Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người dân ngập ngừng tái đàn
VOV.VN - Giá thức ăn chăn nuôi tăng “phi mã” thời gian qua đã khiến cho nhiều hộ nông dân ở Lào Cai gặp khó, không dám tái đàn.
Nuôi lợn hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ gia đình ông Đặng Văn San ở thôn Tả Ngảo, xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai lại rơi vào tình thế khó giải như năm nay. Chuồng nuôi còn chỗ trống nhưng lại không dám nhập thêm lợn giống về vì cứ đà này nếu nuôi cũng không có lãi và rủi ro lại luôn rình rập.
“Người dân nông thôn chúng tôi rất nhiều người muốn nuôi lợn, nhưng dè chừng vì cám tăng. Thứ hai, dịch tả châu Phi cứ quanh quẩn chưa hết dịch khiến dân lo ngại” - ông San nói.
Cùng xã Bản Qua, gia đình ông Hù Văn Bình ở thôn Bản Vai sở hữu hồ cá gần 1 ha đang phải nuôi cầm chừng bằng thức ăn phối trộn từ các phụ phẩm nông nghiệp để chờ xuất bán hết lứa này, có nuôi tiếp không thì gia đình chưa dám nghĩ tới.
“Giờ làm không có lãi đành cắt cỏ cho cá ăn, mỗi bao cám tăng giá 30.000 - 40.000 đồng, nuôi bằng cám không hiệu quả” - ông Bình chia sẻ.
Thực tế đã có không ít nông hộ ở Lào Cai phải bỏ trống chuồng trại sau gần chục đợt thức ăn chăn nuôi tăng giá liên miên từ cuối năm 2020 đến nay. Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh cho thấy, nửa đầu năm 2021, tổng đàn gia súc và diện tích nuôi trồng thủy sản của Lào Cai có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, một phần do nhiều hộ chuyển sang chăn nuôi gia cầm.
Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y tỉnh Lào Cai cho biết, nhiệm vụ đặt ra trong 6 tháng cuối năm đối với ngành chăn nuôi Lào Cai là một mặt hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn phù hợp hoặc chuyển đổi cơ cấu giống; một mặt đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh, sản xuất an toàn, tiêm vaccine cho gia súc, gia cầm để giảm thiểu rủi ro.
“Đảm bảo cung ít nhất là nhu cầu của tỉnh Lào Cai. Thứ hai là chuyển đổi linh hoạt thức ăn chăn nuôi cho phù hợp, ví dụ như đối với những loại thuỷ sản phải nuôi bằng thức ăn tổng hợp thì chuyển sang nuôi truyền thống như rô phi, trắm cỏ hoặc là hệ thuỷ sản khác. Đối với gia súc, gia cầm thì chuyển sang chăn nuôi hữu cơ đặc biệt tại các vùng cao của tỉnh Lào Cai” - ông Phạm Bá Uyên nói.
Một số chuyên gia cho rằng, việc phát triển chăn nuôi theo vùng, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ cũng nên khuyến khích phát triển trong giai đoạn này, vừa phù hợp với xu thế hiện đại, vừa có thể san sẻ rủi ro giữa các khâu trước tình hình giá thức ăn nuôi diễn biến phức tạp./.