Thu hồi nhà ở công vụ: Thiếu căn cứ khó thu hồi?
VOV.VN - Những quy định thiếu chặt chẽ trong việc sử dụng nhà công vụ trước đây có lẽ đang làm khó việc thu hồi nhà hiện nay.
Theo Thông tư 01/2014/TT-BXD ngày 16/1/2014 của Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn quản lý sử dụng nhà ở công vụ có hiệu lực từ ngày 6/3, có 5 trường hợp bị thu hồi nhà công vụ bao gồm người thuê nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ; Người thuê nhà chuyển công tác đến địa phương khác;
Người thuê nhà có nhu cầu trả lại nhà ở công vụ; Người đang thuê nhà ở công vụ bị chết; Người thuê nhà sử dụng nhà ở công vụ sai mục đích hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người thuê mà cơ quan quản lý nhà ở công vụ có quyết định xử lý thu hồi.
Ngoài ra, Thông tư cũng chỉ rõ, người được thuê, phân ở nhà công vụ, bên được giao quản lý nhà bị cấm tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng nhà; nghiêm cấm việc cho thuê nhà công vụ không đúng đối tượng; chuyển đổi, chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào.
Người thuê nhà công vụ không cho người khác mượn, ở nhờ một phần hoặc toàn bộ nhà; cải tạo, sửa chữa nhà ở mà không được sự đồng ý của cơ quan quản lý. Khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi khác hoặc nghỉ công tác, người thuê có trách nhiệm trả lại nhà ở công vụ.
Không ở nhà công vụ thì ở đâu?
Một số cán bộ đã nghỉ hưu vẫn đang ở tại nhà công vụ không hiểu có nắm được quy định thuê nhà ở công vụ hay không, nhưng đã hoàn toàn tỏ ra bất ngờ khi được hỏi về Thông tư mới của Bộ Xây dựng.
Ngoài ra, việc quan chức đã nghỉ hưu nhưng không trả lại biệt thự thuê (dù chính quyền đã có quyết định thu hồi) hoặc nhà công vụ không phải là chuyện hiếm.
Ông Nguyễn Văn Đức (nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, đã nghỉ hưu năm 2012, nhưng vẫn giữ lại căn hộ 605-A1 khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu) cho biết, vì không thấy ai đòi lại nên vẫn ở. Có rất nhiều người ở lại như ông từ trước tới nay, giờ nếu nhà nước thu hồi hoặc mọi người trả thì ông cũng trả.
Tương tự như ông Hứa Đức Nhị (nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đã nghỉ hưu năm 2012, nhưng vẫn giữ lại căn hộ 503-B1 Hoàng Cầu để cho con trai ở). Ông Hứa Đức Nhị cho biết: “Theo quy định thì phải trả lại nhà, nhưng trả rồi mình biết ở đâu?”.
Theo ông thì cần phải đợi Ban Bí thư Trung ương có ý kiến, bởi vì ông về Hà Nội làm việc là do được điều động, không phải tự ông xin về, bây giờ nhà bị thu lại ông không biết sẽ về đâu.
Liệu có thể “mạnh tay?”
Theo Bộ Xây dựng, hiện số nhà ở công vụ thuộc Chính phủ khoảng 200 căn, chủ yếu tập trung ở Hà Nội. Ngoài ra, còn số nhà ở công vụ của các địa phương, nhà ở công vụ cho giáo viên, lực lượng vũ trang…
Tuy nhiên, hiện chưa có thống kê đầy đủ về nhà công vụ trên cả nước. Cũng theo Bộ Xây dựng, việc quản lý nhà ở công vụ từ trước tới nay đã phát sinh nhiều bất cập. Do quy định của pháp luật chưa đầy đủ, việc cho thuê và thu hồi lại nhà khi hết thời hạn vẫn chưa được thực hiện nghiêm.
Ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Quản lý Nhà ở và Thị trường Bất Động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, tuy Luật Nhà ở 2005 không nêu luận điểm về hưu trả lại nhà, nhưng quy định cán bộ chỉ được thuê nhà ở công vụ trong quá trình công tác.
Ông Thiện cho biết, trong thực tế, thời gian qua có trường hợp cán bộ về hưu không trả lại nhà. Chính vì vậy, Thông tư 01 quy định rõ trường hợp về hưu phải trả lại nhà và phân cấp trách nhiệm cho từng đơn vị quản lý và chính quyền địa phương.
“Trước đây, có những cán bộ không dám thu hồi nhà vì nể sợ. Dù cán bô cấp cao đến đâu khi về hưu buộc phải trả lại nhà ở công vụ. Vấn đề là chúng ta có dám làm hay không. Nếu quyết tâm làm, không có chuyện cán bộ không trả lại nhà khi về hưu”, ông Thiện khẳng định.
Theo đánh giá của ông Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, việc bố trí nhà ở xã hội cần phải được nghiên cứu lại làm sau gần nơi công sở, nếu khoảng cách xa quá thì nên hỗ trợ tiền nhà cho công chức sẽ công bằng hơn.
Ông Liêm cũng cho rằng, việc quy định giá thuê sao cho hợp lý thì người có nhu cầu sẽ được tiếp cận hiệu quả. Hơn nữa, bắt buộc không được chuyển nhượng, cho thuê lại, trả lại nhà công vụ tại các trường hợp khi không đủ yêu cầu./.