Đừng coi Trung Quốc là thị trường dễ tính

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Đã đến lúc phải thay đổi tư duy, đừng coi Trung Quốc là một thị trường dễ tính".

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Song gần đây kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm. Vậy đâu là nguyên nhân?

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sụt giảm

Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với nông thủy sản của Việt Nam, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trung Quốc hiện đang là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau quả, gạo và sắn các loại; đứng thứ 2 về hạt điều; đứng thứ 3 về thủy sản; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 12 về cà phê..., đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác. 

Theo nhận định, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc thời gian tới sẽ tiếp tục khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Trung Quốc là một thị trường cực kỳ tiềm năng cho nông sản Việt Nam. Với dân số đông, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, đây sẽ là một thị trường siêu khổng lồ nếu Việt Nam biết đáp ứng các yêu cầu mới từ phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,64 tỷ USD, giảm 7,9% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhiều mặt hàng trước đây có sự tăng trưởng đột biến đã liên tục sụt giảm như: Rau quả, sắn và sản phẩm sắn, gạo, cà phê,... sau khi giảm 5,5% trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng đầu năm 2019 lại tiếp tục giảm 10,5%.

Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp phải các khó khăn, thách thức. Bởi các nguyên nhân như: thị trường thế giới và khu vực hiện nay đang có nhiều biến động. Sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 của nước này không khởi sắc; tác động từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung dẫn tới xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nhập khẩu nông sản làm nguyên liệu để chế biến và tái xuất khẩu, đồng NDT giảm giá; tác động từ các chính sách mới và thực thi chính sách từ năm 2018 của các cơ quan quản lý Trung Quốc, tăng cường kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thực phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, chính sách thương mại biên giới được siết chặt theo hướng ngày càng đi vào chính quy, thu hẹp diện mặt hàng trao đổi cư dân biên giới; tăng cường công tác thực thi pháp luật, thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như: tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với thủy sản của Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)

Lý giải về nguyên nhân sụt giảm này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, thời gian qua, xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc sụt giảm, chưa thích nghi được với những yêu cầu, điều kiện đặt ra từ phía Trung Quốc xuất phát mấu chốt từ nhận thức chưa đúng đắn về thị trường. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, Trung Quốc là thị trường “dễ tính”, từ đó sản xuất chạy theo số lượng, không quan tâm đến nhu cầu thị trường cụ thể ra sao. Một số mặt hàng nông sản như gạo, thanh long... được sản xuất ra với số lượng quá lớn nhưng chất lượng phẩm cấp thấp hoặc trung bình.

Người dân và doanh nghiệp sản xuất hàng nhưng không biết bán cho ai, đối tác hay người tiêu dùng cần loại hàng như thế nào, và khi không bán được thì sẽ đem bán đổ bán tháo. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp cho rằng, xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch nên không quan tâm đến nhu cầu, các tiêu chuẩn. Sản phẩm nhiều khi sử dụng bao bì nhãn mác tùy tiện, bọc lót thô sơ bằng rơm rạ. Doanh nghiệp cũng không quan tâm tìm hiểu xem mặt hàng đã được Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch hay chưa. 

Đặc biệt, các vấn đề như yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hoá, đăng ký danh sách doanh nghiệp xuất khẩu,... đã được cơ quan thương vụ phổ biến từ năm 2012 nhưng nhiều doanh nghiệp Việt chưa thực sự quan tâm, chưa có thói quen quan tâm tìm hiểu. 

Phải thay đổi tư duy

Tại Hội nghị Phát triển xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc vừa diễn ra, các chuyên gia cho rằng, để phát huy, tận dụng hiệu quả các cơ hội, lợi thế nêu trên, góp phần giữ vững và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc thì vấn đề cần phải được các cấp, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người nuôi trồng nông thủy sản đặc biệt coi trọng, quan tâm đó là nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường này. Nếu không nhận dạng được những thay đổi này thì hiệu quả xuất khẩu sẽ thấp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những thành tích xuất khẩu nông sản, thủy sản thời gian qua, đồng thời cũng chỉ ra những bất cập.....vấn đề tồn tại, hạn chế, chưa thực sự bền vững trong khâu tổ chức sản xuất, xuất khẩu, khó kiểm soát vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin, nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu, nhu cầu của thị trường, giữ tập quán kinh doanh chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, không ổn định về thị trường, dẫn tình trạng tồn đọng, ùn ứ trong nước và ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả xuất khẩu.

Còn theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hoạt động xuất khẩu nông sản cần chú trọng về công tác quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất hàng nông thủy sản, coi trọng, quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thủy sản nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật, đồng thời thông tin, định hướng, hỗ trợ cho người nông dân, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu, cũng như các chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi. 

“Những thay đổi từ phía thị trường này cho thấy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, đừng coi Trung Quốc là một thị trường dễ tính, đừng giữ mãi thói quen xuất khẩu tiểu ngạch bởi chính sách kiểm soát nhập khẩu của họ là nhất thể hóa theo chính ngạch”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó
Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó

Trung Quốc đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn với nông sản Việt Nam khiến nhiều mặt hàng có nguy cơ gặp khó khăn.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó

Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó

Trung Quốc đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn với nông sản Việt Nam khiến nhiều mặt hàng có nguy cơ gặp khó khăn.

Cảnh báo những khó khăn đối với các DN xuất khẩu sang Trung Quốc
Cảnh báo những khó khăn đối với các DN xuất khẩu sang Trung Quốc

VOV.VN - Doanh nghiệp trong nước khi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc phải thực hiện hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế.

Cảnh báo những khó khăn đối với các DN xuất khẩu sang Trung Quốc

Cảnh báo những khó khăn đối với các DN xuất khẩu sang Trung Quốc

VOV.VN - Doanh nghiệp trong nước khi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc phải thực hiện hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế.

Cơ hội và thách thức cho ngành sữa Việt khi xuất khẩu sang Trung Quốc
Cơ hội và thách thức cho ngành sữa Việt khi xuất khẩu sang Trung Quốc

VOV.VN - Ngày 26/4, các văn bản quan trọng đánh dấu việc sản phẩm sữa Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc đã được trao.

Cơ hội và thách thức cho ngành sữa Việt khi xuất khẩu sang Trung Quốc

Cơ hội và thách thức cho ngành sữa Việt khi xuất khẩu sang Trung Quốc

VOV.VN - Ngày 26/4, các văn bản quan trọng đánh dấu việc sản phẩm sữa Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc đã được trao.