ĐBSCL đang dư thừa kho tạm trữ gạo
(VOV) - Kho chứa gạo đang nhiều gấp 4 lần kho chứa lúa. Để đạt hiệu quả cao trong dự trữ lúa gạo, tỷ lệ hai loại kho phải cân bằng.
Kế hoạch nâng cấp, xây dựng hệ thống kho chứa gần 4 triệu tấn lúa gạo tại các tỉnh vùng ĐBSCL khởi động từ 2010 đến nay đã qua 3 năm thực hiện. Kết quả cho thấy diện tích kho chứa lúa gạo của cả nước hiện tăng lên khá nhiều. Tuy nhiên, điều đáng báo động là kho chứa gạo lại quá áp đảo so với kho chứa lúa, không phù hợp với chủ trương xây kho tạm trữ lúa gạo mà Chính phủ chỉ đạo thực hiện.
Hệ thống kho chứa xây dựng tại 52 địa điểm thuộc 13 tỉnh, thành phố, trong đó hệ thống kho tại các tỉnh: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang chiếm 70% sức chứa; 30% còn lại là hệ thống kho thuộc các tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP HCM.
Tích lượng kho chứa gạo chiếm phần áp đảo với 4,36 triệu tấn so với kho chứa lúa. (Ảnh: Báo Công Thương) |
Kho chứa lúa có 2 loại là silô và kho khung thép tiền chế với hệ thống nhà kho và các thiết bị vận chuyển, sấy, xay xát lúa, đánh bóng gạo, bảo đảm thực hiện cả hai chức năng dự trữ lúa và gạo.
Đến thời điểm này cho thấy, hiện tổng tích lượng kho chứa lúa gạo cả nước đã đạt 5,38 triệu tấn. Trong đó, tích lượng kho chứa gạo chiếm phần áp đảo với 4,36 triệu tấn, tích lượng kho chứa lúa chỉ ở mức khiêm tốn là 1,02 triệu tấn. Hiện tại, việc xây kho chứa lúa gạo vẫn đang tiếp tục được tiến hành ở nhiều địa phương.
Theo Cục chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, kho chứa lúa gạo tăng thêm một phần là do sau khi có Nghị định 109 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, quy định doanh nghiệp phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa mới đủ điều kiện xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, trên thực tế có những kho chứa có công nghệ lạc lậu, doanh nghiệp xây kho chứa để đối phó với quy định nên đã ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu sau này.
Một câu hỏi đặt ra là, vì sao kho chứa gạo lại áp đảo so với kho chứa lúa? Vấn đề có ngay lời giải là xây kho chứa gạo sẽ ít tốn kém hơn và doanh nghiệp mua gạo thường dễ hơn so với mua lúa. Bởi nếu xây kho chứa lúa, doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải tổ chức thu mua lúa. Đây là điều mà các doanh nghiệp “rất ngại” làm vì khó thực hiện, rất tốn kém, khó kiểm soát được chất lượng.
Bên cạnh đó, xây kho lúa và tổ chức thu mua lúa, doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư khá nhiều tiền để xây dựng hệ thống sấy lúa, hệ thống xay xát… Còn nếu xây kho gạo và chỉ thu mua gạo, doanh nghiệp không phải đầu tư những hệ thống ấy.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BVTV An Giang cho rằng: “Tự nhiên đem cái khó vào mình, trữ lúa gạo như vậy quyền thương lượng kèo trên là của nông dân, kèo dưới là doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không giải quyết được cái khó này là chẳng qua chuyển khó từ nơi này sang nơi khác. Vì vậy cái khó nhất của chúng tôi là chính ở khâu sấy lúa”.
Dự kiến trong năm nay, tổng tích lượng kho chứa lúa gạo của cả nước sẽ tăng thêm 980.000 tấn để đạt mức 6,36 triệu tấn. Trong đó, phần áp đảo vẫn tiếp tục thuộc về kho chứa gạo khi sẽ đạt mức 4,77 triệu tấn.
Kho chứa lúa tuy chiếm tỷ lệ cao trong tổng tích lượng kho xây dựng trong năm nay, nhưng trong tổng tích lượng chung, vẫn tiếp tục ở mức khiêm tốn là 1,59 triệu tấn. Như vậy, so với yêu cầu tạm trữ lúa gạo hàng năm, thì tổng tích lượng kho chứa gạo hiện đã khá dư thừa.
Ngược lại, tổng tích lượng kho chứa lúa lại còn thiếu khá nhiều. Do vậy, hiệu quả tạm trữ lúa chưa cao, nhất là trong vụ hè thu này, làm giảm phẩm cấp sản phẩm trong quá trình bảo quản dài ngày.
Thực tế thực hiện tại một số doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở An Giang cho thấy, để xây kho lúa 5.000 m2 theo quy định trong Nghị định 109 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, kinh phí thực hiện khoảng 12,5 tỷ đồng. Riêng hệ thống sấy vỉ ngang 300 tấn lúa/ngày, vốn đầu tư đã là 2 tỷ đồng.
Như vậy, đầu tư kho lúa ở mức tối thiểu như trong Nghị định 109 và các thiết bị đồng bộ phải mất tới vài chục tỷ đồng. Vì thế mà nhiều doanh nghiệp vẫn thích xây kho gạo hơn kho lúa.
Lý giải việc chọn xây kho chứa gạo chiếm đa số còn cho thấy tập quán xuất khẩu gạo hiện nay là các công ty xuất khẩu gạo chờ chỉ khi nào có hợp đồng xuất khẩu mới thu gom gạo từ các nhà cung cấp tư nhân hoặc họ tự chế biến, xay xát, đánh bóng nhưng với một lượng nhỏ.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang nêu rõ: Làm kho phải đồng bộ từ sấy đến chế biến, cho ra sản phẩm. Hiện nay phần lớn là kho chứa gạo, chỉ có hơn 1 triệu tấn kho chứa lúa chưa đúng với quy định, tiêu chuẩn sẽ không có lợi chút nào. Câu chuyện thực tế này đã đi lệch chủ trương của Chính phủ một cách quá đáng.
Việt Nam ở top đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng hệ thống chứa lúa gạo lại chỉ mang tính tạm thời, không thể tồn trữ, bảo quản theo đúng nghĩa của nó. Nông dân lâu nay chỉ đủ khả năng bảo quản lúa giống với sản lượng nhỏ và họ thường bán ngay lúa thu hoạch cho thương lái.
Trong khi đó, sự mất cân đối quá lớn giữa kho chứa gạo với kho chứa lúa như hiện nay theo các địa phương khu vực ĐBSCL là không thể chấp nhận được, bởi để đạt hiệu quả cao trong dự trữ lúa gạo, tỷ lệ kho gạo và kho lúa phải ở mức cân bằng nhau.
Chính vì kho chứa gạo đang chiếm tỷ lệ quá lớn trong tổng tích lượng kho chứa lúa gạo, nên mới đây, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, đề nghị cân đối tỷ lệ giữa kho chứa lúa và kho chứa gạo; đồng thời cũng đề nghị Chính phủ không giải quyết cấp bổ sung quy hoạch kho chứa lúa gạo cho các tỉnh ĐBSCL, mà yêu cầu các địa phương chỉ thực hiện đầu tư xây dựng mới hệ thống kho chứa theo chỉ tiêu đã phân bổ và hướng dẫn.
Về vấn đề này, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam có đồng quan điểm: “Chúng tôi cho rằng không nên làm kho nữa. Kho bây giờ thừa quá. Cuối năm nay ra 6,3 triệu tấn kho mà phần lớn là chứa gạo. Nếu quay 2 vòng sẽ có sức chứa mười mấy triệu tấn. Vì vậy đề nghị không làm nữa sẽ lãng phí”.
Nhìn từ vựa lúa ĐBSCL - nơi sản xuất lượng lúa gạo hàng hóa chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước, có thể khẳng định, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn còn điểm yếu trong khâu tồn trữ và bảo quản sau thu hoạch nên khó chủ động trong chiến lược kinh doanh xuất khẩu. Còn nông dân là những người trực tiếp làm ra hạt lúa thì lợi nhuận có được cũng rất “khiêm tốn”.
Thị trường gạo thế giới biến động lớn trong ít năm trở lại đây. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không bỏ tiền đầu tư cho tồn trữ dài hơi. Chính vì thế, cái vòng luẩn quẩn trong kinh doanh lúa gạo cứ tiếp diễn như bao năm qua và ngành lúa gạo ngày càng lún sâu vào “ngày dài bấp bênh”, nông dân trồng lúa cũng ngày khó khăn hơn trên mảnh đất “quê mình”./.