Thương vụ cần tăng tính chủ động hỗ trợ doanh nghiệp
VOV.VN - Doanh nghiệp luôn mong muốn được kết nối thực sự hiệu quả qua kênh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong hoạt động xuất khẩu.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Hệ thống Thương vụ đã trở thành cầu nối hiệu quả giữa doanh nhân người Việt ở nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, hướng các doanh nhân người Việt ở nước ngoài tham gia đưa hàng của Việt Nam ra nước ngoài, trong đó có việc đưa trực tiếp vào các kênh phân phối hoặc vào các khu chợ, cửa hàng của người Việt. Một số Thương vụ đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương trong việc hình thành các Hội doanh nhân người Việt ở nước sở tại...
Doanh nghiệp “khát” thông tin
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam, thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại tại nhiều quốc gia luôn nhận được sự trợ giúp tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, đặc biệt là bộ phận Thương vụ. Bộ phận thương vụ đã gắn kết và hỗ trợ hiệp hội cung cấp thông tin của các doanh nghiệp nước sở tại, phù hợp với nhu cầu và khả năng cung ứng của doanh nghiệp hai nước.
“Bộ phận Tham tán tư vấn cho các doanh nghiệp Việt về văn hóa doanh nhân của nước sở tại, các chính sách kêu gọi đầu tư và những rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp trong nước chủ động vượt qua được những rào cản. Hy vọng trong thời gian tới, bộ phận Thương vụ sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình, chủ động hơn trong việc cung cấp và chia sẻ những thông tin về những rào cản kỹ thuật, về chống bán phá giá và cả những khó khăn khác để các doanh nghiệp trong nước chủ động, có các biện pháp để vượt qua và xuất khẩu thành công”, bà Minh cho biết.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam. |
Bà Lưu Kim Anh, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty nội thất Bắc Âu, chuyên xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ nội thất sang các thị trường Mỹ, Anh, Nhật cho biết, từ trước đến nay doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài đều phải thông qua các cơ quan trung gian nên chi phí tăng cao. Trước nhu cầu đầu tư mở rộng thị trường, doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận khách hàng trực tiếp thông các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
“Để tiếp cận khách hàng ở các thị trường Mỹ, Anh, Bắc Âu…vai trò của các cơ quan tham tán là vô cùng quan trọng. Ngoài những giao dịch trực tuyến với khách hàng nước ngoài, doanh nghiệp rất mong muốn được các Thương vụ hỗ trợ nhiệt tình, cung cấp thông tin một cách chính xác về các doanh nghiệp nước sở tại, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thông qua các Chương trình xúc tiến thương mại, các hội chợ, triển lãm... để giới thiệu sản phẩm và khai phá thị trường”, bà Kim Anh chia sẻ.
Trách nhiệm Thương vụ ngày càng lớn
Trong bối cảnh năm 2018 và xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang được Việt Nam đàm phán, trách nhiệm đặt ra cho các cơ quan Thương vụ càng trở nên nặng nề, đòi hỏi các bộ phận này cần nâng cao tính chủ động, hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, ngành hàng, địa phương, tham mưu chính sách, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu.
Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia. |
“Bản tin Tiếng Anh gửi cho Hiệp hội của Australia được Thương vụ hết sức chú trọng việc quảng bá miễn phí cho doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Thương vụ xây dựng website và mạng xã hội tương tác với các doanh nghiệp về các hoạt động hỗ trợ nên được các doanh nghiệp theo dõi và đánh giá cao”, bà Thúy cho biết.
Tuy nhiên, bà Thúy cũng thẳng thắn thừa nhận, các Thương vụ nói chung chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu giao thương ngày càng tăng giữa các nước. Với khối lượng công việc lớn nhưng nguồn nhân lực mỏng cũng như nguồn kinh phí hạn chế nên bản thân các Thương vụ phải nỗ lực rất nhiều.
Ông Đào Việt Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cũng đánh giá, việc thiếu thông tin về nhu cầu thị trường, quy định, chính sách thương mại, hệ thống thương nhân, thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân bản địa luôn là hạn chế gây cản trở lớn cho hoạt động giao thương, hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cũng như việc xây dựng chiến lược thâm nhập, tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách bài bản.
“Thương vụ tại Trung Quốc đã tập trung phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước tổ chức nhiều buổi giới thiệu thông tin về thị trường, nhằm trực tiếp trang bị những kiến thức, thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Việt Anh chia sẻ./.
Hệ thống Thương vụ góp phần “chắp cánh” cho hàng Việt xuất ngoại