Hạ lãi suất, tiền sẽ “chảy” mạnh từ ngân hàng sang nhà đất?
VOV.VN-Theo ông Andy Ho, tập đoàn VinaCapital, hạ lãi suất, làn sóng cá nhân rút tiền từ ngân hàng ra đầu tư vào BĐS sẽ mạnh hơn.
VOV online phỏng vấn ông Andy Ho, Giám đốc điều hành tại Tập đoàn VinaCapital, một công ty quản lý đầu tư và phát triển bất động sản hàng đầu tập trung vào thị trường Việt Nam, về những tác động của đợt ngân hàng hạ lãi suất gần đây đến thị trường bất động sản.
PV: Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có quyết định cho các ngân hàng điều chỉnh một loạt lãi suất chủ chốt từ 18/3. Theo ông, quyết định về chính sách tín dụng này liệu có tác động đến thị trường BĐS hay không? Nếu có, theo phân tích của ông, nó có thể tác động như thế nào?
Trong thời gian qua, ngân hàng đã chứng kiến một làn sóng khách hàng cá nhân rút tiền ra khỏi ngân hàng đem vào đầu tư chứng khoán hay bất động sản. Bây giờ, với đợt cắt giảm lãi suất lần này, khuynh hướng này sẽ càng mạnh thêm. Với lãi suất huy động 6%, chắc chắn rằng nhiều nhà đầu tư sẽ đi tìm các cơ hội đầu tư sinh lợi cao hơn. Đây là một phản ứng rất logic khi dòng vốn đương nhiên sẽ chảy vào các kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng nên để ý đến việc lãi suất trần 6% hiện vẫn cao hơn lạm phát dự đoán năm 2014.
PV: Là một doanh nghiệp đang tham gia thị trường BĐS, theo ông, vấn đề nguồn vốn (vốn từ khách hàng và vốn của bản thân doanh nghiệp) tác động chi phối như thế nào đến thị trường?
Ông Andy Ho: Có 3 yếu tố cấu thành vốn đầu tư của một dự án, đó là vốn doanh nghiệp, vốn ứng trước từ khách hàng và vốn vay. Trong đó, vốn từ khách hàng được coi là một trong yếu tố rất quan trọng, góp phần làm giảm áp lực vốn từ doanh nghiệp và vốn vay, góp phần đẩy mạnh tiến độ dự án, giảm hàng tồn kho, tăng thanh khoản cho thị trường. Để huy động được tối đa nguồn vốn này, một dự án cần hội đủ nhiều yếu tố thu hút khách hàng như uy tín, thương hiệu, chất lượng thi công và tiến độ bàn giao dự án, vị trí dự án, lãi suất vay đối với khách hàng vay vốn.
Vốn doanh nghiệp cũng giữ vai trò cực kỳ quan trọng đến thị trường bất động sản. Doanh nghiệp có vốn sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án đến tay khách hàng. Hiện tại, ngoài kênh huy động vốn truyền thống là vốn vay, doanh nghiệp bất động sản niêm yết có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Đây là kênh huy động vốn không có áp lực về lãi suất, doanh nghiệp nên cân nhắc tận dụng nguồn vốn này trong thời điểm hiện tại thị trường chứng khoán có thanh khoản cao và đạt được các mốc tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua.
Ông Andy Ho: Các chính sách đã góp phần rất lớn kích thích đến sự phục hồi của thị trường bất động sản... |
PV: Báo cáo mới nhất (19/3) của Bộ Xây dựng nhận định, thị trường BĐS đã “tan băng” ở phân khúc giá trung bình, căn hộ có diện tích nhỏ. Ông có bình luận gì về nhận định này? Theo quan sát của ông, hiện thị trường đang ra sao?
Ông Andy Ho: Nhằm giải quyết các khó khăn, giảm tồn kho của thị trường bất động sản, trong thời gian vừa qua các chính sách hỗ trợ thị trường được ban hành bởi các cơ quan chức năng từ Chính phủ đến các Bộ ban ngành đã được triển khai. Các chính sách này đã góp phần rất lớn kích thích đến sự phục hồi của thị trường bất động sản, và trên thực tế tại phân khúc nhà ở có mức giá trung bình, diện tích căn hộ nhỏ, hợp lý phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại đa số người dân đã có những chuyển biến thật sự tích cực.
Thanh khoản của thị trường bất động sản đã và đang tiếp tục được cải thiện. Thực tế, cơ cấu nguồn cung nhà ở đã bắt đầu có sự điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường, niềm tin vào thị trường đã và đang dần được hồi phục, phân khúc nhà ở giá trung bình và những căn hộ có diện tích nhỏ được người dân quan tâm và đã có nhiều giao dịch thành công hơn trước.
Theo báo cáo kỳ gần nhất về thị trường bất động sản của CBRE, riêng quý 4/2013, với tổng số lượng đơn vị sản phẩm bán ra là 2.500, tăng 34.5% so với quý 3/2013 và tăng 47.4% so với cùng kỳ năm trước; và đa phần là phân khúc giá trung bình (chiếm 49%).
Tuy nhiên, cũng theo số liệu thống kê của CBRE, tỷ lệ hàng tồn kho bất động sản vào thời điểm hiện nay còn khá cao do tỷ lệ tăng trưởng số lượng sản phẩm được bán ra vẫn còn thấp hơn so với lượng sản phẩm hoàn thành đưa ra thị trường trong cùng thời kỳ. Đây cũng còn là một thách thức đối với thị trường trong thời gian tới.
PV: Bộ Xây dựng đã chính thức có đề xuất lên Chính phủ về việc xin điều chỉnh một loạt điều kiện cho vay gói 30.000 tỷ đồng, như: kéo dài thời gian cho vay, mở rộng đối tượng được vay, tăng số ngân hàng tham gia cho vay... Theo ông, những đề xuất này của Bộ Xây dựng, nếu được Chính phủ chấp thuận, sẽ tác động như thế nào đến thị trường?
Ông Andy Ho: Các điều kiện cho vay gói 30.000 tỷ đồng đang được Bộ Xây dựng đề xuất xin điều chỉnh, tôi tin rằng các bộ ban ngành đang đẩy mạnh việc lưu thông dòng vốn trên thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp bất động sản dễ dàng tiếp cận vốn với thủ tục và chi phí thấp hơn trước, nhằm tăng sức mua, tăng thanh khoản của thị trường, góp phần làm giảm tồn kho, giảm nợ xấu, mang lại nhiều tác động tích cực cho thị trường bất động sản./.