Giá thuốc đấu thầu không được chênh quá 5%, doanh nghiệp dược than khó
VOV.VN - Chênh lệch giá thuốc không được quá 5% giữa các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc là quy định gây khó cho doanh nghiệp dược thực hiện điều chỉnh giá thuốc. Đó là một trong những nội dung đưa ra tại hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp lĩnh vực y tế và Chính quyền TP.HCM, diễn ra sáng nay (4/10).
Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp lĩnh vực y tế và Chính quyền TP.HCM do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp Sở Y tế TP.HCM tổ chức.
Nói về khó khăn trong việc tham gia đấu thầu thuốc ở các cơ sở y tế, đại diện Công ty cổ phần Dược phẩm OPC cho hay, đấu thầu thuốc đang cạnh tranh giá khốc liệt. Tuỳ độ lớn của gói thầu mà tập trung hay riêng lẻ cũng như tuỳ từng địa bàn xa, gần mà doanh nghiệp có những chính sách giá đấu phù hợp.
Tuy nhiên, cơ quan Bảo hiểm Xã hội bắt buộc giá chênh lệch 5% giữa các hội đồng thầu (cơ sở khám chữa bệnh) trên toàn quốc, điều này là quá khó cho doanh nghiệp, trong khi không có quy định nào cụ thể về chênh lệch giá như vậy.
Bên cạnh đó, quy định mỗi năm lại thay đổi, năm thì áp dụng mức chênh 10%, năm thì áp dụng 5%. Thực tế, giá nguyên liệu đầu vào tăng, xăng dầu tăng, giờ có thêm quy định này nữa thì doanh nghiệp khó điều chỉnh giá thuốc.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, đây chỉ là khuyến cáo của Bảo hiểm Xã hội để các cơ sở khám chữa bệnh rà soát lại giá đấu thầu, nhắm quản lý giá thuốc phù hợp.
Đến thời điểm này, cơ quan Bảo hiểm Xã hội chưa tiến hành việc xuất toán đối với cơ sở khám chữa bệnh nào liên quan đến các khoản chênh lệch giá.
Cũng theo Sở Y tế, Sở đã nhiều lần trao đổi với cơ quan Bảo hiểm Xã hội về vấn đề chênh lệch giá, do việc điều chỉnh giá cả còn phụ thuộc vào giá nguyên liệu và các chi phí phát sinh khác trong quá trình đấu thầu.
Trong một số trường hợp, mức chênh lệch giá 5% trên toàn quốc không thật sự phù hợp. Tổ Bảo hiểm Y tế của Sở Y tế TP.HCM cũng đã làm việc với cơ quan Bảo hiểm Xã hội TP để giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Tại hội nghị, đại diện ngành y tế cũng giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép lưu hành đối với trang thiết bị y tế, thông tin quy định về việc đăng ký và điều chỉnh giá thuốc, hướng dẫn vay vốn lãi suất ưu đãi đối với các dự án nghiên cứu khoa học liên quan lĩnh vực y tế...
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, một số thủ tục đã được phân cấp cho Thành phố, mang lại thuận lợi cho các đơn vị trong lĩnh vực y tế.
Ví dụ, việc cấp phép quảng cáo của bệnh viện tư nhân trước đây phải thông qua Bộ Y tế, nay đã được giao cho Sở Y tế TP. HCM. Thủ tục nhập khẩu một số loại thuốc đặc trị cũng được phân cấp cho Thành phố, giúp quá trình diễn ra nhanh chóng hơn.
"Ngành y tế giới thiệu qua về những cái khó khăn thách thức trong các hoạt động trong một số lĩnh vực liên quan đến y tế. Thành phố cũng đã có Nghị quyết để triển khai các dự án đầu tư theo đối tác công tư. Hiện chúng ta có 6 dự án rất lớn, cũng giới thiệu luôn đến các doanh nghiệp để doanh nghiệp có quan tâm thì sẽ trao đổi thêm", ông Nguyễn Hoài Nam nói.