Cạnh tranh thương mại không bình đẳng gây ra nhiều xung đột
VOV.VN - Nhiều xung đột đã xảy ra khi có sự va chạm của các mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (gọi tắt là APEC), Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC quốc tế tổ chức “Hội thảo APEC tăng cường thương mại số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Vậy đâu là những thách thức và cơ hội phát triển thương mại số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ? Trong 2 ngày (17 và 18/1), tại Hà Nội, các chuyên gia sẽ chia sẻ kinh nghiệm giữa các nền kinh tế APEC, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể tận dụng cơ hội phát triển thương mại số.
Thương mại điện tử xuyên biên giới không còn là khái niệm quá xa lạ, khi các mô hình của nền kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh mẽ trong một vài năm trở lại đây. Những nhà cung cấp nền tảng dịch vụ dựa vào công nghệ thậm chí không có cơ sở kinh doanh, không sở hữu tài sản hữu hình mà chỉ là đơn vị cung cấp nền tảng kết nối số từ nước ngoài vào Việt Nam như Agoda, Booking.com, Grab, Airbnb,...
Thời gian gần đây vụ kiện thu hút nhiều sự chú ý của dư luận giữa Vinasun và Grab chính là một minh chứng về xung đột trong thương mại. (Ảnh minh họa: KT) |
Trong khi đó, thời gian gần đây vụ kiện thu hút nhiều sự chú ý của dư luận giữa Vinasun và Grab chính là một minh chứng. Thực chất của sự "xung đột" này không chỉ là sự cạnh tranh không bình đẳng giữa một doanh nghiệp taxi truyền thống với một hãng taxi công nghệ hoạt động xuyên biên giới, bản chất đó là sự va chạm của các mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ.
Vì vậy, với mong muốn cung cấp những kinh nghiệm, chia sẻ những thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xu thế cạnh tranh mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới, “Hội thảo APEC tăng cường Thương mại số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” đã tập trung đưa ra các khuyến nghị về cách tận dụng các cơ hội trong xu thế phát triển thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Bình Minh - Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - cho biết, thương mại điện tử là lĩnh vực hấp dẫn nên ai cũng nghĩ là kiếm được lợi thế ngay sẽ là một sai lầm. Bởi khi tiếp cận lĩnh vực này sẽ thấy rất nhiều vấn đề gây chán nản nên khi xác định mỗi một mô hình kinh doanh mới, cần phải học hỏi rất nhiều.
“Giống như khi học một công nghệ mới, nếu làm chủ được nó chúng ta sẽ có lợi thế. Doanh nghiệp cần phải nghiêm túc đặt ra lộ trình có ứng dụng hay không, sẽ học tập và nghiên cứu như thế nào, trong thời gian bao lâu để có thể đuổi kịp những người đã chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Doanh nghiệp vừa và nhỏ không đáng lo khi vào thị trường sau nhưng cần phải chuẩn bị chu đáo. Nếu chuẩn bị kỹ và có nhận thức đúng đắn các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đi xa”, ông Minh cho biết.
Cần làm gì và để có thể chuẩn bị chu đáo để bước vào thị trường thương mại điện tử vô cùng hấp dẫn, các chuyên gia đến từ Đài Loan, Trung Quốc, New Zealand, Canada… đã chia sẻ kinh nghiệp, khi tham gia kinh doanh các dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đặc biệt, với các doanh nghiệp đến từ Đài Loan, Trung Quốc nếu giỏi tiếng Anh chính là một trong những cơ hội quan trọng, giúp họ có thể tham gia phát triển các nền tảng dịch vụ xuyên biên giới. Ngoài ra, với những thách thức về bảo mật dữ liệu trong kinh doanh cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần quan tâm hàng đầu.
Bà Alisha Clancy, Quản lý Chương trình Tăng cường đối tác APEC của Canada lưu ý, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tập trung phát triển công nghệ, nên thành lập các Trung tâm nghiên cứu và Phát triển. Quỹ đổi mới chiến lược Canada đã xây dựng chiến lược hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia thị trường xuất khẩu, thông qua các chương trình tập huấn về cách thức kinh doanh, tham gia các giao dịch điện tử,…
Bên cạnh đó, Cơ quan về các vấn đề toàn cầu của Canada cũng không ngừng giúp đỡ các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, hỗ trợ các sáng kiến liên quan đến thương mại số,… đến nay đã hỗ trợ được tổng số tiền là 950 triệu USD cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này.
Các chuyên gia tham dự “Hội thảo APEC tăng cường Thương mại số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” còn hướng dẫn các cách thức tham gia các dịch vụ dùng chung, hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác cũng có chung lĩnh vực kinh doanh, kể cả việc chia sẻ không gian làm việc, để cắt giảm chi phí thuê trụ sở…
Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia thương mại số nên tập trung tiếp cận các chính sách quan trọng của các cơ quan quản lý Nhà nước, nên thuê các dịch vụ cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin, bảo vệ dữ liệu… để tiết kiệm chi phí./.
Các quan chức APEC hướng tới tạo thuận lợi cho thương mại số