Giá dầu về vùng 47 USD/thùng, Việt Nam có nên nhập khẩu dầu dự trữ?

Việc nhập khẩu dầu dự trữ cần thận trọng bởi thời điểm này vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi giá dầu thế giới trong xu thế bất ổn định.

Tính đến sáng 7/1 giá dầu thô trên thị trường Mỹ chỉ còn 47,93 USD/thùng. Đây được coi là mức giảm kỷ lục kể từ năm 2009. Trên thị trường châu Á, giá dầu tiếp tục giảm xuống mưc 47,2 USD/thùng. Theo Bloomberg sản lượng khai thác của Nga và Iraq có thể tăng trong năm 2015. Dự trữ dầu của Mỹ tuần qua ước tăng thêm 750.000 thùng lên 386,2 triệu thùng.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam đang cân nhắc đến việc nhập khẩu dầu dự trữ trong thời điểm này để tận dụng lợi thế giá dầu đang rơi. Trao đổi về vấn đề này, Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia đến từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã có những chia sẻ thẳng thắn.

PV: Giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm sâu, về gần 47 USD/thùng, có ý kiến cho rằng chúng ta có thể cân nhắc việc nhập khẩu dầu thô dự trữ. Ông nghĩ như thế nào về quan điểm đó?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: Việc nhập khẩu dầu thô dự trữ trong giai đoạn này không chỉ phụ thuộc vào xu hướng giá cả mà còn liên quan rất nhiều khía cạnh chẳng hạn khác như nguồn lực tài chính, chi phí kinh tế và điều kiện hạ tầng kỹ thuật.

 

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia đến từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.
Đầu tiên phải nói đến là xu hướng giá dầu. Không có bất kỳ một dự báo giá dầu nào đáng tin cậy hiện nay cả. Nếu giả sử mức giá hiện nay được xem là đáy thì tất nhiên việc mua dầu ngay lúc này sẽ có lợi bởi vì khi giá tăng chúng ta có thể xuất bán trở lại và thu lợi chênh lệch giá sau khi trừ chi phí dự trữ. Thế nhưng không ai có thể chắc chắn rằng liệu giá dầu còn có thể giảm nữa hay không. Nếu giá dầu còn có khả năng tiếp tục giảm nữa thì mua lúc này lại hết sức rủi ro.

Bỏ qua xu hướng giá dầu, việc nhập khẩu dầu dự trữ còn đòi hỏi phải có một nguồn tài chính đủ lớn. Việc nhập khẩu dầu thô phải với một quy mô đủ lớn thì mới có lợi thế kinh tế thay vì chỉ nhập khẩu nhỏ giọt, quy mô hạn chế. Trong điều kiện hiện nay, việc chuẩn bị một nguồn lực tài chính lớn như vậy cũng hết sức thách thức cho các đơn vị nhập khẩu. Để có được nguồn lực tài chính này đòi hỏi các đơn vị nhập khẩu phải đi vay mà việc đi vay, tức là sử dụng đòn bẩy tài chính, sẽ rất rủi ro khi giá dầu vẫn còn đang biến động thất thường.

Nhìn ở chi phí kinh tế, việc nhập khẩu dầu sẽ tạo ra cầu về ngoại tệ và từ đó gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu bình ổn tỷ giá trong giới hạn 2% trong năm 2015. Trong khi đó cuối ngày 6/1 vừa qua, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1% rồi nên dư địa còn lại không còn nhiều.

Chính vì vậy, việc nhập khẩu xăng dầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chính sách mục tiêu ổn định tỷ giá và để theo đuổi mục tiêu này đòi hỏi NHNN phải bơm dự trữ để can thiệp, làm giảm nguồn dự trữ ngoại hối của NHNN. Đây chính là phí tổn kinh tế (phí tổn ngoại hối). Phí tổn này có thể được bù đắp bởi lợi ích kinh tế của việc mua dầu với giá rẻ, nhưng tiếc là chúng ta không chắc liệu chúng ta đang mua dầu với giá rẻ hơn không.

Ngoài ra, nhìn ở một khía cạnh kinh tế khác, trong khi chúng ta vẫn đang khai thác và xuất bán dầu thô thì lý do gì chúng ta lại nhập khẩu dầu? Tại sao chúng ta không khai thác và dự trữ mà lại vừa khai thác và xuất khẩu nhưng đằng kia chúng ta lại nhập khẩu? Nghịch lý này rõ ràng sẽ rất khó giải thích. Nếu muốn nhập khẩu dầu dự trữ thì chúng ta phải cắt giảm sản lượng khai thác của mình xuống.

Tuy nhiên điều này lại ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của chúng ta mà hiện nay đang chiếm gần 20% tổng thu ngân sách là từ xuất khẩu dầu. Hơn nữa, dư luận cũng sẽ có phản ứng và hoài nghi với các chính sách của Chính phủ tựa như câu chuyện xuất khẩu than trước đây rồi nay lại phải nhập khẩu về để vận hành các nhà máy nhiệt điện than.

Về khía cạnh kỹ thuật, việc nhập khẩu dầu đòi hỏi phải có hệ thống kho trữ. Hệ thống kho trữ của chúng ta hiện nay có quy mô khá khiêm tốn lại đang sử dụng gần hết công suất. Nếu muốn mua dầu dự trữ đòi hỏi phải đầu tư vào hệ thống kho trữ với quy mô tương đối lớn và như vậy lại cần thêm nguồn lực tài chính. Chưa kể, thời gian xây dựng các kho chứa lâu cũng có thể làm cho tình hình giá dầu trên thế giới đã khác.

PV: Vậy theo ông có giải pháp nào để có thể tận dụng được thời điểm giá dầu đang giảm rất sâu này để mang lại lợi ích về kinh tế cho Việt Nam?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: Đúng là giá dầu đã giảm rất sâu nhưng không đồng nghĩa với việc là đã giảm sâu nhất. Với giả định là giá dầu đã giảm “đủ sâu” thì việc nhập khẩu dầu dự trữ có thể mang lại một số lợi ích kinh tế cho Việt Nam. Tuy nhiên, để khác phục các trở ngại về tài chính và hạ tầng kỹ thuật khi nhập khẩu dầu như đã nói trên đây, về mặt lý thuyết, chúng ta có thể sử dụng các hợp đồng kỳ hạn để mua xăng dầu kỳ hạn không cần đến kho chứa cũng như các nguồn lực tài chính trong hiện tại.

Hợp đồng kỳ hạn tức là giao dịch sẽ được thiết lập ngày hôm nay nhưng việc thanh toán và giao hàng sẽ được tiến hành trong tương lai với một mức giá được thỏa thuận trước. Nếu giả sử chúng ta có thể ký được một hợp đồng kỳ hạn nhập xăng hay dầu như vậy thì rõ ràng chúng ta có thể giảm được chi phí đầu tư kho trữ cũng như phải chuẩn bị sẵn một nguồn lực tài chính ngay từ đầu.

Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề không hề đơn giản như vậy. Nếu đây là một hợp đồng kỳ hạn mua dầu (Forwards) thì sẽ vẫn có rủi ro nếu giá dầu tiếp tục giảm. Tức là sau này khi giá dầu giảm so với giá giao dịch trong hợp đồng thì chúng ta vẫn phải mua với giá trong hợp đồng, ngược lại chúng ta sẽ có lợi nếu giá dầu tăng. Liệu chúng ta có khả năng dự báo giá chính xác hơn so với những đối tác ký hợp đồng bán dầu kỳ hạn với chúng ta hay không?

Chúng ta vẫn có thể dùng hợp đồng quyền chọn để bảo hiểm cả hai đầu xu hướng giá, tuy nhiên khi đó chúng ta vẫn phải chịu phí quyền chọn, tức phí bỏ ra để có được quyền chọn mua dầu với giá đã thỏa thuận. Các doanh nghiệp Việt Nam thường không có nhiều kinh nghiệm trên các thị trường phái sinh như vậy nên không chắc chúng ta có thể sử dụng nhuần nhuyễn và có hiệu quả các công cụ bảo hiểm rủi ro này.

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng chúng ta chỉ có thể có lợi khi chúng ta có thể thắng được thị trường – mà thực tế thì hiếm khi có người thắng được. Những gì chúng ta đang nghĩ thì nhiều nước khác cũng đã và đang nghĩ tới. Một khi nhiều nước đều có động cơ mua vào để tăng dự trữ thì sẽ tạo áp lực giữ hoặc tăng giá dầu trở lại.

Tuy nhiên việc dự trữ cũng để nhằm mục tiêu bán lại kiếm chênh lệch giá (ngoài việc dự trữ cho nhu cầu khác) sau này và khi đó giá dầu lại có khả năng tiếp tục giảm trở lại. Một hành động sớm trước thị trường mới có thể có lợi nhưng nếu chậm thì sẽ thất bại, song hành động sớm cũng hàm ẩn nhiều rủi ro trong đó. Nói chung ở đây giống như một canh bạc mà ở đó đòi hỏi người chơi phải thực sự am hiểu thị trường và cả khả năng tài chính nhằm ứng phó và hấp thụ các bất trắc có thể xảy ra. Nó giống như một phi vụ đầu cơ giá dầu vậy.

PV: Ông nghĩ như thế nào về việc gần đây các doanh nghiệp xăng dầu liên tục kêu lỗ vì giá dầu giảm?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: Đúng là có những doanh nghiệp “trót” mua dầu dự trữ với giá cao trước đây nên nay khi giá dầu giảm đã khiến cho các doanh nghiệp này chịu rủi ro thua lỗ. Kết cục này cũng mang lại nhiều hàm ý cho đề xuất mua dầu dự trữ mà chúng ta đã bàn trên đây. Tuy nhiên, tùy theo phương pháp kế toán tính giá hàng tồn kho (LIFO, FIFO,…) mà doanh nghiệp có thể tránh hay giảm được các thua lỗ kế toán (chưa hẳn là thua lỗ tài chính) này. Nếu sau này giá dầu phục hồi thì tính tổng thể chưa hẳn là doanh nghiệp bị thiệt.

Điều cũng cần phải nói thêm rằng, nhiều doanh nghiệp đã cố tình đánh tráo khái niệm doanh thu và khái niệm lợi nhuận. Cần nhớ rằng mục tiêu của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận chứ không phải là tối đa hóa doanh thu. Giá dầu giảm có thể khiến cho doanh thu của doanh nghiệp giảm với giả định sản lượng không đổi (chưa kể là có thể tăng do luật cầu) nhưng chi phí nguyên liệu đầu vào cũng giảm theo. Vấn đề quan trọng là phải cân đối được mức giảm doanh thu với giảm chi phí sao cho duy trì được lợi nhuận mục tiêu.

Việc nhiều doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận do tồn kho xăng dầu đã mua với giá cao trước đây là do năng lực quản trị hàng tồn kho cũng như khả năng dự liệu về giá dầu không tốt. Trong doanh nghiệp các nhà quản lý luôn sử dụng nhiều mô hình để quản trị hàng tồn kho (ví như mô hình EOQ chẳng hạn), đặc biệt là các doanh nghiệp xăng dầu. Sở dĩ có chuyện doanh nghiệp lỗ do giá dầu giảm như phản ánh là do năng lực quản lý tồn kho của những doanh nghiệp này kém.

Điều không hợp lý là thường những lý do này lại được sử dụng để giải thích cho chính sách giữ giá xăng dầu trong nước của nhiều doanh nghiệp trong điều kiện giá xăng dầu thế giới giảm. Rõ ràng, không thể lấy cái kém hiệu quả của doanh nghiệp để giải thích cho hành động chậm chạp trong điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, càng không thể để người tiêu dùng gánh chịu thay sự thua lỗ và sự yếu kém của các doanh nghiệp như vậy được.

PV: Xin cám ơn những chia sẻ của ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kế hoạch tài chính vẫn được đảm bảo để bù đắp thất thu do giá dầu giảm
Kế hoạch tài chính vẫn được đảm bảo để bù đắp thất thu do giá dầu giảm

VOV.VN -Trước nỗi lo giá dầu thô thế giới giảm sẽ khiến nguồn thu ngân sách thất thu khoảng 50 ngàn tỷ đồng, Bộ Tài chính khẳng định vẫn có kế hoạch tăng thu nội địa để bù đắp.

Kế hoạch tài chính vẫn được đảm bảo để bù đắp thất thu do giá dầu giảm

Kế hoạch tài chính vẫn được đảm bảo để bù đắp thất thu do giá dầu giảm

VOV.VN -Trước nỗi lo giá dầu thô thế giới giảm sẽ khiến nguồn thu ngân sách thất thu khoảng 50 ngàn tỷ đồng, Bộ Tài chính khẳng định vẫn có kế hoạch tăng thu nội địa để bù đắp.

Giới phân tích: Các nhà đầu tư phản ứng thái quá với giá dầu giảm
Giới phân tích: Các nhà đầu tư phản ứng thái quá với giá dầu giảm

VOV.VN -Đây là nhận định của các chuyên gia sau khi chứng kiến thị trường chứng khoán Dubai chịu tác động nặng nề khi giá dầu giảm.

Giới phân tích: Các nhà đầu tư phản ứng thái quá với giá dầu giảm

Giới phân tích: Các nhà đầu tư phản ứng thái quá với giá dầu giảm

VOV.VN -Đây là nhận định của các chuyên gia sau khi chứng kiến thị trường chứng khoán Dubai chịu tác động nặng nề khi giá dầu giảm.

Chủ tịch PVN: Giá dầu giảm không đáng ngại
Chủ tịch PVN: Giá dầu giảm không đáng ngại

VOV.VN - Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn: Với giá dầu đi xuống, mọi chi phí sản xuất của ngành dầu khí nói riêng và của các ngành sản xuất khác đều giảm theo.  Vì vậy, thậm chí giá dầu giảm còn đang giúp nền kinh tế...

Chủ tịch PVN: Giá dầu giảm không đáng ngại

Chủ tịch PVN: Giá dầu giảm không đáng ngại

VOV.VN - Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn: Với giá dầu đi xuống, mọi chi phí sản xuất của ngành dầu khí nói riêng và của các ngành sản xuất khác đều giảm theo.  Vì vậy, thậm chí giá dầu giảm còn đang giúp nền kinh tế...

Chủ tịch TP HCM đề xuất tăng dự trữ dầu
Chủ tịch TP HCM đề xuất tăng dự trữ dầu

VOV.VN - Giá dầu đã xuống mức gần 50 USD/thùng, Chính phủ thay vì dự trữ ngoại hối thì nên nghiên cứu dự trữ dầu.

Chủ tịch TP HCM đề xuất tăng dự trữ dầu

Chủ tịch TP HCM đề xuất tăng dự trữ dầu

VOV.VN - Giá dầu đã xuống mức gần 50 USD/thùng, Chính phủ thay vì dự trữ ngoại hối thì nên nghiên cứu dự trữ dầu.