Mở cửa thị trường bán lẻ - Doanh nghiệp nội lo giữ thị phần
VOV.VN - Các doanh nghiệp nội địa cần chuẩn bị chiến lược và bước đi phù hợp để không bị thua ngay trên chính “sân nhà”.
Sau hơn 6 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ngành bán lẻ Việt Nam phát triển với tốc độ khá nhanh. Đến nay, hầu hết các thương hiệu bán lẻ hàng đầu thế giới như Metro, Big C, Lotte…đã có mặt tại Việt Nam. Mới đây, Tập đoàn Walmart của Mỹ - một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới cho biết kỳ vọng sẽ thiết lập một hệ thống bán lẻ mới tại Việt Nam. Trước cuộc cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa phải rất nỗ lực để mở rộng hệ thống, tăng thị phần.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị, đến nay, Công ty Cổ phần Nhất Nam (Fivimart) đã có 15 siêu thị tại Hà Nội và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30 siêu thị trên khắp cả nước. Tuy nhiên, việc mở rộng hệ thống đối với nhà bán lẻ nội không phải đơn giản.
Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Fivimart cho biết, do tiềm lực thị trường bán lẻ của Hà Nội còn rất lớn, nên trong vòng 5 năm tới, Fivimart sẽ phát triển và thành lập thêm siêu thị nữa phục vụ nhu cầu người dân. Fivimart sẽ chú trọng phát triển ra các tỉnh, thành cách Hà Nội 50km do tiềm lực kinh tế chưa đủ, và hướng đến đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình và trên trung bình.
Việc mở rộng hệ thống đối với nhà bán lẻ nội không phải đơn giản. (Ảnh: Việt Hà) |
Một con số đáng giật mình là doanh số của siêu thị nước ngoài thường lớn hơn từ 20-30 lần so với doanh nghiệp nội. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần có sự liên kết, có chiến lược bước đi phù hợp trước các đối thủ vốn có tiềm lực mạnh về tài chính, nhân lực, nguồn cung cấp…
Mặc dù 4 doanh nghiệp lớn trong hệ thống bán lẻ Việt Nam gồm: Hapro, Satra, Phú Thái và Sài Gòn Co-op từng “bắt tay nhau” xây dựng một thương hiệu lớn, nhằm tạo thế cân bằng với các tên tuổi bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay mối liên kết này không được như kỳ vọng.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, ngoài nguyên nhân về vốn, nhân lực…thì còn do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ.
“Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam mong muốn có những chính sách và quy định mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Đơn cử như hỗ trợ quỹ đất, địa điểm vì hiện nay thuê mặt bằng bán lẻ rất khó khăn. Các cơ quan nhà nước cũng cần tập trung xây dựng khoảng 20 nhà bán lẻ hàng đầu hoặc 10 doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao, tạo sức lan tỏa mạnh”, bà Loan nói.
Theo Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2012, thị trường Việt Nam có khoảng 700 siêu thị, trong đó các tập đoàn nước ngoài mới chỉ chiếm 40%. Còn trong số khoảng 125 trung tâm thương mại, tập đoàn nước ngoài chiếm 25%.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, hiện chưa thể nói doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị phần. Vì ngoài hệ thống bán lẻ hiện đại của các doanh nghiệp nội, thì kênh phân phối truyền thống qua các chợ dân sinh vẫn chiếm 75% và vẫn còn hơn 1 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên cả nước.
Tuy nhiên, chỉ còn 1 năm nữa (năm 2015 là thời điểm mở cửa hoàn toàn đối với lĩnh vực bán lẻ), nhiều ý kiến lo ngại trước việc các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc thị phần của doanh nghiệp bán lẻ trong nước bị thu hẹp. Để giúp doanh nghiệp bán lẻ nội địa, Chính phủ cần ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ khối doanh nghiệp này.
“Trong lĩnh vực phân phối những năm sắp tới cần có những chính sách hỗ trợ. Bên cạnh chính sách luật pháp tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cần có chính sách nhằm thực hiện hộ trình mở cửa theo cam kết WTO; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ vừa vừa, như hỗ trợ đầu tư, tín dụng cho doanh nghiệp tham gia hạ tầng thương mại, chương trình bình ổn giá, kết nối cung cầu…để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tạo chuỗi từ sản xuất đến lưu thông, phân phối”, ông Quyền nói.
Mặc dù hiện nay, doanh nghiệp ngoại chỉ chiếm 3,5% trong tổng mức bán lẻ tại Việt Nam, nhưng lại có nhiều lợi thế và đang không ngừng lớn mạnh. Các chuyên gia cho rằng, không thể chủ quan trước các “đối thủ” ngoại, nhất là trong xu thế mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ tới đây.
Dó đó, bên cạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ nội địa phát triển bền vững, thì chính các doanh nghiệp nội địa cũng cần chuẩn bị chiến lược và bước đi phù hợp để không bị thua trên “sân nhà”./.