Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online?
VOV.VN - Trong khi game online tại Việt Nam đang là thị trường màu mỡ trong mắt các DN nước ngoài, nếu để ngành công nghiệp game ở Việt Nam suy yếu thậm chí sụp đổ bởi các chính sách thuế sẽ là một điều rất đáng tiếc.
Dự thảo Tờ trình báo cáo Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB - sửa đổi) của Bộ Tài chính mở rộng cơ sở tính thuế nhằm hạn chế việc tiêu dùng một số sản phẩm có hại cho sức khỏe của cộng đồng, trẻ em. Cụ thể như kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vì có tác động tiêu cực đến người chơi (sức khỏe thể chất, tâm thần), đặc biệt là thanh thiếu niên. Việc áp thuế TTĐB đối với lĩnh vực này theo cơ quan soạn thảo sẽ định hướng kinh doanh, tiêu dùng nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ thế hệ trẻ…
Cho ý kiến về nội dung dự thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng Việt Nam khẳng định, ngành game luôn có nhiều tiềm năng, được rất nhiều quốc gia trên thế giới coi là một trong những trụ cột của kinh tế số. Những lợi ích của game online mang lại không chỉ về doanh thu, lợi nhuận mà còn trực tiếp tác động đến doanh thu của các ngành khác như công nghệ thông tin; sáng tạo nội dung, thiết kế, quảng cáo; thiết bị phần cứng cũng như tốc độ phát triển mạng viễn thông.
Thực tế tại Việt Nam, dù có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng ngành game vẫn phải đối mặt với nhiều định kiến, chưa thực sự được khuyến khích phát triển. Vì vậy, khi DN trong nước đang còn gặp nhiều khó khăn và có tốc độ phát triển còn hạn chế, nhưng phát triển game online tại Việt Nam lại là một thị trường rất béo bở trong mắt các DN nước ngoài.
Ông Nghĩa cũng cho biết, theo nghiên cứu của Liên minh, hiện chưa có bất cứ quốc gia/vùng lãnh thổ nào trên thế giới áp dụng thuế TTĐB cho ngành game. Một số nước áp dụng cơ chế kiểm soát về nội dung hoặc cơ chế kiểm soát thời gian chơi game tương tự như Việt Nam (điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc) nhưng công cụ thuế là chưa có tiền lệ.
“Thông điệp của Liên minh là thị trường game ở Việt Nam tuy đang phát triển, nhưng DN trong nước còn gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với DN nước ngoài, đồng thời cạnh tranh với cả chính sách hỗ trợ của các quốc gia trong khu vực. Do đó, Liên minh đề xuất trò chơi trực tuyến sẽ không bị đưa vào danh mục đối tượng chịu thuế TTĐB như trong dự thảo”, ông Nghĩa nói.
Khẳng định trò chơi điện tử trực tuyến là 1 ngành kinh doanh có điều kiện, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNG Games cho biết, thực tế tại Việt Nam tất cả các game muốn kinh doanh đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cụ thể ở đây là Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT).
Bên cạnh việc phải đảm bảo các yêu cầu về yếu tố nội dung, trò chơi trực tuyến khi đưa ra thị trường luôn có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng. Hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. Những game này không bị quản lý bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành, đồng thời cũng không đóng bất cứ khoản thuế nào cho nhà nước Việt Nam.
Cũng theo ông Thắng, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số được Chính phủ phê duyệt năm 2022 với mục tiêu đến năm 2025: 20% GDP đến từ kinh tế số và tăng lên 30% vào năm 2030. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng có chiến lược phát triển trò chơi trên mạng giai đoạn 2022 - 2027. Chính vì vây, để ngành công nghiệp game ở Việt Nam suy yếu thậm chí sụp đổ bởi các chính sách thuế sẽ là một điều rất đáng tiếc.
“VNG đề nghị cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội xem xét cân nhắc kỹ lưỡng và nghiên cứu lại việc đưa trò chơi trực tuyến là đối tượng chịu thuế TTĐB. Trong bối cảnh DN còn nhiều khó khăn khi chưa có môi trường cạnh tranh công bằng giữa DN trong nước và DN nước ngoài; chưa có đánh giá đầy đủ, xác đáng, khách quan, đa chiều tác động lên ngành game, ngân sách nhà nước và người tiêu dùng thì cần có thêm những nghiên cứu sâu sắc hơn về vấn đề này, trước khi đưa ra các quyết định về chính sách thuế TTĐB”, ông Thắng đề xuất.
Nhận thấy việc bổ sung game online vào diện chịu thuế TTĐB, trong bối cảnh chung nhiều DN đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức là chưa phù hợp về mặt thời điểm, ông Đỗ Việt Hùng, Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) nhấn mạnh, chính sách thuế TTĐB nếu đưa vào áp dụng với ngành game online sẽ có tác động đa chiều đến nhiều nhóm đối tượng, trong đó có DN, người tiêu dùng và cả những tác động xã hội đáng kể khác.
Mục tiêu của việc áp thuế TTĐB đối với ngành game online như trong dự thảo nhằm điều chỉnh, định hướng hành vi tiêu dùng sẽ không đạt được vì khi áp thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng đến giá thành dịch vụ, ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người tiêu dùng. Khi đó, người tiêu dùng sẽ có rất nhiều các sự lựa chọn và một trong các lựa chọn sẽ trở thành xu hướng, đó là việc người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm dịch vụ thay thế.
“Những sản phẩm dịch vụ thay thế sẽ hầu hết là các sản phẩm dịch vụ của các nhà cung cấp toàn cầu, các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới sẽ dẫn đến hình thành nguy cơ rất lớn về giảm nguồn thu của các DN trong ngành game online, đồng nghĩa với việc giảm sức cạnh tranh, tạo thêm khó khăn cho DN trong nước đang hoạt động trong lĩnh vực này”, ông Hùng nêu quan điểm.