Dự thảo Nghị định (sửa đổi) về quản lý dịch vụ PT-TH khó khả thi
VOV.VN - Dự thảo Nghị định (sửa đổi) về quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình không chỉ tạo thêm giấy phép con mà còn là "bất khả thi" đối với doanh nghiệp.
Như báo điện tử VOV đã đề cập, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) soạn thảo có nhiều nội dung thiếu rõ ràng và không thực tiễn, gây nhiều băn khoăn cho một số đơn vị hoạch định chính sách, doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp cũng như doanh nghiệp có ý định tham gia vào lĩnh vực nội dung số trên môi trường internet.
Dự thảo Nghị định (sửa đổi) về quản lý dịch vụ PT-TH khó khả thi. (Ảnh minh họa: KT). |
Bất khả thi với 30% chương trình trong nước trên nền tảng internet
Theo nhiều doanh nghiệp lĩnh vực nội dung số, một số sửa đổi của Dự thảo Nghị định là "bất khả thi" đối với doanh nghiệp. Nếu được thực hiện có thể "bóp nghẹt" doanh nghiệp kinh doanh cũng như làm giảm cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ văn hóa, giải trí của người dùng.
Cụ thể, theo điểm d, khoản 3, điều 21 của Dự thảo Nghị định sửa đổi "tỷ lệ chương trình trong nước trong tổng số chương trình cung cấp trên dịch vụ theo yêu cầu trên mạng internet không thấp hơn 30%". Quy định này được xem như can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chi phối thị trường.
Ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam và Hiệp hội Truyền hình đa kênh Châu Á cho rằng, nếu quy định này áp dụng với phát thanh - truyền hình truyền thống thì có lý, nhưng không thể áp dụng được với dịch vụ OTT do bản chất hoàn toàn khác nhau.
"Bản chất của OTT là dịch vụ trên môi trường số, không chỉ dừng ở 24h phát sóng mà là hàng triệu giờ và được cập nhật liên tục từng phút một. Do đó, để thực hiện được yêu cầu này chỉ có hai khả năng: một là sản xuất nội dung của Việt Nam phải tăng trưởng đột biến; hai là giảm nội dung khai thác từ nước ngoài. Điều này dẫn đến việc hạn chế phát triển của doanh nghiệp và giới hạn tiếp cận dịch vụ đối với người dùng", ông Vũ Tú Thành cho hay.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Khương, đại diện Viettel TV cho rằng, doanh nghiệp cần chi phí để duy trì phát triển nội dung, trong đó thị trường và nhu cầu người dùng mới quyết định được thành phần nội dung của nền tảng.
"Nếu chúng tôi thực hiện đúng quy định 30% nội dung chương trình là trong nước nhưng lại không hay, không hấp dẫn thì khách hàng không đến với chúng tôi. Chúng tôi không thể thu phí để duy trì doanh nghiệp chứ chưa nói đến phát triển", ông Khương cho hay.
Ông Nguyễn Trinh Thiết, đại diện VNG lại bày tỏ ý băn khoăn vì phạm vi tác động của dự thảo Nghị định liên quan đến tất cả nội dung hình ảnh âm thanh, dẫn đến nhiều đối tượng khác bị ảnh hưởng. Ông Thiết đặt câu hỏi phạm vi Nghị định liệu có áp dụng đối với các nền tảng trung gian cung cấp nội dung của người dùng đưa lên như mạng xã hội hay không, vì vấn đề này chưa được Dự thảo làm rõ.
Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam cũng cho rằng nội dung Dự thảo Nghị định phức tạp và mở rộng quá nhiều, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, thậm chí đề cập đến các lĩnh vực ngoài phạm vi của Bộ TT&TT như lĩnh vực phim điện ảnh hay yêu cầu tỷ lệ tối thiểu 30% các chương trình trong nước... khiến doanh nghiệp không rõ Bộ TT&TT hay Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ quản lý vấn đề này.
"Tôn chỉ của Bộ TT&TT đưa ra là giảm thủ tục hành chính nhưng trong Dự thảo Nghị định lại thấy bóng dáng nhiều giấy phép con, tăng điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. Vì vậy những điều khoản này cần phải được xem xét làm rõ và cân nhắc kỹ lưỡng", ông Nhiêm kiến nghị.
Luật sư Đặng Thanh Sơn, chuyên gia về luật và chính sách từ Công ty Baker McKenzie lo ngại: Một số thay đổi trong Dự thảo Nghị định sẽ tạo thêm các gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và là rào cản cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nội dung số tại Việt Nam.
"Các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường sẽ cần huy động một nguồn lực lớn để đảm bảo công tác quản lý và triển khai các quy định, đặc biệt là quy định yêu cầu đăng ký thêm giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh - truyền hình trả tiền và biên tập, biên dịch. Quy định không được phép bao gồm nội dung quảng cáo được cài đặt sẵn từ nước ngoài, các nội dung quảng cáo (nếu có) phải được cài đặt tại Việt Nam cũng có thể vi phạm cam kết của Việt Nam theo WTO", luật sư Đặng Thanh Sơn phân tích.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã từng phát biểu tại hội thảo Smart IoT Vietnam tổ chức mới đây về cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Theo Bộ trưởng, CMCN 4.0 là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, các công nghệ mới thay đổi ngành, gọi là X-Tech, như Fintech, EduTech, AgriTech, thường là sự sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cách tiếp cận chính sách theo kiểu truyền thống thường là: Quản được thì mở, quản đến đâu thì mở đến đó, không quản được thì đóng. Cách tiếp cận mới mà nhiều nước theo, gọi là cách tiếp cận Sandbox: Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển. Nhưng trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng, mà thường là không nhiều như lúc đầu các Nhà quản lý dự đoán. Sau đó mới hình thành chính sách, quy định quản lý.
"Đây là một trong những cách tiếp cận phù hợp với cuộc CMCN 4.0, phù hợp để đón nhận các mô hình kinh doanh mới, để đón nhận các sáng tạo đổi mới, các sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh./. Quản lý phát thanh - truyền hình: Lo lặp lại chuyện Grab và Vinasun?
Khi công nghệ phát triển trước luật, cần phá bỏ cách nghĩ truyền thống