Đắk Lắk thực hiện liên kết chuỗi nâng cao giá trị nông sản

VOV.VN - Cùng với đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp ở Đắk Lắk đã và đang thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất. Liên kết giữa sản xuất – chế biến – tiêu thụ đang cho thấy hiệu quả trong nâng cao giá trị nông sản, hướng tới nền nông nghiệp bền vững

Những năm gần đây, sản phẩm “Gạo sạch Thăng Bình HTB” của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thăng Bình, xã Cư Kty, huyện Krông Bông được người tiêu dùng đánh giá cao. Năm 2020, sản phẩm “Gạo sạch Thăng Bình HTB” đạt chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đặc biệt, đầu năm 2022, hợp tác xã đã ký đơn hàng gạo sạch xuất khẩu sang New Zealand, với số lượng bước đầu là 6 tấn. Hiện nay, thương hiệu Gạo sạch Thăng Bình HTB cũng đã xây dựng được 26 đại lý tại 12 tỉnh thành trong cả nước.

Có được kết quả này, ông Võ Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thăng Bình cho biết, tất cả là nhờ thực hiện liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm: “Trước đây, liên kết để tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, nhưng sau khi tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất người nông dân lại muốn tháo gỡ tiếp những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm thì đó là maketing sản phẩm. Nông dân trước đây chỉ biết sản xuất nhưng giờ muốn đưa sản phẩm ra thị trường thì phải làm maketing, làm tiếp thị thì đó là những bước mà hợp tác xã hỗ trợ người nông dân để từng bước đưa sản phẩm ra thị trường lớn”.

Với những doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện cung ứng sản phẩm nông nghiệp ra thị trường, việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị tăng cao. Điển hình như tại Công ty cổ phần Damaca Nguyên Phương, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, khi tham gia vào chuỗi liên kết, công ty cam kết: người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý.

“Hiện tại, bà con nông dân chỉ canh tác theo khả năng họ làm được. Tự bà con nông dân làm không thể đồng bộ cho ra sản phẩm có chất lượng đồng đều được. Do đó, các doanh nghiệp cần phải vào cùng làm với họ để tạo ra sản phẩm tốt nhất như: thu hoạch đúng thời vụ, đúng thời điểm cho kết quả tốt nhất. Cũng như chăm sóc cây làm sao cho tốt thì không chỉ có nông dân họ làm điều này mà bản thân các doanh nghiệp, cũng như cơ quan chức năng chính quyền cần hỗ trợ nông dân điều đó mới đem lại được hiệu quả”,bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Damaca Nguyên Phương cho biết.

Tuy nhiên thực tế, tại Đắk Lăk các chuỗi liên kết trong chế biến nông sản còn ít, quy mô chưa lớn; đầu tư cho công nghiệp chế biến vẫn thấp nên chưa nâng cao được giá trị nông sản thông qua chuỗi. Mặt khác, một số doanh nghiệp, hợp tác xã chưa tìm được “đầu ra” ổn định nên khó mở rộng chuỗi liên kết... Cụ thể như: mặt hàng ca cao, Đắk Lăk có vùng nguyên liệu tới 1.200 hecta nhưng năng lực liên kết hiện nay chỉ mới dừng ở con số khiêm tốn khoảng 200 hộ tham gia liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác nhỏ lẻ. Điều này đã phần nào hạn chế nguồn hàng đạt chất lượng khi đưa ra thị trường.

“Phát triển vùng nguyên liệu hiện nay Đắk Lắk tầm 1.200 hecta cần có chính sách tập trung hơn để phát triển đa dạng hơn. Từ đó, hỗ trợ cho bà con nông dân hoặc các hợp tác xã một cách mạnh mẽ hơn để họ hiểu được rằng việc liên kết là một trong những nhu cầu cấp thiết và cân thiết trong xây dựng chuỗi giá trị để tiến tới sản xuất một cách bền vững”, ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Ca Cao Nam Trường Sơn nói.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, trong bối cảnh hiện nay, hình thành các chuỗi liên kết là giải pháp quan trọng để bảo đảm “đầu ra” thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp. Để hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết, Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai các Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tập trung thúc đẩy các chính sách hỗ trợ sau đầu tư như: Sơ chế, chế biến, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc nông sản.

“Chúng tôi tuyên truyền hỗ trợ tạo điều kiện tối đa cho các địa phương, các vùng trong tỉnh, đặc biệt là những vùng có nhiều tiềm năng về các đặc sản thì các khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm là khâu hết sức quan trọng trong xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Xác định việc này sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt đề án hỗ trợ sản phẩm, qua đó, kết nối với các địa phương các vùng miền trong cả nước để tiêu thụ sản phẩm trong thời gian đến”, ông Nguyễn Hoài Dương thông tin.

Đắk Lắk hiện có hơn 380 hợp tác xã nông nghiệp và hơn 90 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hàng hóa nông sản của tỉnh đã sang tới 68 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt đã thâm nhập được vào các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp….Đây là những tiền đề quan trọng trong thực hiện liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Nếu Đắk Lắk phát huy tốt lợi thế thực hiện liên kết chuỗi sẽ góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Diễn đàn kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên
Diễn đàn kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên

VOV.VN - Sáng nay 21/5, tại khách sạn Pleiku Palace, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Diễn đàn kết nối Tây Nguyên với chủ đề  “Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai”.

Diễn đàn kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên

Diễn đàn kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên

VOV.VN - Sáng nay 21/5, tại khách sạn Pleiku Palace, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Diễn đàn kết nối Tây Nguyên với chủ đề  “Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai”.

Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp phù hợp với thời tiết bất thường ở miền Trung
Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp phù hợp với thời tiết bất thường ở miền Trung

VOV.VN - Các địa phương ở miền Trung cần thay đổi cơ cấu giống, sử dụng giống lúa ngắn ngày có khả năng chống chịu với thiên tai và rút ngắn thời vụ tránh lũ tiểu mãn.

Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp phù hợp với thời tiết bất thường ở miền Trung

Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp phù hợp với thời tiết bất thường ở miền Trung

VOV.VN - Các địa phương ở miền Trung cần thay đổi cơ cấu giống, sử dụng giống lúa ngắn ngày có khả năng chống chịu với thiên tai và rút ngắn thời vụ tránh lũ tiểu mãn.

Dịch bệnh hoành hành, xuất khẩu nông sản của Đắk Lắk vẫn tăng vọt
Dịch bệnh hoành hành, xuất khẩu nông sản của Đắk Lắk vẫn tăng vọt

VOV.VN - Mặc dù dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, nhưng từ đầu năm đến nay xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Đắk Lắk vẫn đạt 385 triệu USD, tương đương gần 9.000 tỷ đồng.

Dịch bệnh hoành hành, xuất khẩu nông sản của Đắk Lắk vẫn tăng vọt

Dịch bệnh hoành hành, xuất khẩu nông sản của Đắk Lắk vẫn tăng vọt

VOV.VN - Mặc dù dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, nhưng từ đầu năm đến nay xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Đắk Lắk vẫn đạt 385 triệu USD, tương đương gần 9.000 tỷ đồng.