Doanh nghiêp Việt cần quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm
VOV.VN - Café Buôn Ma Thuột, café Đắk Lắk, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc…lần lượt bị "đánh cắp" bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phát triển và xây dựng thương hiệu có tên tuổi và tầm cỡ đang là yêu cầu bức thiết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp nước ta hiện vẫn còn lối tư duy truyền thống và tầm nhìn ngắn hạn trong đầu tư phát triển thương hiệu.
Café Buôn Ma Thuột, café Đắk Lắk, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc…lần lượt bị "đánh cắp" bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Đó là những ví dụ điển hình cho việc mất thương hiệu khi doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng cho vấn đề này. Nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị một công ty của Trung Quốc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Buon Ma Thuot & chữ Trung Quốc” và “Buon Ma Thuot Coffee 1896 & logo”. Điều này khiến chúng ta mất thị trường và thương hiệu ở nhiều nước...
Ông Stephen Kreppel, Công ty Tư vấn National Consultancy, của Anh cho rằng: “Việt Nam đang xuất khẩu ngày càng nhiều, trong đó chiếm tỷ lệ cao là nông sản, hàng may mặc, giày dép. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ quan tâm đến giá xuất khẩu đơn thuần mà chưa thể quan tâm đến lợi nhuận. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, doanh nghiệp sẽ không có nguồn tái đầu tư vào xây dựng hình ảnh; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ mất dần...”.
(ảnh minh họa: KT)
Đứng góc độ ở một doanh nghiệp theo tôi các bạn sẽ phải tập trung nhiều hơn nữa trong việc quảng bá những sản phẩm thế mạnh của mình. Cần phải tính đến việc hợp tác đối với các đối thủ cạnh tranh để cùng xây dựng nên thương hiệu lớn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần hiểu về những thị trường tiềm năng của doanh nghiệp mình, hiểu từng chi tiết của những sản phẩm mà người tiêu dùng mong muốn. Các bạn cần tạo ra những thương hiệu Việt Nam dựa trên sự khác biệt của người Việt. Tuy nhiên làm được điều này Chính phủ cần đưa ra những hỗ trợ đối với các nhà kinh doanh lớn.
Phương châm chiếm lĩnh thị trường lâu dài phải được coi là chiến lược của doanh nghiệp, trong đó, xây dựng thương hiệu ngày càng chi phối giá trị sản phẩm, giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế và tên tuổi của mình đối với thị trường.
Theo thống kê, chỉ riêng giá trị thương hiệu ngày nay đã chiếm 1/3 giá trị nền kinh tế toàn cầu, vì vậy, một nền kinh tế phát triển bền vững đi liền với quốc gia phải có những thương hiệu có sức cạnh tranh cao ở cả thị trường nội địa và quốc tế.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Hiện nước ta vẫn chưa có những thương hiệu mang tầm cỡ khu vực và trên thế giới, do những tư duy cũ.
Bà Hằng cho rằng: Trong bối cảnh hội nhập, đồng nghĩa với việc ko có chỗ đứng bền vững cho các sản phẩm không tên tuổi. “Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp chúng ta vẫn theo hướng tư duy lối mòn truyền thống đó là tập trung đầu tư vào tài sản hữu hình như nhà máy, đất đai, công xưởng…Những tài sản vô hình như sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghệ và sản phẩm, hệ thống và thương hiệu nhìn chung ít được quan tâm thích đáng.
Cần phải thay đổi tư duy về thương hiệu, phải có tầm nhìn dài hạn và chiến lược marketing tổng thể để có được những sản phẩm chủ lực, nổi tiếng. Xây dựng thương hiệu quốc gia không phải là nhiệm vụ của riêng nhóm nào mà cần có sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Theo ông Hà Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk): việc chọn lựa sản phẩm phát triển thành thương hiệu quốc gia cũng cần được tiến hành cẩn thận bởi không phải sản phẩm nào cũng có thể làm được. Sau khi chọn lựa phải đảm bảo chất lượng, tạo ra sự khác biệt. Thêm vào đó, cần thiết phải đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu sản phẩm. Ông Hà Quang Tuấn nói: Chúng tôi cho rằng xây dựng thương hiệu tốt đi kèm với chất lượng của sản phẩm. Quan điểm làm thương hiệu của chúng tôi phải đi từ thực chất, từ sản phẩm phải có sản phẩm tốt, sản phẩm có sự khác biệt. Đối với doanh nghiệp Hanoimilk xác định rõ chiến lược phát triển thương hiệu của mình là đi vào phân khúc sữa dành cho trẻ em, đến nay, các sản phẩm sữa của chúng tôi được được 87 đến 95% được trẻ em lựa chọn.
Trong giai đoạn mới, sự phát triển của các thương hiệu, sản phẩm Việt Nam sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh và tăng cường quyền lực mềm quốc gia cùng với chính sách hội nhập của Chính phủ. Do đó quan tâm, đầu tư, quảng bá và có chiến lược cụ thể cho những sản phẩm có thương hiệu chất lượng, giúp doanh nghiệp không những ổn định tại thị trường trong nước mà còn vươn xa ra quốc tế./.