Đường bay thẳng và những lợi ích chưa tính hết

VOV.VN - Rút ngắn cự ly và thời gian nếu tính vào phí trả tiền thuê máy bay, phi công, lao động, nhiên liệu... sẽ là một con số tiết kiệm rất lớn.

Theo kết quả được công bố từ Cục Hàng không Việt Nam, quá trình bay thử nghiệm với buồng lái giả định (SIM) đường bay thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất qua không phận hai nước Lào và Campuchia đã rút ngắn thời gian bay được 5 phút so với đường bay hiện hữu, tiết kiệm được quãng đường 85,2km và 190kg dầu. Mặc dù đường bay thẳng đã rút ngắn được đáng kể về cự ly, tuy nhiên số thời gian và nhiên liệu tiết kiệm lại khá “khiêm tốn” theo đánh giá của những người quan tâm, đặc biệt là các hãng hàng không.

Xem xét tối ưu hơn nữa kết quả bay

Không nghi ngờ kết quả bay thử nghiệm, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan này đã có văn bản đề nghị Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) kiểm tra lại kết quả bay thử nghiệm với tư cách đơn vị độc lập, để tính toán xem đường bay, phương thức bay mà Cục Hàng không Việt Nam đưa ra đã tối ưu hay chưa, cũng là để phía Nhật Bản tính toán xem có thể giúp rút ngắn được thêm thời gian bay hay không.

Đồng thời, ông Thanh cũng khẳng định, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai đường bay này, bởi đối với ngành hàng không, tiết kiệm được 5 phút bay đã là rất quý giá. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, phía Việt Nam sẽ phải giải quyết một số vấn đề khi bay qua không phận hai nước Lào, Campuchia như hạn chế mực bay, chi phí quá cảnh...

Đường bay hiện hữu (trái) và đường bay thử nghiệm. (Ảnh: KT)
Tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của việc triển khai đường bay thẳng, cựu phi công Mai Trọng Tuấn - người có ý tưởng và đề xuất đường bay thẳng từ 31 năm trước (năm 1983) cho biết, việc bay thử nghiệm đã khẳng định quyết tâm của Bộ GTVT trong việc triển khai đường bay này.

Trước kết quả bay thử nghiệm mới được công bố, ông Tuấn cho hay, ông không nghi ngờ và cũng không bất ngờ với những con số này. Mặc dù vậy, ông Tuấn cho rằng, nếu tính đúng về cự ly và thời gian cho máy bay, từ lúc máy bay cất cánh rời mặt đất đến lúc hạ cánh chạm đất (trong điều kiện bình thường), có thể thông số sẽ tăng thêm một ít nữa (quãng 10km về cự ly và 1 phút về thời gian).

“Hướng cất cánh cơ bản từ sân bay Tân Sơn Nhất là 250 độ, từ Đông sang Tây, sau khi cất cánh lại phải vòng ngược về phía Đông để tới An Lộc (điểm rẽ đi Buôn Mê Thuột). Do đó, đường bay thẳng tính chi tiết sẽ phải ngắn hơn quãng trên 90km và rút ngắn được khoảng 6 phút về mặt thời gian. Nếu tính cự ly và thời gian cho chi phí trả tiền thuê máy bay, người lái, lao động, tiền mua nhiên liệu... sẽ là một con số tiết kiệm rất lớn, chưa tính đến ích lợi thời gian cho hành khách. Với cự ly được rút ngắn 85 km cho 1 chiều thì số liệu cho nhiều chuyến bay còn lớn hơn nhiều”, ông Tuấn nói.

Là một cựu phi công, ông Tuấn nhận xét, dù có bay thử hay bay thật bao nhiêu chuyến thì thông số kĩ thuật không chuyến nào như chuyến nào (tính theo phút, giây). Bởi vì hướng gió và tốc độ gió trên cao, độ cao, nhiệt độ, mật độ không khí, mỗi mùa, mỗi ngày, mỗi lần một khác.

“Người phi công thực hiện lượn sớm muộn vài giây, hành lang đường bay 2 bên 25 km, kim đồng hồ tốc độ không phải đóng chặt ở 1 điểm, tay ga nhích lên hoặc giảm đi một chút đã khiến tốc độ đã có thể sai lệch đi một chút. Hơn nữa, trọng lượng và trọng tải máy bay, không chuyến nào giống chuyến nào, do vậy tất cả chỉ là thông số tương đối”, ông Tuấn nói.

Doanh nghiệp giảm chi phí, người dân hưởng lợi

Trước kết quả bay thử nghiệm không mấy khả quan, khi xét về hiệu quả kinh tế, ông Tuấn cho rằng, hiệu quả kinh tế là vấn đề còn phải xem xét, bởi nếu bay khoảng cách ngắn hơn, tiết kiệm thời gian bay và nhiên liệu nhưng tiền phí qua không phận phải trả nhiều hơn, đương nhiên không chủ hãng hàng không nào muốn bay, mà sẽ chấp nhận bay vòng, đốt bỏ hàng trăm ngàn tấn nhiên liệu trên không - “điều này dẫn tới sự phí phạm nhân với phí phạm và có hại cho xã hội và bầu trời của nhân loại”.

Nói về việc sử dụng không phận nước láng giềng, ông Tuấn cho rằng, việc này không phải các hãng hàng không giải quyết được, mà là việc của Nhà nước với Nhà nước. Tất yếu nhìn nhận và giải quyết hợp lý, trên tình nghĩa đặc biệt giữa 3 quốc gia. Ta vì ta, ta vì bạn, từ đó bạn cũng vì bạn và cũng vì ta, giải quyết chắc sẽ dễ dàng. Hơn nữa, bầu trời của Lào đóng cả 4 phía. Bầu trời của Campuchia đóng về 3 phía. Còn bầu trời của Việt Nam mở rộng 2 phía (đặc biệt là phía Đông và Đông Bắc, rộng mở tới 15 vĩ độ.

“Tất yếu theo xu thế phát triển, hàng không của 2 nước bạn sẽ phải qua bầu trời của ta để bay về hướng Đông, hướng Nam (đặc biệt là vùng Đông Bắc). Lẽ nào 3 nước anh em lại làm khó mình, lấy tiền cao hơn lượng nhiên liệu bay vòng. Giả dụ có hòa cũng là tốt, bởi ngoài chi phí nhiên liệu còn chi phí hao mòn máy móc, tiết kiệm thời gian, sức khoẻ, cũng là một định lượng quá quý với con người và xã hội”, ông Tuấn khẳng định.

Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” mới đây, chính Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khẳng định, đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM đã được nghiên cứu từ lâu nhưng vì điều kiện chưa đủ nên phải dừng lại để tiếp tục nghiên cứu.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, đến nay với điều kiện hội nhập, đặc biệt là việc chúng ta ký Hiệp định hàng không với các nước Campuchia, Lào, Myanmar, và điều kiện phát triển khoa học công nghệ về kiểm soát không lưu tốt hơn, Việt Nam đặt lại vấn đề nghiên cứu đường bay thẳng với mục tiêu an toàn là số 1 và hiệu quả cho các doanh nghiệp, khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, chi phí giảm bớt thì chắc chắn người dân sẽ được hưởng.

 “Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi đang cùng các doanh nghiệp hàng không, các cơ quan có liên quan nghiên cứu các đường bay thẳng, trước hết là đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM. Tất nhiên, để làm được việc này, các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để thực hiện các chuyến bay thẳng”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ./.

 Ông Mai Trọng Tuấn: "Đường bay thẳng đảm bảo các điều kiện an toàn:"

Trước thắc mắc của dư luận cho rằng đường bay thẳng qua địa hình của Lào và Campuchia không đảm bảo tính an toàn, khó khăn cứu hộ nếu không may xảy ra sự cố, ông Tuấn bác bỏ điều này và cho rằng, đường bay thẳng hoàn toàn nằm trên đất liền với ưu điểm địa hình và thời tiết phía Tây Trường Sơn không bao giờ có bão.

“Máy bay qua biên giới Việt Lào là bay theo triền sông Me Kong, phía dưới là vùng hạ Lào chỉ có đồng ruộng và đồi thấp. Nằm trên kinh tuyến 106 độ Đông, có 2 sân bay dự bị là Vinh và Paxế, hai đầu là 2 sân bay lớn Nội Bài và Tân Sơn Nhất, có đầy đủ các phương tiện, thiết bị dẫn đường, quản lý điều hành bay hiện đại. Máy bay thời nay đều là loại mới, trang bị hiện đại, có rada, hệ thống điều khiển tự động, tính toán theo lập trình đảm bảo các điều kiện an toàn bay”, ông Tuấn phân tích./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trước 5/9 sẽ có kết quả thử nghiệm “Đường bay vàng”
Trước 5/9 sẽ có kết quả thử nghiệm “Đường bay vàng”

VOV.VN - Cục Hàng không yêu cầu Vietnam Airlines và Vietjet Air cùng lập phương án thử nghiệm đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM.

Trước 5/9 sẽ có kết quả thử nghiệm “Đường bay vàng”

Trước 5/9 sẽ có kết quả thử nghiệm “Đường bay vàng”

VOV.VN - Cục Hàng không yêu cầu Vietnam Airlines và Vietjet Air cùng lập phương án thử nghiệm đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM.

Vietnam Airlines và VietJet bắt đầu thử nghiệm đường bay thẳng
Vietnam Airlines và VietJet bắt đầu thử nghiệm đường bay thẳng

VOV.VN - Hãng VietJet sẽ bay thử nghiệm bằng máy bay A320 ở mực bay tối ưu (mực bay tiết kiệm nhiên liệu nhất).  

Vietnam Airlines và VietJet bắt đầu thử nghiệm đường bay thẳng

Vietnam Airlines và VietJet bắt đầu thử nghiệm đường bay thẳng

VOV.VN - Hãng VietJet sẽ bay thử nghiệm bằng máy bay A320 ở mực bay tối ưu (mực bay tiết kiệm nhiên liệu nhất).  

Đường bay “vàng” chỉ tiết kiệm được 85 km và 5 phút
Đường bay “vàng” chỉ tiết kiệm được 85 km và 5 phút

VOV.VN - Chênh lệch giữa hai phương án bay theo đường hàng không thẳng giảm về cự ly là 85km.

Đường bay “vàng” chỉ tiết kiệm được 85 km và 5 phút

Đường bay “vàng” chỉ tiết kiệm được 85 km và 5 phút

VOV.VN - Chênh lệch giữa hai phương án bay theo đường hàng không thẳng giảm về cự ly là 85km.

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định không có “đường bay vàng” nào cả
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định không có “đường bay vàng” nào cả

VOV.VN -Đường bay thẳng với mục tiêu an toàn là số 1 và hiệu quả cho các doanh nghiệp, chi phí giảm bớt thì chắc chắn người dân sẽ được hưởng.

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định không có “đường bay vàng” nào cả

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định không có “đường bay vàng” nào cả

VOV.VN -Đường bay thẳng với mục tiêu an toàn là số 1 và hiệu quả cho các doanh nghiệp, chi phí giảm bớt thì chắc chắn người dân sẽ được hưởng.