Đóng cửa 12 cửa hàng xăng tại Hà Nội
VOV.VN - Hôm nay, hầu hết các cửa hàng xăng thuộc diện phải đóng cửa đều đã thông báo ngừng không kinh doanh theo đúng quy định.
Hôm nay (1/11), ngày đầu tiên thực hiện Quyết định của thành phố Hà Nội di dời 12 cửa hàng xăng dầu không đảm bảo an toàn chính thức có hiệu lực. Theo nghi nhận của phóng viên Đài TNVN, hầu hết các cửa hàng xăng đều đã đóng cửa và thông báo ngừng không kinh doanh theo đúng quy định.
Cửa hàng xăng dầu 2D Khâm Thiên ngừng hoạt động theo Quyết định |
Theo quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, đúng 0h sáng 1/11, 12 cửa hàng xăng dầu không đủ điều kiện kinh doanh phải di dời gồm: 280 Đội Cấn, 179 La Thành, 2D Khâm Thiên, cửa hàng xăng dầu Kim Giang, cửa hàng Formach Tam Hiệp; Cửa hàng xăng dầu Thạch Cốc (huyện Sóc Sơn); Cửa hàng xăng dầu Quang Lãng (huyện Phú Xuyên); Cây xăng 174 Hà Huy Tập; Cửa hàng xăng dầu 81 (huyện Gia Lâm); Cửa hàng xăng dầu của ông Nguyễn Văn Đức, (huyện Mê Linh); Cửa hàng xăng dầu HTX Đồng Tâm (huyện Hoài Đức); Cây xăng doanh nghiệp tư nhân Vân Anh (huyện Mỹ Đức).
Các cửa hàng thuộc diện phải di dời, giải tỏa đã chính thức thông báo đóng cửa ngừng hoạt động, do không bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy và an toàn giao thông hoặc nằm trong khu dân cư, gần chợ, diện tích nhỏ hẹp không thể cải tạo được… Việc các cửa hàng xăng không đảm bảo yêu cầu đóng cửa, di dời ra khỏi khu dân cư được người dân đồng tình ủng hộ.
Ông Đặng Thế Quang, nhà ở gần cây xăng 2D Khâm Thiên, quận Đống Đa cho biết: “Tôi tán thành việc di dời vì cây xăng ở trong khu dân cư đông đúc. Cây xăng ở cạnh nhà mua thì rất thuận tiện, tuy nhiên nó cũng gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo sức khỏe cho người dân và không an toàn”.
Do các cửa hàng này treo bảng thông báo ngừng bán đột ngột nên nhiều khách hàng tới để mua xăng không khỏi ngỡ ngàng và đi tìm cửa hàng khác. Ông Lê Công Tình, Quận Ba Đình cho biết: “Theo tôi, trước khi đóng cửa, cây xăng nên thông báo cho người dân biết, đỡ mất thời gian”.
Sáng nay, các Đội quản lý thị trường tại các quận, huyện có cửa hàng xăng phải đóng cửa đã tổ chức các đoàn tiến hành thanh kiểm tra, giám sát việc thực hiện di dời. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phát hiện một số cửa hàng ghi bảng thông báo “tạm ngừng bán xăng” mà không phải là “thông báo ngừng không bán xăng” dẫn đến khách hàng hiểu lầm do mất điện hoặc hết xăng./.