Doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ ở ĐBSCL bị tác động nặng nề do dịch Covid-19
VOV.VN - Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp tại ĐBSCL vì hầu hết nhỏ và siêu nhỏ, sức chống chịu yếu.
Thống kê 6 tháng đầu năm nay, ĐBSCL có 5.128 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 70.604 tỷ đồng; 1.523 doanh nghiệp quay lại hoạt động; số lao động tăng thêm 44.810 người. Bên cạnh đó, có 4.030 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; 1.796 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 955 doanh nghiệp đã giải thể. PV VOV phỏng vấn ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) về thực trạng khó khăn của khu vực doanh nghiệp này.
PV: Thưa ông, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn ra từ cuối tháng 4/2021 gây ảnh hưởng như thế nào tới doanh nghiệp tại ĐBSCL khi đa phần doanh nghiệp vùng này là nhỏ và siêu nhỏ?
Ông Nguyễn Phương Lam: So với những lần trước thì đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này bị ảnh hưởng nặng nhất, nhất là khu vực phía Nam với gần 20 tỉnh, thành. Đối với TP.HCM hay vùng Đông Nam bộ thì đây là vùng kinh tế trọng điểm có thế mạnh về công nghiệp chế tạo và các hoạt động dịch vụ. Còn đối với khu vực ĐBSCL là thế mạnh nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Công nghiệp chế biến với đặc thù là nguyên vật liệu đều thuộc nhóm không lưu trữ và bảo quản lâu được. Mà nếu làm được thì chi phí rất cao so với hàng hóa công nghiệp chế tạo. Như vậy, đợt dịch này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động từ số lượng công nhân làm việc cho đến vận chuyển hàng hóa, quá trình sản xuất... làm hạn chế quá trình phát triển kinh tế của toàn khu vực.
PV: Liên quan đến vấn đề quy định cũng như chính sách chống dịch tại các địa phương, cùng với những khó khăn như ông vừa đề cập thì nhiều doanh nghiệp cho rằng còn nhiều bất cập, trong đó, có những chính sách thiếu tính thực tiễn và thay đổi nhanh khiến doanh nghiệp khó khăn trong thực hiện. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Phương Lam: Thứ nhất, chúng ta thấy rằng, những diễn biến xảy ra là không lường trước được, sẽ gây khó khăn cho tất cả các lĩnh vực, từ quản trị nhà nước cho đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Về phía người dân hay doanh nghiệp thì cũng cần có sự chia sẻ khó khăn đối với các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước. Chính vì trách nhiệm này cộng với nhiều địa phương không có kinh nghiệm hay chưa có kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch nên còn nhiều lúng túng trong việc ban hành những quy định, chính sách đặt ra. Giữa các địa phương với nhau cũng thiếu tính đồng bộ.
Mặt khác, ở nhiều tỉnh có sự cứng nhắc và “trách nhiệm” quá mức, không cần thiết. Góc nhìn của tôi, nhất là liên quan đến việc tạm đình chỉ sản xuất kinh doanh đối với hoạt động của một doanh nghiệp thì rất cần phải cân nhắc.
Hiện nay, chúng tôi quan sát ở cấp tỉnh đều chỉ đạo giao cho cấp huyện hay sở, ngành chịu trách nhiệm trong việc để lây lan dịch bệnh. Chính vì trách nhiệm đó thì các huyện, các ngành không đủ sức để dùng mệnh lệnh hành chính của mình để yêu cầu doanh nghiệp ngừng sản xuất. Tôi nghĩ việc này phải báo cáo và xin ý kiến lãnh đạo cấp tỉnh. Còn ở cấp tỉnh, tôi nghĩ khi có những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành hàng mang hệ thống chuỗi hoặc có quy mô lớn thì cần phải có đánh giá đầy đủ hơn. Không thể chỉ vì một vài chỉ tiêu mà phải yêu cầu 1 nhà máy hay 1 doanh nghiệp có liên quan hàng trăm lao động phải đóng cửa. Rất ảnh hưởng đến an sinh xã hội và ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, không chỉ một doanh nghiệp mà còn kéo theo cả người nông dân sản xuất nguyên vật liệu đến quá trình vận chuyển về sản xuất và đến khâu tiêu thụ.
Còn giữa các ngành với những tiêu chí, nguyên phụ liệu, tư liệu sản xuất rồi yếu tố đầu vào, tới lực lượng di chuyển giữa các địa phương hay quá trình vận tải, hàng hóa đều gặp khó khăn do phải đi qua nhiều địa phương và bị ràng buộc giữa những địa phương khác nhau. Vì vậy, cấp tỉnh cần xem xét việc này thấu đáo hơn.
PV: Khảo sát nhanh của VCCI Cần Thơ cho thấy, đối với các gói hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ Nghị quyết 68 của Chính phủ. Ông có thể cho biết cụ thể hơn vấn đề này?
Ông Nguyễn Phương Lam: Nghị quyết 68 của Chính phủ ban hành rất kịp thời. Đến nay, những ghi nhận của chúng tôi từ phía doanh nghiệp qua 1 tháng triển khai Nghị quyết này còn gặp một số khó khăn. Thứ nhất, Nghị quyết còn quá mới, chưa có sự hướng dẫn cụ thể nào ở các cơ quan địa phương mà gần nhất là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có thể hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp. Thứ hai, những vấn đề để chứng minh và nhận được chính sách hỗ trợ này thì tôi nghĩ là do tính cập nhật, tính mới của Nghị quyết thì đến nay chưa có sự thông suốt nào. Do vậy, doanh nghiệp khó có thể chứng minh cũng như đáp ứng được những yêu cầu. Việc ban hành Nghị quyết là chủ trương và sự hỗ trợ rất cấp thiết, tuy nhiên, thỏa mãn những quy định này thì cần phải có thêm thời gian nữa. Doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi thực hiện Nghị quyết này.
PV: Từ việc nắm bắt yêu cầu từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp ở ĐBSCL, theo ông, vấn đề cần thiết nhất trong thời điểm này là gì?
Ông Nguyễn Phương Lam: Hiện nay, tình hình chống dịch đang trong giai đoạn đỉnh điểm. Tất nhiên còn thời gian ngắn nữa để tạm ổn định, khoanh vùng và bỏ bớt giãn cách. Tuy nhiên, trong giai đoạn này sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề liên quan đến quá trình phát triển của các doanh nghiệp. Ghi nhận của chúng tôi đối với doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp yêu cầu cần thiết hiện nay là: Thứ nhất, phải có sự thống nhất chung giữa các địa phương, những quy định thống nhất. Nếu các địa phương không có sự thống nhất thì cần có sự vào cuộc của Chính phủ để có sự hướng dẫn chung trong việc lưu thông hàng hóa, những quy định cần thiết để sản xuất của doanh nghiệp. Đặc biệt là công tác thu mua các mặt hàng nông sản. Bởi đây là thế mạnh chủ đạo của vùng này. Nếu không có sự thu xếp ổn trong giai đoạn này mà chỉ duy nhất cho an toàn về chống dịch thì một thời gian nữa ĐBSCL sẽ gặp thêm những khó khăn trong phát triển kinh tế. Cả 2 việc này phải song hành với nhau để có sự phối hợp nhịp nhàng. Còn với tình hình như hiện nay thì các doanh nghiệp khó lòng mà trụ được.
Thứ hai, về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tôi cho rằng, những chính sách, chủ trương của Chính phủ, Nhà nước đã có những định hướng khá đầy đủ và rõ ràng. Tuy nhiên, quá trình thực thi còn vướng rất nhiều trong những thủ tục hành chính cũng như những quy định chi tiết; sự linh hoạt của các địa phương rất cần thiết trong lúc này để hướng đến có sự tiếp cận kịp thời cho các doanh nghiệp. Đối với những quy định ở cấp địa phương trong phòng chống dịch thì cần phải có những chia sẻ cụ thể để doanh nghiệp có thể đáp ứng một mức độ tương đối và có thể duy trì sản xuất. Đối với những chính sách vĩ mô dài hạn hơn như chính sách về tài chính, thuế thì cần có sự tham gia của Chính phủ chỉ đạo cụ thể hơn, nhanh hơn để giúp cho các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.