Giá gạo xuất khẩu chịu áp lực giảm
(VOV) -Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chịu áp lực lớn do cạnh tranh giành thị trường Trung Quốc và châu Phi.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của Việt Nam và Pakistan tiếp tục cạnh tranh để thu hút quan tâm từ Trung Quốc. Đồng thời, lợi thế giá thấp hơn, gạo Việt có thể là đích nhắm đến của các nhà nhập khẩu châu Phi.
Châu Phi, Trung Quốc quan tâm gạo Việt
Theo VFA, các nhà nhập khẩu gạo châu Phi nhắm đến gạo Việt Nam và Pakistan như là một lựa chọn do giá chào bán của Ấn Độ đắt hơn (do Ấn Độ sẽ tăng giá hỗ trợ tối thiểu, có hiệu lực vào tháng 4).
Hiện tại, Ấn Độ còn phải đối mặt với biến động trên thị trường nội địa, tăng giá, và tỷ giá khá ổn định, ngăn Ấn Độ cạnh tranh với Việt Nam và Pakistan. Còn Việt Nam và Pakistan nhận được sự quan tâm của Trung Quốc (Ấn Độ thì không) và, người mua từ châu Phi sẽ chọn giá cạnh tranh hơn tại hai nước này, thị trường sẽ bình ổn và thậm chí tăng.
Thu hoạch lúa tại ĐBSCL (Ảnh: SGGP) |
Giống như Việt Nam, Pakistan vẫn phần nào hấp dẫn hơn Ấn Độ vì giá thấp hơn và hậu cần tốt hơn. Giá gạo chất lượng cao của Pakistan tuần đầu năm 2013 là 420 USD/tấn. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn có khả năng cạnh tranh gạo tấm, giá ở mức 330-335 USD/tấn (nhưng một số thương nhân cho rằng có khả năng có giá thấp đến 320 USD/tấn).
“Nhìn xa hơn, triển vọng giá Ấn Độ tăng có thể làm lợi cho Việt Nam và Pakistan. Điều này có thể diễn ra do giới thu của châu Phi chuyển sang quan tâm mức giá chào rẻ hơn của Việt Nam và Pakistan”-VFA nhận định.
Tuy nhiên, VFA cũng lưu ý rằng, nếu có tăng nhu cầu (từ Malaysia, Philippines và thậm chí có thể từ Indonesia), giá gạo Việt Nam có thể tăng nhanh chóng do tâm lý. Hiện tại, mọi chú ý đổ dồn vào Trung Quốc, cho dù cũng sẽ theo dõi quan tâm của châu Phi, mà có thể hình thành giá, và thậm chí có thể gây thất vọng các thương nhân Trung Quốc khi họ hy vọng có được giá thấp hơn từ cả Pakistan và Việt Nam.
Nhiều dự báo của các chuyên gia cho biết, xuất khẩu gạo năm 2013 của Thái Lan có thể giảm do chi phí lao động cao, đồng baht tăng giá. Sức cạnh tranh về giá của gạo Thái Lan cũng có xu hướng giảm hơn nữa trong năm nay khi chính phủ nước này quyết định tăng lương tối thiểu, sẽ làm tăng chi phí sản xuất.
Giá gạo hiện tại của Thái Lan vẫn khá ổn định, nhưng ở mức thấp hơn, gạo 100B ở mức 555 USD/tấn; gạo trắng 5% tấm ở mức 545 USD/tấn; gạo trắng 25% tấm ở mức 520 USD/tấn; gạo đồ ở mức 560 USD/tấn; gạo tấm ở mức 500 USD/tấn; và gạo tấm thơm ở mức 555 USD/tấn.
Còn tại Ấn Độ, dự báo xuất khẩu gạo giảm 30% (còn 7 triệu tấn, trong khi năm 2012 ước tính 10 triệu tấn) trong năm 2013 do giá cao hơn. Trong tuần đầu năm 2013, giá gạo chất lượng cao của Ấn Độ là 430 USD/tấn, còn gạo tấm là 335 USD/tấn.
Ủy ban Chi phí và Giá Nông nghiệp Ấn Độ (CACP) cho biết, Ấn Độ không thể giữ vị trí là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới trong năm 2013 do giá nội địa cao hơn và tăng cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu gạo năm nay. Thay vào đó, các chuyên gia dự báo xuất khẩu gạo Thái Lan sẽ hồi phục trong năm 2013, đạt khoảng 8,5 triệu tấn, giành lại vị trí là nước xuất khẩu gạo hàng đầu trong năm nay.
Tính đến ngày 01/01/2013, gạo dự trữ của Ấn Độ ở mức 32,2 triệu tấn, tăng khoảng 8% so với 29,7 triệu tấn vào ngày 01/01/2012, và đây là mức dự trữ kỷ lục cao nhất từ trước tới nay vào thời gian này trong năm. Tồn kho gạo hiện nay của nước này cao hơn 2,3 lần quy định dự trữ đệm chiến lược vào khoảng 13,8 triệu tấn.
Đồng thời, do thu hoạch bội thu liên tiếp, phân phối lúa công được cải thiện và gạo giá rẻ sẵn có của Ấn Độ qua biên giới, nên giá gạo Bangladesh giảm còn khoảng 345–360 USD/tấn trong 6 tháng cuối năm 2012. Tuy nhiên, nông dân nói rằng thương lái mua lúa của họ với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường và giá khoảng 345 USD/tấn hỗ trợ của chính phủ.
Xuất khẩu gạo Việt giảm 15,2% trong 10 ngày đầu năm 2013
Tuần qua, theo VFA xuất khẩu của Ần Độ tăng, nhưng xuất khẩu của Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, và Mỹ giảm. Do đó, tổng khối lượng xuất khẩu trong tuần qua giảm 63.000 tấn (-10,5%). Trong đó, xuất khẩu của Ấn Độ tăng 2.000 tấn (1,2%); xuất khẩu của Thái Lan giảm 8.000 tấn (-4,6%), trong khi xuất khẩu của Pakistan giảm 20.000 tấn (-23,5%); Việt Nam giảm 17.000 tấn (-15,2%) và Mỹ giảm 20.000 tấn (-31,5%).
Theo VFA, kết quả giao hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam từ ngày 1-10/1/2013 đạt 49.296 tấn, trị giá FOB 23,054 triệu USD, trị giá CIF 23,097 triệu USD.
Cùng thời điểm, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.350 – 5.500 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.550 – 5.700 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.250 – 7.400 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.100 – 7.250 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.200 – 8.300 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.800 – 7.900 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.450 – 7.600 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Trong khi đó, theo Reuters, giá gạo trắng loại 5% tấm của Việt Nam tuần qua được chào bán ở mức 410-415 USD/tấn, trong khi tuần trước đó là 420 USD/tấn.
Các thị trường gạo Việt đã xuất khẩu đến thời gian qua là châu Á, châu Phi, châu Mỹ và châu Âu.
Tính đến ngày 10/1/2013, theo số liệu của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & PTNT, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã thu hoạch được 730.000 ha, năng suất bình quân 5 tấn/ha, ước sản lượng cả vụ đạt 3,75 triệu tấn lúa.
Vụ Mùa đã xuống giống được 200/200 ngàn ha diện tích kế hoạch, đã thu hoạch được 120.000 ha, năng suất bình quân dự kiến 4,3 tấn/ha, ước sản lượng 860.000 tấn lúa./.