Doanh nghiệp làm gì để vượt rào cản thương mại?
VOV.VN - Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về pháp luật và các quy định về thương mại quốc tế để tránh mất lợi thế cạnh tranh.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, Việt Nam đã và đang đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nông sản Việt Nam, với mức thuế suất 0%.
Tuy nhiên, các rào cản thương mại tại các thị trường sẽ ngày một nhiều hơn, gây sức ép với nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Vậy các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần phải làm gì để vượt qua các rào cản thương mại và thêm nhiều thị trường mới?
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) về vấn đề này.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sức ép thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015?
Ông Nguyễn Phương Nam: Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất nông sản, thủy sản của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, chưa quan tâm đúng mức tới quy trình kiểm dịch và an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh.
Nếu các doanh nghiệp buông lỏng công tác kiểm dịch và đảm bảo an toàn thực phẩm thì rất dễ bị cấm không cho nhập khẩu vào đất nước họ. Đây là vấn đề về kỹ thuật nuôi trồng.
PV: Theo dõi các vụ kiện chống bán phá giá gần đây đối với sản phẩm nông sản xuất khẩu cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam thiếu kiến thức và luôn bị động trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật thương mại. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Phương Nam: Các doanh nghiệp tham gia vào quá trình nuôi trồng và xuất khẩu các mặt hàng nông sản, chưa nắm rõ các quy định pháp luật của các nước sở tại, trong đó có quy định về rào cản kỹ thuật cũng như các biện pháp phòng vệ của các nước đó hay quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.
Vì vậy, khi xảy ra các các vụ kiện hoặc là bị tạm ngừng xuất khẩu thì doanh nghiệp Việt Nam gần như ở thế bị động và không có động thái phản ứng kịp thời, dẫn tới dễ bị thua thiệt trên thương trường.
Theo tôi, nếu doanh nghiệp không nâng cao tầm nhận thức về pháp luật quốc tế cũng như các quy định về thương mại quốc tế thì có khả năng mất đi lợi thế cạnh tranh. Từ đó, chúng ta rất dễ bị các nước nhập khẩu áp thuế suất nhập khẩu cao và bị mất thị trường.
PV: Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đối phó như thế nào với các rào cản thương mại, nhất là trong việc phòng chống các vụ kiện chống bán phá giá của nước nhập khẩu?
Ông Nguyễn Phương Nam: Các doanh nghiệp phải có ý thức cao hơn nữa về nâng cao hiểu biết các kiến thức pháp luật quốc tế cũng như các quy định chung của WTO.
Các doanh nghiệp chủ động xây dựng đội ngũ, bộ máy tư vấn pháp luật, xây dựng bộ máy pháp chế cần lựa chọn những công ty tư vấn luật am hiểu về luật pháp về thương mại quốc tế.
Tiếp đó, các doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan, trong đó cụ thể là Cục quản lý cạnh tranh. Khi các nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm của mình thì các doanh nghiệp cần chủ động tham gia tích cực phòng chống và phục vụ quá trình điều tra cũng như công tác kháng kiện.
Nếu như né tránh thì các cơ quan điều tra và cơ quan khởi kiện của các nước kia sẽ quy chúng ta không hợp tác và sẽ áp mức thuế nhập khẩu rất cao, làm cho doanh nghiệp không còn khả năng vào thị trường này nữa./.
PV: Xin cảm ơn ông!./.