hàng lợi thế về đất đai, giống nuôi, xuất khẩu nhưng yếu về hạ tầng, khoa học công nghệ và lao động trong khâu chế biến, logistics, thương hiệu.
Giám đốc VCCI Cần Thơ đã nhận diện 4 vấn đề chính mà ĐBSCL đang gặp phải, gồm điểm yếu về hạ tầng giao thông và logistics; lực lượng lao động có tay nghề; công nghệ chế biến ở ĐBSCL đang thiếu những DN có quy mô, đầu tư lớn để tạo ra sản phẩm gia tăng để tiêu thụ, xuất khẩu và vùng ĐBSCL đang thiếu cơ chế để thúc đẩy ưu đãi, ưu tiên cho lĩnh vực cho công nghiệp chế biến. Để giải quyết những điểm nghẽn cần phải triển khai nhanh các Nghị quyết, Đề án để thu hút các nhà đầu tư.
“Điểm cốt lõi lớn nhất hiện nay tại Cần Thơ là chưa thu hút được các DN chế biến. Trong quy hoạch ĐBSCL đã hoạch định những khu vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản nên bước tiếp theo cần phải xây dựng lộ trình sản phẩm nào là chủ lực và xây dựng trong một chiến lược dài hạn. Cùng với đó, Cần Thơ cần quy tụ các DN chế biến thành trung tâm chế biến, sản xuất nông sản”, ông Lam nêu giải pháp.
Diễn đàn với 2 phiên đối thoại: Thực trạng và vai trò liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL; Giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, phát huy vai trò của Trung tâm liên kết khi đi vào thực tiễn tại TP Cần Thơ. Các đại biểu tham dự diễn đàn đã nêu xu thế và tầm quan trọng của Trung tâm trong đóng góp phát triển kinh tế, xã hội của toàn vùng ĐBSCL. Đồng thời, đề xuất cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư lĩnh vực nông nghiệp; kết nối hạ tầng giao thông, logistics; các bước triển khai Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.