Mua nhà ở xã hội được hưởng quy chế vay đặc biệt
(VOV) - Phó Thống đốc NHNN khẳng định, người vay tiền mua nhà ở xã hội được hưởng quy chế ưu đãi lãi suất 1 – 2%/năm.
Trả lời trên Vneconomy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay cần phải được thực hiện đồng bộ cùng với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để cân đối cung cầu về trước mắt cũng như đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững về lâu dài.
Giải pháp cụ thể cho vấn đề này, theo ông Dũng, các nhóm giải pháp này bao gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo đảm thị trường phát triển ổn định theo quy hoạch, kế hoạch, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; thực hiện rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị để phân loại các dự án cần tạm dừng, được tiếp tục triển khai và các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, đảm bảo cân đối cung - cầu.
Ông Dũng cũng nêu rõ, để thúc đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất thiết cần phải kết hợp giữa tái cơ cấu nợ cũ và giải quyết cho vay mới để hoàn thành các dự án dang dở đã có đầu ra.
Các ngân hàng thương mại cần có gói tín dụng dành cho người mua nhà, theo đó các ngân hàng thương mại nhà nước dành tỷ lệ tối thiểu 3% tổng dư nợ tín dụng cho các đối tượng có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay mua, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m vuông, giá bán dưới 15 triệu đồng/m vuông với lãi suất thấp, thời hạn từ 10-15 năm.
Phần chênh lệch lãi suất được giải quyết bằng cho vay tái cấp vốn; cho phép thực hiện giảm 50% thuế suất VAT đối với đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội trong thời hạn 12 tháng; giảm 30% thuế VAT đầu ra đối với đầu tư, kinh doanh nhà ở là căn hộ dưới 70m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 trong thời hạn 12 tháng; áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội; cải cách thủ tục hành chính về thẩm định, phê duyệt quy hoạch và đầu tư, điều chỉnh cơ cấu dự án và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, ổn định tâm lý, lấy lại niềm tin cho thị trường...
Tín hiệu mới nhất cho vấn đề này là mới đây, khi báo cáo trước Thường vụ Quốc hội về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đặng Thanh Bình cho biết, dự kiến trong quý I-2013 NHNN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành Quy chế cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp và kỳ hạn trả nợ phù hợp.
Theo ông Đặng Thanh Bình, Quy chế cho vay này dành cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội và mua, thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m², giá bán dưới 15 triệu đồng/m² với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng của khách hàng và cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) dành tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay để cho các đối tượng được hỗ trợ vay vốn về nhà ở. NHNN hỗ trợ một phần nguồn vốn cho vay đối với các NHTMNN, thông qua việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm đối với các ngân hàng thực hiện cho vay.
Hình thức hỗ trợ của NHNN đó là thông qua công cụ tái cấp vốn. Trong đó, dành từ 20.000- 40.000 tỷ đồng lượng tiền cung ứng hàng năm để cho vay đối với các NHTMNN. Số tiền này được cho vay theo hạn mức với thời hạn tối đa là 1 năm và quay vòng trong 10 năm, lãi suất bằng lãi suất chiết khấu của NHNN.
Theo định hướng của NHNN, lãi suất cho vay của NHTM đối với khách hàng bằng lãi suất chiết khấu + (1-2%), hoặc bằng trần lãi suất huy động + 1%...
Đây là một trong 8 nhóm giải pháp NHNN sẽ tập trung giải quyết nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Ngoài ra, NHNN sẽ cân nhắc việc đưa các khoản mục còn lại của lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản ra khỏi lĩnh vực không khuyến khích trong năm 2013. Cùng với đó, NHNN sẽ hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản Việt Nam.
Ông Đặng Thanh Bình cũng cho biết, NHNN xác định sẽ tăng cường nguồn vốn dài hạn cho thị trường bất động sản. Ông Bình lý giải, do nhu cầu vốn cho các nhà đầu tư và người mua nhà trên thị trường thường có thời hạn dài, trong khi đó ngân hàng lại thiếu các nguồn vốn dài hạn để đáp ứng cho các nhu cầu này. Do đó, cần có những công cụ tài chính để chuyển các khoản vốn tài trợ ngắn hạn thành vốn trung dài hạn. Cụ thể, NHNN nghiên cứu xây dựng Cơ quan tái thế chấp nhà ở quốc gia để đa dạng hóa nguồn vốn dài hạn hỗ trợ cho thị trường.
Đồng thời, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng phương án xử lý nợ xấu đối với các doanh nghiệp bất động sản. Chỉ cho vay đối với các dự án bất động sản mà chủ đầu tư có kinh nghiệm và bắt buộc phải có tỷ lệ vốn tự có nhất định tham gia dự án trước khi vay ngân hàng hoặc huy động từ các nguồn vốn khác.
Bên cạnh các giải pháp tháo gỡ thị trường, NHNN sẽ thực hiện kiểm soát chặt mục đích sử dụng vốn vay của các dự án thông qua việc cung cấp cho thị trường các sản phẩm tín dụng tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu và người mua nhà.
Ông Đặng Thanh Bình khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát đối với các dự án cho vay bất động sản, bảo đảm an toàn và hiệu quả. Giám sát chặt chẽ luồng vốn tín dụng của các ngân hàng, bảo đảm đúng các nguyên tắc cấp tín dụng. Gắn việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với các giải pháp xử lý nợ xấu và thành lập công ty mua bán nợ quốc gia.
Tính đến 30/11/2012, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản là 215.207 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản là 5,55%.
Dư nợ các nhu cầu đầu tư, kinh doanh bất động sản được loại trừ khỏi lĩnh vực phi sản xuất là 127.131 tỷ đồng. Nếu loại trừ số dư nợ này thì dư nợ đầu tư, kinh doanh bất động sản bị khống chế trong nhóm phi sản xuất chỉ còn 88.069 tỷ đồng.
Có 298 DN kinh doanh bất động sản có dư nợ tại tổ chức tín dụng từ 100 tỷ đồng trở lên, với tổng dư nọ là 125.141 tỷ đồng.
(Nguồn: NHNN)