Phòng vệ thương mại: Năng lực doanh nghiệp còn yếu

Việt Nam đã ban hành 3 pháp lệnh về việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam

Thế nhưng, cho tới nay, chưa có biện pháp phòng vệ nào được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu nước ngoài. Lý do chính là các DN Việt Nam chưa coi đây là một công cụ bảo vệ mình giảm bớt tác động của tự do hóa thương mại.

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam liên tục phải đối mặt với các vụ kiện do doanh nghiệp nước ngoài áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ). Trong khi đó, năng lực phòng chống của doanh nghiệp còn hạn chế. Điều này đang có những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Gia tăng đáng lo ngại

Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã phải đối mặt với 2 vụ kiện chống bán phá giá: vụ thứ nhất đối với sản phẩm giày không thấm nước từ Canada, vụ thứ hai đối với mặt hàng túi nhựa đựng hàng hóa bán lẻ bằng sợi polyetylen từ Hoa Kỳ. Trong vụ kiện đối với mặt hàng túi nhựa, Hoa Kỳ đồng thời kiện cả chống bán phá giá và chống trợ cấp. Vụ việc này đang có nguy cơ trở thành một tiền lệ xấu đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường rộng lớn này. Một số mặt hàng khác cũng đang có nguy cơ cao bị kiện từ các thị trường EU, Argentina, Brazil...

3 khuyến cáo đối với doanh nghiệp

Thứ nhất, nên xếp các biện pháp phòng vệ thương mại mà nhà nhập khẩu có thể sử dụng là một rủi ro gặp phải trong quá trình SXKD, từ đó có phương án phòng chống tốt hơn. Thứ hai, khi bị khởi kiện, nên có ứng xử chủ động, tích cực, vì điều này đóng vai trò lớn trong việc hạn chế tác động xấu đối với DN. Thứ ba, có biện pháp phòng chống từ xa, tức là, thường xuyên theo dõi thị trường nhằm phát hiện nguy cơ bị kiện có biện pháp điều chỉnh thích hợp. (Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Nguyễn Đức Thành)

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) Nguyễn Đức Thành, thời gian gần đây, các vụ kiện đối với hàng hóa của Việt Nam tăng lên đáng lo ngại. Những mặt hàng bị khởi kiện tương đối đa dạng, không chỉ những mặt hàng có kim ngạch lớn như giày dép, tôm cá mà còn cả những mặt hàng có kim ngạch nhỏ. Điều này cho thấy, những nhà nhập khẩu ngày càng quan tâm hơn tới việc bảo hộ thương mại nên áp dụng các biện pháp phòng trừ nguy cơ.

Trước đây, chỉ có các nước phát triển khởi kiện thì gần đây các nước đang phát triển cũng tăng cường áp dụng biện pháp này đối với Việt Nam như Ấn Độ, Peru, Ai Cập. Chỉ trong hơn 2 tháng qua, Ấn Độ đã chính thức có 3 quyết định áp thuế cuối cùng chống phá giá đối với hàng hóa Việt Nam sang thị trường này. Ông Nguyễn Đức Thành chia sẻ, đây là điều rất đáng lo ngại.

Hậu quả của các vụ kiện này, nhẹ thì giảm ngay lượng hàng xuất khẩu, nặng là mất trắng luôn thị trường do bị áp thuế quá cao. Trong 37 vụ kiện Việt Nam phải đối mặt từ năm 1994 tới nay, có trường hợp mất luôn thị trường khi DN vừa mới gây dựng được, đó là đèn huỳnh quang.

Doanh nghiệp chưa quan tâm tới phòng vệ thương mại

Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ là nhằm tránh những cú sốc thương mại có thể xảy ra, gây rủi ro cho sản xuất trong nước; hoặc để chống lại những hành vi thương mại không lành mạnh. Việt Nam đã ban hành 3 pháp lệnh về việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, thế nhưng, cho tới nay, chưa khởi động điều tra hay áp dụng biện pháp phòng vệ nào đối với các hàng hóa nhập khẩu nước ngoài.

Lý do, theo ông Thành là: thứ nhất, các DN Việt Nam chưa coi đây là một công cụ bảo vệ mình giảm bớt tác động của tự do hóa thương mại. Thứ hai, sự hợp tác giữa các DN chưa cao, thậm chí còn cạnh tranh lẫn nhau. Thứ ba, do việc quản lý số liệu của các cơ quan chức năng chưa thật tốt nên khi muốn khởi kiện rất khó vì một trong những yêu cầu của khởi kiện là phải chứng minh sai phạm. Thứ tư là tính chuyên môn hóa chưa cao, nhiều DN vừa sản xuất, vừa nhập khẩu nên đôi khi việc sử dụng biện pháp này lại chống lại chính DN.

Một vấn đề gây khó hiện nay là hàng Trung Quốc đang lấn át hàng hóa trong nước nhưng chủ yếu được nhập khẩu qua đường biên nên rất khó áp dụng công cụ này. Theo ông Thành, rất mừng là gần đây, nhiều DN đã bắt đầu quan tâm tới vấn đề này, một vài hiệp hội đã tích cực nhờ Cục tư vấn để từng bước xây dựng hồ sơ áp dụng các biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước. Ví như Hiệp hội Thép, trước tình trạng thép Trung Quốc lấn át các DN thép trong nước, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép cho biết, sắp tới, Hiệp hội sẽ sử dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng nhập khẩu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên