“Cú đấm bồi” mang tên Nhân dân tệ
VOV.VN - Việc Nhân dân tệ bị phá giá đã như một “cú đấm bồi” khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ.
Trong bối cảnh đồng nội tệ của một loạt các quốc gia giảm giá so với đồng USD, tiếp thêm việc đồng Nhân dân tệ (CNY) liên tiếp giảm giá đã như một “cú đấm bồi” đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Méo mặt vì tỷ giá
7 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong số hơn 3,7 triệu tấn gạo đã xuất khẩu, riêng Trung Quốc chiếm hơn 38%. Đối với mặt hàng cao su, Trung Quốc là nước dẫn đầu trong số các nước nhập khẩu sản phẩm này, với khoảng trên 25% sản lượng.
Với hạt điều, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 13%. Với mặt hàng sắn, Trung Quốc nhập khẩu gần 90% trên tổng số 2,89 triệu tấn sắn mà nước ta đã xuất khẩu trong 7 tháng qua.
Việc Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng CNY rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này. Cho dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới biên độ tỷ giá VND/USD tăng từ 1% lên 3% (tăng 2%) nhưng cũng chỉ làm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bởi biên độ tỷ giá này vẫn còn quá cách biệt so với mức điều chỉnh giảm 4,6% đồng CNY/USD. Thực tế này khiến cho hàng hóa xuất khẩu sẽ đắt đỏ hơn, nguy cơ giảm sản lượng xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc có thể xảy ra.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Lào Cai cho biết, giờ đây mỗi tấn gạo xuất khẩu sang Trung Quốc tăng khoảng 150-170 CNY. Vì phải mua gạo Việt Nam với giá cao hơn, doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc cũng gặp khó khi phải cạnh tranh với gạo nhập khẩu từ các quốc gia khác. “Để bảo đảm lợi nhuận, có thể thời gian tới, doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc sẽ ép giá gạo xuất khẩu của Việt Nam…”, vị giám đốc lo lắng.
Đồng Nhân dân tệ bị phá giá đã như một “cú đấm bồi” gây khó khăn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh: Internet) |
Ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, đồng CNY bị phá giá đang tác động mạnh tới các doanh nghiệp trong ngành. Những đơn hàng xuất khẩu thanh toán bằng đồng CNY sẽ giảm thu khi quy đổi ra VND. Còn với đơn hàng thanh toán bằng USD, các đối tác Trung Quốc đang có xu hướng ép giá để bù đắp chênh lệch tỷ giá.
Lo ngại sức cạnh tranh yếu đi
Không phải bây giờ hàng xuất khẩu của Việt Nam mới đối mặt với khó khăn. Bởi trước đó, trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, một loạt các quốc gia đã phá giá đồng nội tệ khiến hàng hóa xuất khẩu của các nước này gây áp lực cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Còn mới đây, trước động thái Trung Quốc phá giá đồng CNY, ngay lập tức một loạt các quốc gia như: Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc… cũng giảm giá đồng nội tệ. Bởi vậy, có thể nhận định việc đồng CNY tiếp tục bị phá giá như một “cú đấm bồi” khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam lại gặp áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn.
Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng ước đạt 16,93 tỉ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do vấn đề tỷ giá, khiến sức cạnh tranh về giá của hàng Việt Nam bị giảm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hơn 90% doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chọn USD là đồng tiền thanh toán cho các đơn hàng xuất khẩu. Việc đồng CNY và nhiều đồng tiền khác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục giảm giá so với USD sẽ làm tình hình xuất khẩu thêm khó khăn.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, Trung Quốc và ASEAN là thị trường chiếm đến 20% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Giá cá tra sẽ chịu áp lực giảm vào các thị trường này trong thời gian tới.
Ngược lại, giá xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh rất lớn khi Thái Lan và rất có thể là Indonesia và Ấn Độ sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền của họ theo CNY. Cùng mặt hàng nhưng tôm Việt Nam sẽ có giá bán cao hơn nên khó cạnh tranh hơn vì khách hàng sẽ chọn nhà cung cấp có giá rẻ.
Ở chiều ngược lại, đồng CNY yếu đi khiến hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc vốn dĩ đã rẻ, nay sẽ càng rẻ hơn, nguy cơ hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường, cạnh tranh với sảnphẩm cùng loại trong nước là khó tránh khỏi./.