Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần “cưỡi sóng” công nghệ số để ra biển lớn
VOV.VN -Theo các chuyên gia, công nghệ số phát triển đang làm thay đổi phương thức kinh doanh nên các doanh nghiệp Việt phải thích ứng để phát triển.
Sáng nay (2/6), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Công ty Google Châu Á Thái Bình Dương tổ chức hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa VN tận dụng sức mạnh của công nghệ số trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.
Công nghệ số giúp DN tiếp cận khách hàng dễ hơn, diện rộng hơn (Ảnh minh họa: KT) |
DNNVV Việt Nam chưa tiếp cận hiệu quả khách hàng qua mạng internet
Theo điều tra của VCCI, công nghệ số có vai trò và tác động lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Riêng năm 2015, tới 95% doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng internet, tuy nhiên con số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) lến tới gần 60%.
Theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), “những doanh nghiệp ứng dụng CNTT hiệu quả thường dễ tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật hơn, thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng hơn và quan trọng là có kết quả kinh doanh tốt hơn. Ở chiều ngược lại, các cơ quan nhà nước trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công, nếu áp dụng CNTT tốt, cũng cung cấp thông tin tới doanh nghiệp nhanh chóng và thuận lợi hơn, với thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp được rút ngắn, đồng thời cơ hội nảy sinh nhũng nhiễu sẽ được giảm thiểu…”.
Còn ông Kevin O’Kane, Giám đốc mảng Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Google Châu Á Thái Bình Dương, chia sẻ: “Mỗi doanh nghiệp Việt Nam, dù hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh gì đều cần ứng dụng công nghệ số vì nhiều khách hàng của họ đã kết nối mạng. Nhưng đa số các DNNVV Việt Nam vẫn chưa có cách thức hiệu quả trong việc tiếp cận khách hàng qua mạng internet”.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước sự tích hợp hai làn sóng là đổi mới, cải cách thể chế và làn sóng công nghệ số. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, cơ hội phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng sẽ tăng theo cấp số nhân.
Đặc biệt, theo ông Lộc, đối với nền kinh tế số, thế giới đang nhỏ lại còn doanh nghiệp nhỏ thì đang lớn lên. Công nghệ số đang tạo nên nền tảng về sự bình đẳng cho doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận tri thức và tiếp cận khách hàng. Kỷ nguyên công nghệ số này đang dẫn đến tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mà dù có vốn nhỏ nhưng trí tuệ lớn, một thế hệ kinh doanh mới.
Trên thế giới, hiện có khoảng 40% dân số có thể tiếp cận internet thường xuyên, còn Việt Nam có tới 48% người dân có thể tiếp cận internet. Hơn nữa, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ viễn thông và điện thoại di động cao nhất khu vực và thế giới. Nhưng mức độ sẵn sàng cho kinh tế số ở Việt Nam chưa cao. Năm 2015, Việt Nam đứng thứ 85/143 nền kinh tế về mức độ chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế số. Đây là một vấn đề rất lớn, cần phải có quyết tâm và cách thức riêng để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam.
Cần đi tắt đón đầu
Cho nên, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch VCCI cho rằng: “Làn sóng công nghệ số đang phát triển nhanh chóng và có tác động mạnh mẽ tới tất cả doanh nghiệp Việt, nhất là các DNNVV. Tiếp nhận và ứng dụng hiệu quả các công nghệ này là cách thức đi tắt, đón đầu đối với DNNVV trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bản thân các cơ quan nhà nước cũng cần tăng cường ứng dụng CNTT và xây dựng một thể chế chính sách tốt nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp”.
“Trong thời đại công nghệ số phát triển, trước khi bỏ ra 1 USD quảng cáo cho sản phẩm của mình, doanh nghiệp cần cân nhắc lựa chọn phương tiện hữu hiệu nhất để chi phí ít mà hiệu quả cao. Bởi vì thời đại công nghệ số đã làm thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang phương thức kinh doanh mới. Đặc biệt lưu ý, trong vài năm nữa, con số người Việt thường xuyên tiếp cận internet có thể tăng lên 70% dân số. Mà công nghệ số sẽ giúp doanh nghiệp ngày càng dễ hơn trong tiếp cận thị trường rộng lớn, khách hàng ở khắp nơi trên thế giới.”- ông Kevin O’Kane, Giám đốc mảng Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Google Châu Á Thái Bình Dương.
Theo ông Lộc, đây là sự đánh giá cao của thế giới với tiềm năng phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, tiềm năng không tự biến thành thực tiễn. Muốn trở thành một ngôi sao thực sự trong nền kinh tế số, Việt Nam cần xây dựng được một nền tảng thể chế thực sự phục vụ cho nền kinh tế số phát triển.
Thực tế từ năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã có nghị quyết về Chính phủ điện tử, trong đó có yêu cầu doanh nghiệp cũng phải điện tử hóa để kết nối Chính phủ. Cho nên, việc xây dựng doanh nghiệp điện tử trở thành một nhu cầu, động lực, phương thức phát triển của doanh nghiệp Việt nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch VCCI kêu gọi các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin hợp tác với VCCI để xây dựng một chương trình hành động xây dựng doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam. Bởi theo một nghiên cứu của Đức, Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về tinh thần khởi nghiệp. Nhưng, theo Chủ tịch VCCI, “tinh thần khởi nghiệp đó chỉ có thể trở thành động lực cho làn sóng khởi nghiệp trong nền kinh tế có cạnh tranh cao thì thực sự chưa nhiều, mà cái rất cần là phải có tri thức và chiến lược phát triển phù hợp trong nền kinh tế toàn cầu.
“Hy vọng trong tương lai các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ cưỡi lên làn sóng kinh tế số để ra khơi giành thắng lợi. Và sự tích hợp giữa tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam với tri thức kinh doanh và làn sóng kinh tế số sẽ làm nên một đội ngũ doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ”- ông Lộc nhấn mạnh./.