Gia nhập TPP các chuyên gia khuyến nghị gì?
VOV.VN - Để vững bước gia nhập TPP, Việt Nam phải tìm cách liên kết vào chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ nông nghiệp hiện đại.
Trước đây, lĩnh vực nông nghiệp đã có những bài học về WTO, thì nay, sản xuất –tiêu thụ hàng hóa nông sản vùng ĐBSCL lại tiếp tục đối mặt với những luật lệ cạnh tranh tương tự, có khi còn khắc nghiệt hơn khi Việt Nam tham gia TPP.
Chính vì thế, để có những bước đi vững chắc và đỡ bị thua thiệt khi hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, những khuyến nghị từ chuyên gia là điều hữu ích cho các thành phần kinh tế tại ĐBSCL.
Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhìn nhận một thực tế rằng sau 8 năm gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp trong nước đã “ngộp thở” do không có sự chuẩn bị tốt. Còn hiện nay, Việt Nam đã bước vào thời kỳ hội nhập mới, với những đẳng cấp cao hơn nhiều so với WTO. Đặc biệt, Việt Nam đã ký hàng loạt các FTA với nhiều quốc gia có đẳng cấp rất cao. Vì thế, nếu không có sự chuẩn bị tốt trong tiến trình hội nhập thì rất nguy hiểm.
TPP - Đòn bẩy trong tái cơ cấu nông nghiệp
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp phân tích: “Từ cuối 2015, khi hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, hiệp định về Việt Nam với Hàn Quốc hoàn thành, với liên minh kinh tế Á- ÂU thì như vậy chúng ta sẽ có thêm một loạt các FTA với các nước khác nhau và nhất là khi đã tham gia TPP hay đàm phán giữa Việt Nam với EU. Nếu xong tất cả thì có nghĩa là chúng ta có FTA với 57 quốc gia khác nhau trên thế giới. Hàng hóa của các quốc gia này được hưởng cơ chế thuế ưu đãi thì thử hình dung nền kinh tế của chúng ta, doanh nghiệp và các ngành hàng sẽ chấp nhận được cạnh tranh đến mức nào.”
Cơ giới hóa cần được đẩy mạnh trong sản xuất nông nghiệp. |
Tại diễn đàn “Tiêu thụ hàng nông sản trong bối cảnh hội nhập – kinh nghiệm từ ĐBSCL” diễn ra tại Cần Thơ mới đây, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh vai trò rất lớn của ĐBSCL trong tiến trình hội nhập. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia TPP, thách thức cho nông nghiệp càng lớn và tiêu thụ nông sản sẽ ngày càng khó khăn.
Theo phân tích của TS Nguyễn Sĩ Dũng, trong khi các nước phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, dân số làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp thì Việt Nam mà đại diện là khu vực ĐBSCL tỷ lệ người dân tham gia trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp rất cao nhưng sản xuất lại manh mún.
“Chúng ta có 60% người dân tham gia sản xuất nông nghiệp trong khi ở nhiều nước khác chỉ 3% thì sản phẩm người ta làm ra sẽ rẻ như thế nào. Khi chúng ta mở cửa thì hàng hóa sẽ cạnh tranh ra sao. Như vậy rõ ràng không chỉ là tiêu thụ mà phải là kết vào chuỗi giá trị như thế nào để có sự liên thông trong chuỗi. Chứ không chỉ làm ra và tìm cách tiêu thụ. Chỉ nghĩ như thế thì rủi ro vô cùng. Khi kết vào chuỗi giá trị để biết rằng mình cần bao nhiêu thì sản xuất bấy nhiêu,” TS Dũng lưu ý.
Trái cây ngon của ĐBSCL cần có thêm nhiều cách quảng bá, xây dựng thương hiệu như trái vải thiều ở miền Bắc khi tham gia xuất khẩu. |
Nhìn nhận ở một góc độ khả quan, phấn khởi, trong một dịp thăm và làm việc tại các địa phương khu vực ĐBSCL gần đây, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nêu rõ, việc ký kết TPP sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Đặc biệt sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho hàng nông sản ĐBSCL, ngành hàng chủ lực của khu vực này.
Đại sứ Ted Osius phân tích: Về dài hạn, nhờ vào TPP, Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu. Ông cho biết trong nông nghiệp ở ĐBSCL, TPP sẽ mở rộng cửa cho nhiều thiết bị và công nghệ nông nghiệp hiện đại hơn.
“Với thị trường chiếm đến 40% GDP toàn cầu, TPP sẽ mang đến cho VN nhiều lợi thế thật sự to lớn trong xuất khẩu đối với Việt Nam. Đồng thời, sẽ góp phần nâng các tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lên cũng như lợi ích trong vấn đề sở hữu trí tuệ, quyền và lợi ích của người lao động. Tuy nhiên, tôi cũng xin nói rõ là hiệp định này sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn và cả những thách thức cho Việt Nam,” vị Đại sứ nhấn mạnh.
ĐBSCL là một trung tâm nông nghiệp quan trọng của cả nước và khu vực. Thế mạnh của khu vực này là những sản phẩm lúa gạo, trái cây, và các loại thủy sản ngon, bổ dưỡng. Thế nhưng, theo TS Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI), một khi đã tham gia sân chơi lớn này, chắc chắn một số ngành kinh tế của ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí biến mất do không đủ sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, TS Võ Hùng Dũng cho hay, cũng từ cái bất lợi mà biến thành thuận lợi sẽ tạo điều kiện chuyển dịch một bộ phận lao động sang các ngành khác có lợi thế phát triển hơn.
Doanh nghiệp, chuyên gia nóng lòng chuẩn bị đón TPP
TS Võ Hùng Dũng phân tích thêm: Một khi Việt Nam đã vào TPP, tức tàu nhỏ đã ra biển lớn, "thảm đỏ" cũng trải ra. Như thế, hội nhập sẽ không chỉ là việc cắt giảm thuế, tự do hóa thương mại, tăng đầu tư mà đòi hỏi phải mở cửa cả về thể chế, tiêu chuẩn, môi trường lao động... Lúc này, hàng hóa càng tốt, sản phẩm càng chất lượng giá sẽ càng cao. Nhưng ngược lại, như câu chuyện tại ĐBSCL, nếu sản xuất không theo yêu cầu thị trường, chạy theo số lượng, sản phẩm kém sức cạnh tranh, hàng nông sản không thương hiệu; hay con tôm, con cá, cây ăn quả chưa đáp ứng, không thể vượt qua các hàng rào bảo hộ kỹ thuật thì thật sự chúng ta lại đầu hàng theo kiểu kéo "cờ trắng" xin thua ngay trên sân nhà”.
Thẳng thắn nhìn lại mình, rút kinh nghiệm từ những bài học xương máu là vấn đề cần làm ngay từ các cấp quản lý đến các chủ thể sản xuất kinh doanh nông nghiệp là nông dân và doanh nghiệp. Để từ đó tạo lập những chiến lược phát triển lâu dài và bền vững cho ngành nông nghiệp ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay./.