Doanh nghiệp ĐBSCL khó mua gạo xuất khẩu
Nhu cầu thu mua xuất khẩu gạo đang khá lớn trong khi nguồn cung gạo ở ĐBSCL hiện không có nhiều.
Đang vào thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa Hè Thu, nhưng các doanh nghiệp lại rất khó thu mua gạo để phục vụ xuất khẩu. Giá lúa gạo ở ĐBSCL vì thế đang ở mức khá trong nhiều ngày qua. Và nhiều khả năng nông dân không phải lo lắng nhiều về giá cả, lẫn đầu ra trong vụ này.
Theo ông Trần Bảo Toàn, Giám đốc doanh nghiệp Thanh Lịch (Đồng Tháp), giá gạo thành phẩm ở ĐBSCL đang ở mức khá cao. Ngày 8/7, gạo 5% tấm thành phẩm tại kho ở mức 8.200-8.300 đồng/kg. Giá gạo 5% tấm khi cặp mạn tàu khoảng 8.400-8.500 đồng/kg. Gạo thành phẩm 15% tấm ở mức 7.800 đồng/kg …
Giá lúa hàng hóa cũng không chịu thua kém. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết, vào cuối tuần qua, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.400–5.500 đồng/kg, lúa hạt dài khoảng 5.500–5.600 đồng/kg.
Giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL lên cao như trên, chủ yếu nhờ vào hoạt động thu mua xuất khẩu. Hiện tại, các thương lái đang tích cực đẩy mạnh thu mua gạo hàng hóa ở ĐBSCL để xuất khẩu sang Philippines, Malaysia …
Ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục Trồng trọt cho biết, đến nay, đã có khoảng 450.000 ha (khoảng 1/4 diện tích xuống giống vụ Hè Thu ở ĐBSCL) đã được thu hoạch. Với năng suất đạt bình quân 5,6 tấn/ha, thì sản lượng đã thu hoạch ước khoảng trên 2,5 triệu tấn lúa, tương ứng với khoảng 1,3 triệu tấn gạo.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp chuyên cung ứng gạo xuất khẩu, năm nay, gạo Campuchia hầu như không sang, vì thế đã làm giảm đáng kể nguồn cung gạo ở ĐBSCL. Nhưng nguyên nhân chính, có lẽ vẫn do nhu cầu thu mua xuất khẩu gạo đang khá lớn, trong khi nguồn cung gạo ở ĐBSCL hiện không có nhiều, bởi lượng gạo vụ Đông xuân còn tồn trữ trong kho của các doanh nghiệp không còn lớn.
Do đó, giá lúa gạo hàng hóa có cơ hội đạt mức khá tốt. Điều đáng chú ý là theo phản ánh của một số doanh nghiệp chuyên cung ứng gạo xuất khẩu, khoảng 20 ngày trở lại đây, thương nhân Trung Quốc đang tạm ngưng “ăn” gạo Việt Nam, mà nguyên nhân chính là do trước đó họ đã nhập khẩu khá nhiều, cộng với việc giá gạo ở Việt Nam tăng cao.
Điều này làm nảy sinh một nghịch lý là giá gạo ở Hải Phòng (vốn được chở từ ĐBSCL ra bằng đường biển), lại đang rẻ hơn khoảng 400 đồng/kg so với gạo hàng hóa được giao dịch ở ĐBSCL. Nếu thương nhân Trung Quốc chưa tạm ngưng mua gạo Việt Nam, có lẽ thị trường gạo ở ĐBSCL sẽ còn căng thẳng hơn nữa.
Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân khác làm cho giá gạo hiện nay đang ở mức khá. Trước hết, đó là thông tin Philippines sẽ mua thêm 200.000 tấn gạo Việt Nam sau khi đã mua đủ 800.000 tấn theo kết quả đấu thầu hồi tháng 4 năm nay, nhằm đảm bảo đủ nguồn cung ứng gạo cho nhu cầu người dân nước này vào mùa cao điểm giáp hạt.
Ngoài ra, giá cám và tấm năm nay ở nước ta quá rẻ. So với năm ngoái, giá cám, giá tấm năm nay giảm khoảng 1.000 đồng/kg, và hiện ở mức 4.400 đồng/kg. Đây là những phụ phẩm quan trọng trong quá trình xay xát gạo. Nếu những phụ phẩm này được giá, giá thành gạo thành phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ giảm xuống và ngược lại.
Như đã nói ở trên, năm nay, giá các loại phụ phẩm như cám, tấm giảm mạnh, nên giá thành gạo thành phẩm đã bị đẩy lên cao hơn so với năm ngoái, nên giá bán cũng được các nhà xay xát chào ở mức cao. Giá gạo thành phẩm ở mức cao, vựa lúa đang có dấu hiện khan hiếm gạo, gạo Campuchia gần như không sang…, những điều này đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp gạo./.