Điều chỉnh đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh
VOV.VN - Dự án với tổng vốn đầu tư là hơn 91.000 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với dự toán trong quy hoạch tổng thể năm 2007.
Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 7, chiều 26/10, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thảo luận về dự thảo điều chỉnh Nghị quyết số 38 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Dự phiên họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đại diện bộ, ngành trung ương và một số đại biểu Quốc hội.
Việc điều chỉnh Nghị quyết số 38 của Quốc hội nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình thực tế. So với phê duyệt ban đầu, tổng chiều dài toàn tuyến là 3.183 km tăng 16km; điểu chỉnh từ 2-8 làn xe xuống còn 2-6 làn xe. Dự án dự kiến thông tuyến vào năm 2020 với tổng vốn đầu tư là hơn 91.000 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với dự toán trong quy hoạch tổng thể năm 2007.
Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu quan tâm tới nguồn vốn, tổng vốn đầu tư, tiến độ phân kỳ đầu tư. Về nguồn vốn, trong Nghị quyết điều chỉnh chưa rõ, có ưu tiên vốn hay không, tiền đâu để làm, khi nào làm, cái nào trước và cái nào sau, ngoài nguồn vốn trái phiếu, các nguồn vốn khác là nguồn nào?.
Ông Nguyễn Phi Thường đại biểu Quốc hội Hà Nội tán thành với với việc điều chỉnh một số chỉ tiêu, hạn mức đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế, nhưng lại băn khoăn về việc sử dụng vốn và hiệu quả đầu tư, khai thác tuyến đường. Ông nói: “Sử dụng vốn trong thực hiện dự án chưa tốt, giá đầu tư cho 1km đường tăng cao liên tục từ dự toán theo Nghị quyết 38 của Quốc hội đến thực tế qua giai đoạn 1, 2, 3. Dự toán giai đoạn 1 từ 2000-2007 là 9,9 tỷ/1km nhưng thực tế là 10,8 tỷ/1km. Chênh lệch lớn trong giá đầu tư 1km trong giai đoạn 2. Tiến độ chung của dự chậm nhưng khối lượng thực hiện được cũng thấp, hầu hết chờ giải ngân thêm tiền. Cần quyết liệt hơn trong hoàn tất các phần dự án nhỏ”.
Ông Phùng Đức Tiến – Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng cần có đánh giá, thẩm tra chặt chẽ về chất lượng, tiến độ công trình để dự án đầu tư mang lại hiệu quả. Ông Phùng Đức Tiến đề nghị: “Chịu tải, kiểm nghiệm đánh giá như thế nào? Cái này chưa rõ. Cái này cử tri cả nước quan tâm. Các chỉ tiêu kỹ thuật được phê duyệt khi đưa vào sử dụng có đạt yêu cầu hay không, để có thể điều chỉnh các đoạn sau hay không? Tư vấn thiết kế, tôi đề nghị phối hợp giữa chủ đầu tư, tư vấn thiết kết, giám sát, và rút kinh nghiệm vì những cái này qua trọng với chất lượng công trình và tiến độ…”.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để bổ sung vào báo cáo thẩm tra trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này./.