Giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn
VOV.VN - Ngoài việc thay đổi cơ chế chính sách, bản thân các doanh nghiệp này cũng phải xem xét phải nâng cao năng lực.
Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (DNNVV) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, song lại đang gặp nhiều khó khăn, do đó cần có cơ chế, chính sách cụ thể của Chính phủ cũng như các tổ chức tín dụng để giải quyết những khó khăn đó. Đây là ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo “Đối thoại công – tư: Giải quyết những rào cản của doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong tiếp cận vốn”, do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức trong 2 ngày 27 và 28/3, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết: Tại các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, điển hình ở Việt Nam, hiện có hơn 90% doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Khối doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với tăng trưởng kinh tế mà còn đối với việc ổn định an sinh xã hội, tạo việc làm và phát triển bền vững của một quốc gia.
Tuy nhiên, khối doanh nghiệp này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tiếp cận nguồn vốn. Nguyên nhân là khối doanh nghiệp này có quy mô nhỏ, khả năng sinh lời để tái đầu tư ít, trong khi chưa thể huy động vốn trên thị trường thông qua chứng khoán, cổ phiếu hay trái phiếu.
Ông Sergio Arzeni, Giám đốc Trung tâm Doanh nhân, Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) cho rằng, có tới 90% việc làm rơi vào khu vực doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nên cần thiết phải có cơ chế chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp này phát triển.
“Cần có sự hỗ trợ của định chế tài chính để giúp DNNVV duy trì dòng vốn. DNNVV cũng cần được trang bị kỹ năng về kinh doanh để hoạt động hiệu quả hơn. Các chính sách đưa ra nhưng cần phải xem làm thế nào để thực hiện được chính sách đó. Cấp vốn xong cần phải có cơ chế theo dõi, giám sát và đánh giá mang tính độc lập và khách quan để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả…”, ông Sergio Arzeni nêu ý kiến.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng, để giúp các DNNVV vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần tiếp tục rà soát, đổi mới cơ chế chính sách tạo môi trường thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn, khuyến khích đầu tư.
Song để làm được việc trên, theo ông Cao Sỹ Kiêm cần tập trung vào một số vấn đề: Hệ thống luật lệ phải cụ thể hơn để đảm bảo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp với các thành phần kinh tế khác, kể cả đất đai, tiền vốn, đào tạo nhân lực. Trong quá trình thực hiện phải chú ý đến những vấn đề khi doanh nghiệp chưa tháo gỡ được hoặc còn khó khăn phải tháo gỡ kịp thời để cho họ có điều kiện thời cơ phát triển.
Cùng với đó, trong quá trình điều hành phải đảm bảo kỷ luật, kỷ cương điều hành, công khai minh bạch, đảm bảo sự bình đẳng của tất cả các thành phần, tạo điều kiện cho các yếu tố trong xã hội được bình đẳng trong việc tự do cạnh tranh.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ tháng 5/2012 đến nay, NHNN đã 8 lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV từ mức lãi suất 15%/năm xuống còn tối đa là 8%/năm. Ngoài ra, NHNN còn cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lai thời hạn trả nợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, DNNVV vẫn là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên. Vấn đề còn lại là bản thân các doanh nghiệp này phải nâng cao khả năng quản lý kinh doanh, công nghệ sản xuất, lựa chọn phương án kinh doanh hiệu quả./.