Doanh nghiệp FDI kém lạc quan

(VOV) - 48% nhà đầu tư nước ngoài coi yếu tố bất ổn kinh tế vĩ mô là một trong 3 rủi ro chính mà họ gặp phải tại Việt Nam.

Trong đó 36% nhà đầu tư nước ngoài coi đây là rủi ro lớn nhất.

Con số vừa được Nhóm nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) công bố sáng nay (14/3) tại Hà Nội sau khi khảo sát 1.540 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2012 về những nhận định rủi ro trong môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp coi rủi ro hợp đồng, rủi ro chính sách và rủi ro lao động là những rủi ro chính lần lượt là 27%, 26%, và 22%.

Kém lạc quan về kinh tế vĩ mô

Theo nhóm nghiên cứu, kể từ khi bắt đầu có khảo sát PCI-FDI đến nay, chưa bao giờ niềm tin và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp lại thấp đến vậy. Chỉ có 33% doanh nghiệp FDI có dự định mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng hai năm tới. Lợi nhuận, vốn và mức tăng trưởng quy mô lao động cũng thấp hơn so với  những năm trước.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, vụ bắt giữ nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB Nguyễn Đức Kiên ngày 20/8/2012 là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đây thực sự là cú sốc bất ngờ đối với cả thị trường chứng khoán và thị trường vàng.

Phản ứng cú sốc này thể hiện rõ nét qua các câu hỏi điều tra PCI về niềm tin của doanh nghiệp. Trong vòng 20 ngày sau sự kiện đó, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã giảm 1/2. Các doanh nghiệp đều đánh giá sự kiện này ở tầm kinh tế vĩ mô.

Và chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên, khi câu trả lời của các doanh nghiệp FDI tại các địa phương khá đồng nhất đối với hai nhân tố rủi ro: rủi ro kinh tế vĩ mô và bất ổn chính trị.

Tại 13 tỉnh, thành phố tập trung nhiều doanh nghiệp FDI nhất, các doanh nghiệp được hỏi đều cho rằng rủi ro kinh tế vĩ mô là một trong ba rủi ro lớn và hầu như rất ít doanh nghiệp lựa chọn rủi ro lớn nhất là bất ổn chính trị.

Tuy nhiên, đối với các rủi ro chính sách và rủi ro lao động, thì đánh giá giữa các tỉnh bắt đầu có sự khác biệt. 78% doanh nghiệp tham gia điều tra tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng rủi ro chính sách là một trong ba rủi ro chính. Ở Long An, chỉ 11% doanh nghiệp quan ngại về loại rủi ro này. Ngược lại, 89% doanh nghiệp tại Long An lại cho rằng rủi ro lao động là một trong ba loại rủi ro hàng đầu mà họ gặp phải trong khi chỉ 29% doanh nghiệp ở Hà Nội có cùng cảm nhận.

Đối với những rủi ro về thu hồi đất, rủi ro hợp đồng và rủi ro tham nhũng, sự khác biệt giữa các tỉnh tuy có ít hơn nhưng vẫn là khá lớn. 40% doanh nghiệp ở Bắc Ninh cho rằng rủi ro thu hồi đất nằm trong 3 rủi ro hàng đầu. Doanh nghiệp ở Tây Ninh (78%) và Long An (79%) bày tỏ lo ngại về rủi ro hợp đồng. Tuy vậy, tham nhũng lại là mối quan ngại lớn hơn cả đối với cá nhà đầu tư nước ngoài tại Vĩnh Phúc (56%).

Phản ứng của nhà đầu tư nước ngoài

Kết quả điều tra cho thấy gần 50% số nhà đầu tư cho rằng liên doanh với doanh nghiệp địa phương được coi là một trong những chiến lược giảm thiểu rủi ro phổ biến nhất.

Một số nhà đầu tư không liên doanh cho biết đã chọn cách chỉ giải ngân một phần vốn đầu tư cho đến khi cảm thấy thật sự tin tưởng vào quy định, chính sách trong nước và của địa phương đầu tư (hơn 25% doanh nghiệp chọn phương án này).

Các doanh nghiệp vận hành chuỗi cung ứng quốc tế lại đều chọn sản xuất những bộ phận chính của sản phẩm ở nước ngoài và vận chuyển tới Việt Nam khi cần (25%). Họ cho rằng, áp dụng cách tiếp cận này sẽ giảm thiểu rủi ro trực tiếp, bởi vì hoạt động của nhà máy hoặc doanh nghiệp tại nước sở tại sẽ trở thành vô giá trị nếu như thiếu những cấu phần chính này.

Như vậy, chiến lược đa dạng hóa rủi ro trong một chuỗi cung ứng này cũng là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng không đầu tư sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam.

Một kết quả khác khá thú vị của nhóm nghiên cứu khi so sánh phân tích cách thức doanh nghiệp FDI do người Việt Nam quản lý và doanh nghiệp do người nước ngoài quản lý khi tiếp xúc với các cơ quan chính quyền và quản lý rủi ro chính sách.

Nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp do người Việt quản lý thường chủ động hơn trong các mối quan hệ với chính quyền. Họ thường có xu hướng xây dựng quan hệ và vận động quan chức, chính quyền hơn là cố gắng đơn phương bảo vệ mình. Họ coi những mối quan hệ này có ý nghĩa quan trọng đối với mô hình kinh doanh của mình. 

Nhóm nghiên cho rằng, để thu hút vào các cấu phần sản xuất cao cấp tại Việt Nam, các nhà hoạch đinh chính sách cần  nỗ lực hơn trong việc giảm thiểu những rủi ro này cho các doanh nghiệp FDI.

Trong khi Việt Nam đang bước vào thực hiện các kế hoạch ổn định và phát triển kinh tế, những nghiên cứu cứu này phần nào giúp nhà hoạch định chính sách đưa ra những giải pháp phù hợp cho thời điểm hiện nay. Chỉ khi hiểu được độ nhạy cảm của nhà đầu tư đối với rủi ro thì chính phủ mới có thể nâng cao sức cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư FDI./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên