‘Sức khỏe’ doanh nghiệp Việt: 8 năm, gần 46% ‘chết’ lâm sàng
VOV.VN -Từ năm 2007-2015, doanh nghiệp nước ta đã ngừng hoạt động hoặc giải thể chiếm 45,5% tổng số doanh nghiệp được khai sinh.
Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2015 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố cho thấy, từ năm 2007-2015, trong vòng 8 năm, lực lượng doanh nghiệp nước ta đã ngừng hoạt động hoặc giải thể (chiếm 45,5%) tổng số doanh nghiệp được khai sinh.
Xu hướng tăng số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể
Cụ thể, trong giai đoạn 2007-2015, đã có gần 692.000 doanh nghiệp đăng kỳ thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp đã đăng ký thành lập lên khoảng 941.000 doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp VN ngừng hoạt động hoặc giải thể từ năm 2011 ngày càng có xu hướng tăng lên. |
Trong tổng số 941.000 doanh nghiệp đã được thành lập kể từ khi có luật doanh nghiệp đến nay, số doanh nghiệp còn hoạt động trong nền kinh tế, tính đến hết ngày 31/12/2015, là khoảng gần 513.000 doanh nghiệp (chiếm 54,5%), khoảng 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể (chiếm 45,5%), trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là khoảng 117.000 doanh nghiệp (chiếm 12,5%).
Đáng chú ý là sau những khi tăng trưởng mạnh trong hai năm 2009-2010, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập đã có xu hướng giảm đi và ổn định trong giai đoạn 2011-2014, bình quân mỗi năm khoảng 70.000 doanh nghiệp thành lập. Tuy nhiên, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể từ năm 2011 ngày càng có xu hướng tăng lên, thậm chí còn tăng cao trong năm 2015, trên 80.000 doanh nghiệp, trong đó có 9.467 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể và 71.391 doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng hoạt động.
Ngày càng nhiều công ty cổ phần
Cũng trong giai đoạn này, xu hướng chuyển dịch của doanh nghiệp cũng rất đáng quan tâm. Đó là xét theo loại hình doanh nghiệp (hình thức pháp lý khi đăng ký kinh doanh), số lượng các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức các công ty trách nhiệm hữu hạn và các công ty cổ phần ngày càng chiếm tỷ lệ cao.
VCCI: Doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn
Theo VCCI, việc số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh so với năm 2014 cho thấy tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tất cả các ngành đều có số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng trong năm 2015. Ba ngành có số lượng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động tăng cao nhất là Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (150,5%), Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (68,8%), Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (56,7%). Đáng chú ý, ngành Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tuy có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao, nhưng cũng là ngành có tỷ lệ doanh nghiệp phải giải thể và ngừng hoạt động tăng cao. Điều này cho thấy những rủi ro đi kèm theo sự tăng “nóng” về số lượng doanh nghiệp thành lập mới của lĩnh vực này.
Về hình thức sở hữu, các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước ngày càng tăng về số lượng và tỷ trọng. Giai đoạn 2007-2015 chứng kiến sự phát triển ấn tượng về số lượng doanh nghiệp trong các ngành dịch vụ, nhất là Giáo dục đào tạo và Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, Nghệ thuật, vui chơi và giải trí. Ba ngành này có tốc độ tăng trưởng hàng năm đều trên 20%/năm và số lượng doanh nghiệp tăng hơn 5 lần trong giai đoạn 2007-2015.
Số lượng doanh nghiệp trong ngành Giáo dục đào tạo tăng từ 976 doanh nghiệp năm 2007 lên 5.671 doanh nghiệp năm 2015, tuy vậy tỷ trọng của ngành này vẫn rất nhỏ, chiếm 1,3%. Với vị trí tự nhiên và điều kiện xã hội thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam thường tập trung chủ yếu ở hai vùng là Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng. Khu vực Đông nam Bộ, nơi có TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của Việt Nam, luôn chiếm tỷ trọng cao nhất về doanh nghiệp và tỷ trọng này có xu hướng tăng lên, từ 37,9% năm 2007 lên 42,1% năm 2015, trong đó tỷ trọng doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã tăng từ 30,1% lên 34,1%
Hiệu quả doanh nghiệp ngày càng giảm
Đáng buồn nhất là năng lực của doanh nghiệp còn rất hạn chế. Trong giai đoạn 2007-2014, hiệu quả sử dụng lao động đã không những không được cải thiện mà còn giảm đi, từ 17,3 lần năm 2007 xuống còn 15,4 lần năm 2014. Các chỉ số về khả năng thanh toán của doanh nghiệp vẫn ít được cải thiện so với năm 2013, chỉ có chỉ số khả năng trả lãi vay của doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt.
Hiệu quả sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp ngày càng giảm đi. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong nền kinh tế giai đoạn 2007-2010 đã giảm so với giai đoạn 2000-2006, xuống còn khoảng dưới 30% trong các năm 2007-2010, tuy nhiên đã tăng cao trở lại trong giai đoạn 2011-2014 với mức trung bình khoảng 38,7%. Hiệu suất sinh lợi của các doanh nghiệp trong nền kinh tế giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn 3,6% năm 2014. Đây là dấu hiệu báo động về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong năm 2014./.