Công nghiệp chế biến có dấu hiệu khó khăn
VOV.VN - Bộ Công Thương nhận định, một số ngành công nghiệp cơ bản đang có lợi thế tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu khó khăn như công nghiệp chế biến.
Chỉ đạo tại Hội nghị giao ban tháng 1 của Bộ Công Thương diễn ra sáng 1/2, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ: Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của các đơn vị thuộc Bộ là phải tích cực triển khai, điều tiết nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu kinh tế đã đề ra.
Trong đó, các đơn vị phải phối hợp với các địa phương cập nhật kịp thời những nhu cầu thiết yếu của người dân trong dịp tết Nguyên đán; Tổ chức ổn định kinh tế vĩ mô, phối hợp với các Bộ, ngành để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, trong đó có những diễn biến khó lường của giá dầu thô. Hướng tới cắt giảm chi phí đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu xã hội.
Đặc biệt, các đơn vị trực thuộc Bộ cần tập trung giải quyết những khó khăn nhằm thực hiện kiểm soát tốt công tác xuất nhập khẩu. Tập trung các giải pháp nhằm tìm kiếm thị trường mới, thị trường tiềm năng hướng đến xuất khẩu bền vững. Đơn vị quản lý Nhà nước có sự chủ động thực hiện chính sách, khai thác cơ hội đặc biệt từ dầu khí, than khoáng sản,… để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trên nguyên tắc kinh tế thị trường.
Chú thích ảnh |
Đối với ngành điện và các ngành khác căn cứ chỉ đạo Chính phủ, điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp. Lưu tâm những kế hoạch cụ thể phối hợp bộ ngành, có phương án cụ thể, cập nhật kịp thời và báo cáo Bộ Công Thương.
Cũng tại hội nghị, báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của ngành Công nghiệp và Thương mại tháng 1/2016, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm giảm 4,2%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,2%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,7%.
Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tháng 1 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như ngành sản xuất xe có động cơ, sản xuất kim loại, sản xuất đồ uống, dệt may và sản xuất và phân phối điện nước. Các sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành. Sản lượng điện sản xuất tăng, sản xuất thép thanh và ô tô đều tăng…
Đáng chú ý, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2015 tăng 11,9% so với tháng 12/2014. Tính chung 12 tháng đầu năm 2015, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm 1/1/2016, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2015 (thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với cùng thời điểm năm 2015).
Sản xuất công nghiệp duy trì sản xuất ổn định và có tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Hội nghị cũng đã nghe lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý Thị trường,… báo cáo về công tác chuẩn bị cung ứng điện, hàng hóa, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại nhằm đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, đảm bảo nhân dân đón Tết Bính Thân an toàn, tiết kiệm./.